Chuyện về chiếc ghế trống trong bữa cơm của bố con nhạc sĩ Thanh Tùng

(Dân trí) - "Có một điều tôi cứ ấn tượng mãi với gia đình chú đó là trong những lần tôi vào nhà chú, thời điểm đó cô Minh mới qua đời thì cứ mỗi lần đến bữa ăn, bên cạnh bốn bố con bao giờ cũng có một chiếc ghế trống, một đôi đũa, một bát cơm để dành cho cô. Điều này như một cách nhắc nhở các con về sự hiện hữu vô hình của mẹ dù bà đã sang thế giới bên kia", NSƯT - NTK Đức Hùng chia sẻ.

Vốn dĩ chơi rất thân với anh Nguyễn Thanh Bách, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Thanh Tùng nên sáng 22/3, NSƯT-NTK Đức Hùng đã có mặt khá sớm tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Tùng. Với anh, nhạc sỹ “Giọt nắng bên thềm” là một người chú mà anh vô cùng trân quý và hâm mộ. Trong giây phút nghẹn ngào đến tiễn đưa ông, NSƯT- NTK Đức Hùng đã kể lại rất nhiều câu chuyện về vị nhạc sĩ này.

NSƯT - NTK Đức Hùng và vòng hoa vào viếng nhạc sỹ Thanh Tùng sáng 22/3. Ảnh: Thế Dương.
NSƯT - NTK Đức Hùng và vòng hoa vào viếng nhạc sỹ Thanh Tùng sáng 22/3. Ảnh: Thế Dương.

Anh kể, anh may mắn được nhạc sĩ “Giọt nắng bên thềm” xem như con cháu trong gia đình. Cá nhân anh và nhạc sĩ Thanh Tùng có rất nhiều kỷ niệm vì anh chơi rất thân với anh Thanh Bách từ bé.

“Năm 1990, tôi vào Sài Gòn thường được ở nhà của chú. Những lần gặp gỡ này tôi được chú chia sẻ cho nghe rất nhiều câu chuyện âm nhạc. Chú cháu tôi quý mến nhau tới độ, có một lần vào Sài Gòn công tác đúng vào dịp cận Tết Nguyên Đán, tôi còn mang một cành đào Nhật Tân vào cho chú chơi Tết, vì vợ chú là người Hà Nội nên vẫn thích đón Tết theo phong tục Bắc. Bản thân chú là người gốc Nha Trang nhưng sống ở Hà Nội từ nhỏ nên trong gia đình, con cái của chú cũng nói giọng Bắc. Đó là điều tôi rất ấn tượng về gia đình nhà chú.

Sự ra đi của chú nằm trong sự chuẩn bị tinh thần của tôi vì chú cũng đã đau ốm mấy năm nay rồi. Tuy nhiên, có một điều là trong suốt thời gian chú bị đau ốm tôi không dám đến thăm chú vì chú là người sang trọng, tinh tế lắm. Chú không muốn hình ảnh của mình bị xấu trước con mắt con cháu, người hâm mộ. Cho nên việc không đến thăm là một cách tôn trọng chú mà rất ít người biết được điều đó. Cũng vì lí do đó mà hình ảnh của chú Tùng trong tôi luôn là một người đàn ông lịch lãm, sang trọng và hào hoa lắm. Chú Tùng cũng có nhiều sự khác biệt lắm. Chính tôi từng nhìn thấy chú ở khách sạn nhiều sao, uống rượu ngoại đắt tiền để lấy cảm hứng sáng tác nhạc.

Chuyện về chiếc ghế trống trong bữa cơm của bố con nhạc sĩ Thanh Tùng - 2
Những hình ảnh đầy kỷ niệm của vợ chồng nhạc sỹ Thanh Tùng lúc còn trẻ. Ảnh: Hồng Thu.
Những hình ảnh đầy kỷ niệm của vợ chồng nhạc sỹ Thanh Tùng lúc còn trẻ. Ảnh: Hồng Thu.

Tôi rất thích ca từ trong âm nhạc của chú Tùng. Có lần chú nói với tôi: “Hà Nội trong nhạc của tao không có từ nào về Hà Nội cả nhưng lại rất Hà Nội, đó là bài Lối cũ ta về. Tôi thấy đó là sự tài ba riêng có của chú. Có những người nhạc sĩ viết Hà Nội không thể không nhắc đến hai từ “Hà Nội” nhưng riêng chú Tùng thì lại không cần nhắc tên mà bài hát vẫn rất Hà Nội. Chú Tùng còn phân tích cho tôi nghe bài Chuyện tình của biển là khi đã có tình yêu vào rồi thì có thể thức trắng cả đêm giữa biển và bỗng thấy trong mình có một trái tim. Tất cả cũng bởi tại trái tim và ai chưa hiểu thì kể cho nghe. Kể cho đến khi hiểu ra thì mới thôi, bởi hiểu rồi mới muốn giữ lấy tình yêu ấy. Tôi cảm thấy tất cả ý tứ lẫn giai điệu trong bài hát này của chú tinh tế vô cùng. Tôi cảm thấy mắn mắn vì được là một trong những đứa cháu chú yêu quý.

NTK Đức Hùng chắp tay thành kính vĩnh biệt người chú mà anh vô cùng kính trọng. Ảnh: Mạnh Thắng.
NTK Đức Hùng chắp tay thành kính vĩnh biệt người chú mà anh vô cùng kính trọng. Ảnh: Mạnh Thắng.

Tôi rất thích cách đặt tên của chú Tùng. Bố tên Tùng, con cả tên Bách, con thứ tên Thông và con gái út là Bạch Dương. Tên của ba đều gắn với những loài cây mang ý nghĩa của sự thanh cao, sự bền vững, sự chính trực.

Có một điều tôi cứ ấn tượng mãi với gia đình chú đó là trong những lần tôi vào nhà chú, thời điểm đó cô Minh mới qua đời thì cứ mỗi lần đến bữa ăn, bên cạnh bốn bố con bao giờ cũng có một chiếc ghế trống, một đôi đũa, một bát cơm để dành cho cô. Điều này như một cách nhắc nhở các con về sự hiện hữu vô hình của mẹ dù bà đã sang thế giới bên kia. Và cũng chính điều này khiến tôi cảm thấy trân trọng và nể phục vô cùng tình cảm mà chú Tùng dành cho người vợ quá cố của mình”.

Hà Tùng Long