“Cứu tinh” của Tuần thời trang New York

Mỗi tuần lễ thời trang đều có những câu chuyện chứa nhiều cảm xúc. Tuần thời trang New York 2015-2016 (đang diễn ra) lần này cũng không ngoại lệ.

Những ánh đèn lung linh cùng các mẫu thiết kế độc đáo, đầy sáng tạo hay hình ảnh những người mẫu phờ phạc, ngồi bên vệ đường với hồ sơ cá nhân xin việc trên tay... đã trở nên quá quen thuộc. Những hình ảnh quen thuộc ấy thường làm cho các tuần lễ thời trang trở nên nhàm chán. Trong khi đó, ban tổ chức với những người có đôi mắt tinh tường, trong đầu đầy ắp chiến lược quảng bá không cho phép sự kiện mà họ tổ chức diễn ra thiếu “lửa”.

“Cứu tinh” của Tuần thời trang New York - 1

 


Người mẫu Rebekah (trên) và người mẫu Madeline tại Tuần lễ thời trang New York 2015-2016 Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Người mẫu Rebekah (trên) và người mẫu Madeline tại Tuần lễ thời trang New York 2015-2016 Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Với Tuần lễ thời trang New York năm nay, Madeline Stuart, cô gái mắc hội chứng Down và Rebekah Marine, người mẫu có cánh tay giả, xuất hiện như những vị “cứu tinh”. Việc họ được chọn trình diễn trên sàn catwalk không nằm ngoài chiến lược quảng bá nhưng lại đề cao yếu tố nhân văn. Thế giới sẽ phải khâm phục và nhớ đến 2 cô gái này vì nghị lực phi thường của họ.

18 tuổi, Madeline Stuart đã là người mẫu chuyên nghiệp. Điều đáng ngưỡng mộ hơn cả là việc cô vượt lên số phận để thành công trong sự nghiệp người mẫu. Từ Úc đến New York để trình diễn lần này, Madeline hào hứng với công việc của mình nhưng người hạnh phúc hơn chính là mẹ cô, bà Rosanne. “Đây là dấu hiệu cho thấy thế giới thời trang khắc nghiệt và đáng sợ đang trở nên cởi mở hơn với nhiều đối tượng phụ nữ. Madeline rất phấn khởi. Đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi” - bà bày tỏ.

Tháng 5 vừa qua, bà Rosanne đã đăng ảnh cô con gái 18 tuổi của mình lên Facebook. Những tấm ảnh này sau đó nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Chỉ trong vòng 1 tuần, Facebook của Madeline đã có 20.000 người theo dõi. Đến nay, trang Facebook của cô đã thu hút được gần nửa triệu người like (thích). Không dừng ở đó, một công ty đã dùng tên Madeline để đặt tên cho sản phẩm túi xách tay, đồng thời quyên tặng toàn bộ số tiền bán hàng cho NDSS (The National Down Syndrome Society - tổ chức từ thiện xã hội giúp đỡ người bị hội chứng Down).

Sự nghiệp người mẫu của Madeline tiếp tục thăng hoa khi cô trở thành gương mặt đại diện của Công ty Mỹ phẩm Glossigirl và được ký hợp đồng tham dự Tuần lễ thời trang New York. Theo bà Rosanne, chuyện Madeline bước vào thế giới thời trang hào nhoáng chỉ cần đủ sức giúp một người mẹ có con bị Down nào đó thêm niềm tin vào con mình thì đã là điều khiến bà hạnh phúc.

Cũng tạo cơn sốt tại Tuần lễ thời trang New York lần này là Rebekah Marine - 28 tuổi, người mẫu mất một cánh tay, làm công việc bán xe hơi. “Nhiều đứa trẻ giờ đây còn nghĩ tôi là một siêu anh hùng” - Marine khoe. Từ bé, dù không có cánh tay phải, cô vẫn ước mơ trở thành người mẫu. Ước mơ đó đã đưa mẹ con Marine đến những buổi thi tuyển, chụp hình để rồi... luôn bị loại.

“Nhiều thương hiệu rất dè dặt trong việc sử dụng những người mẫu có thân hình không mảnh dẻ, mắt xanh, tóc vàng... Đó là thách thức nhưng chúng ta đang có những bước tiến và tôi có cảm giác thật tuyệt khi được là một phần trong đó. Nếu phải chết ngay, tôi vẫn là người hạnh phúc nhất trên thế giới này. Tôi cho rằng mình đã có ảnh hưởng đến người khác và tôi mong muốn làm thay đổi cuộc sống của mọi người” - Marine tâm sự.

Quảng bá lâu nay đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong những sự kiện. Với Tuần lễ thời trang New York 2015-2016, cách quảng bá của ban tổ chức được đánh giá là “đỉnh cao bởi sự nhân văn và tinh tế” - như bình luận của các tạp chí thời trang phương Tây. Tất nhiên, tuần thời trang này không thể thiếu dàn siêu mẫu hàng đầu thế giới song biết biến điều bất thường thành điểm mạnh cho mình thì không phải ai cũng đủ bản lĩnh, khôn ngoan để lựa chọn như các nhà tổ chức Tuần lễ thời trang New York 2015-2016.

Từng bị chỉ trích vì lạm dụng người mẫu siêu gầy, các nhà tạo mốt đang được ngợi ca vì đã thay đổi tư duy trong cách sử dụng người mẫu. Điều đó trở nên nhân văn hơn trong mắt công chúng.

Theo Thùy Trang
Người Lao Động