“Cuộc đời sau trang sách” câu chuyện chiến thắng số phận

(Dân trí)- Bộ phim tài liệu mới của đạo diễn Phan Huyền Thư về những tấm gương vượt qua nỗi đau khuyết tật vươn lên khẳng định bản thân đã thực sự để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc.

“Cuộc đời sau trang sách” vừa được nhận giải C- Giải Báo chí toàn quốc năm 2011 và được chọn trình chiếu trong Tuần Lễ Phim Tài liệu Quốc tế - Châu Âu tháng 6-2012 vừa qua. Vào 28/8, bộ phim ra mắt khán giả lần đầu tại Phòng chiếu của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội).

Không có lời bình của người ngoài cuộc, bộ phim ghi lại cuộc hành trình của Nguyễn Sơn Lâm một nạn nhân của chất độc màu da cam đi tìm kiếm những tấm gương tật nguyền làm tư liệu viết nên cuốn sách của mình. Chàng trai 29 tuổi chi cao 90cm, đi lại phải sử dụng nạng gỗ, đã tốt nghiệp hai trường Đại học ấy đã tìm đến nhiều miền quê để gặp gỡ nhiều mảnh đời bất hạnh quyết tâm thay đổi số phận. Mỗi cuộc gặp gỡ là một câu chuyện đặc biệt khiến người xem không khỏi ngậm ngùi, xúc động. Anh đến gặp nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người đã sống trong trang sách của biết bao thế hệ học trò Việt Nam với truyện kể “Bàn chân kỳ diệu”. Không thể viết với hai tay bại liệt, thầy đã tập viết bằng chân và vượt qua những bất hạnh trở thành nhà giáo, nhà văn viết truyện cho thiếu nhi. Rồi cuộc gặp gỡ với Trần Trà My cô gái không thể nói tròn chữ, đôi chân bị liệt, hai tay co rút chỉ cử động được duy nhất một ngón tay đã gõ bàn phím để viết nên những giấc mơ nhân văn sâu sắc. Cô gái xinh đẹp ấy đứng lên từ tuyệt để trở thành nhà văn với tập truyện ngắn đạt giải thưởng Bút mới 2008. Hay em Nguyễn Minh Trí ở An Giang, sinh ra với hai bờ vai tròn phẳng lỳ, không hề có cánh tay nhưng với đôi chân em vẫn không từ bỏ ước mơ đi học tập viết, làm mọi việc bằng chân và trở thành con ngoan, trò giỏi. Từ một bài báo, Sơn Lâm tìm đến Vĩnh Phúc gặp Nguyễn Thị Hồng, cô gái suốt 30 năm nằm bất động trên giường chỉ cử động duy nhất được cơ cổ. Vậy mà Hồng đã học chữ và ngậm bút để viết nên hơm 300 bài thơ để kể chuyện cuộc đời mình, vẽ nên thế giới tâm hồn mình… Chính những cuộc gặp gỡ ấy đã thôi thúc Sơn Lâm lên đường chinh phục nóc nhà Đông Dương. Bởi đây là hành trình không phải của riêng anh nữa, đó là con đường anh thực hiện thay cho những người bạn mà mình đã gặp và không thể thực hiện được ước mơ này. Họ có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung khát khao khẳng định: Không phải là người thừa, những người khuyết tật bằng ý chí, nghị lực họ đang chứng tỏ bản thân mình với gia đình và xã hội.
 
Cảnh trong phim


Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Có dung lượng khá lớn trong khuôn khổ một bộ phim tài liệu - 52 phút nhưng không vì thế mà mạch phim dài dòng, nhàm chán. Phim kết thúc cả nhân vật, đạo diễn và khán giả đều lau vội những giọt nước mắt nghẹn ngào. Qua bộ phim, ta nhận ra thực trạng người khuyết tật Việt Nam đang từng ngày, từng giờ gặp phải nhiều khó khăn khác từ sự vô tình mang đến. Bên cạnh những ánh mắt kì thị, những thiếu thốn vật chất, họ phải đối mặt với thực trạng nhiều phương tiện công cộng không có lối đi cho người khuyết tật. Những công trình kiến trúc hiện đại, nguy nga cũng không hề có cửa vào riêng cho họ.

Song bằng cái nhìn của một người quan niệm rằng “không may mắn cũng là một giá trị”, bộ phim của đạo diễn Phan Huyền Thư kể về nỗi đau nhưng không có lấy một giọt nước mắt tuyệt vọng hay một lời than vãn. Tất cả các nhân vật đều lấp lánh nụ cười lạc quan, Sơn Lâm nuôi hi vọng cuốn sách của mình sẽ giúp được nhiều người. Thầy Nguyễn Ngọc Ký ngày ngày đấu tranh với bệnh suy thận vẫn cho rằng đó chỉ là một khó khăn trong cuộc sống. Hay bạn Trà My sắp cho ra đời cuốn sách “Yêu trên từng ngón tay” để kỉ niệm 10 năm viết văn. Em Minh Trí ngày ngày đến trường nuôi ước mơ vào đại học và bạn Nguyễn Thị Hồng vẫn làm thơ, vẽ tranh về cuộc đời.
 
Phan Huyền Thư (bìa phải) và nhân vật của mình, Trà My
Phan Huyền Thư (bìa phải) và nhân vật của mình, Trà My
 
 
Ngậm ngùi xúc động khi chia sẻ tại buổi chiếu phim, đạo diễn Phan Huyền Thư cho biết: “Bộ phim đã từng bị nhiều người phàn nàn, họ cho rằng tôi làm khổ nhân vật, bắt các bạn “diễn”, đi lại quá nhiều. Nhưng những gì cảnh quay ghi lại hoàn toàn là cuộc sống thật hàng ngày của các nhân vật. Qua bộ phim này, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất, đây là một thông điệp để mọi người lạc quan trong cuộc sống. Và hơn hết mong được tiếp sức từ phía khán giả cũng như cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau chung tay giúp sức, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống thường ngày cho người khuyết tật”.
 
 
Nha Trang