Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt

(Dân trí) - “Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt”, là cuốn sách là tập hợp những truyện chọn lọc gần đây nhất của Nhà báo Nguyễn Đoàn đăng tải hàng tuần trên chuyên mục Blog và Diễn đàn -báo điện tử Dân trí, vừa được NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành 2015. Nhà văn Tạ Duy Anh viết giới thiệu ở trang đầu tiên của cuốn sách này, thay cho lời nói đầu

 

Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt - 1

Nụ cười Nguyễn Đoàn

Nguyễn Đoàn rất khôn ngoan khi chọn cho mình một lối viết hợp sở trường. Vốn là dân làm báo, viết báo, ông có rất nhiều vốn sống, nhất là mảng vốn sống về những vấn đề gây nhức nhối của xã hội. Mỗi vấn đề đó giống như cái dằm, khi cắm vào da thịt không đủ làm chết người nhưng có thể khiến người ta phát khùng làm những việc mất kiểm soát. Đó là thói quen nói dối, làm giả ăn thật, phóng đại thành tích, sỹ diện hão, hám danh, hám tình, trưởng giả học làm sang, mẹ hát con khen hay, nịnh bợ để thăng quan tiến chức, nói một đằng làm một nẻo, khẩu phật tâm xà, đạo đức giả…và còn nhiều thứ “bất hảo” khác mà bạn đọc có thể thấy hầu hết chúng bị triệu tập, bắt phải trình diện trong cuốn sách này. Những thói tật ấy vừa có mầu sắc ba lăng nhăng, nhí nha nhí nhố kiểu hài kịch nhân sinh vô thưởng vô phạt nhưng không vô hại (ít nhất thì cũng làm khó chịu người khác, hạ cấp văn hóa ứng xử), vừa ẩn chứa trong đó sự thiểu năng về mặt trí tuệ, nhân cách và đạo đức. Nó chính là môi trường để “cái sảy nảy cái ung”, sản sinh ra các loại tội phạm.

Bạn đọc nào không quay lưng lại với cuộc sống, đều dễ dàng nhận ra những thứ đó.

Nhưng Nguyễn Đoàn không chỉ nhận ra, nhận rõ bản mặt của từng loại thói tật, mà ông còn bắt nó dần lộ diện, múa may quay cuồng theo cách riêng của ông: nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Đọc ông không chỉ là đọc những câu chuyện có nội dung hài hước, mà còn là đọc những vấn đề xã hội. Mỗi vấn đề, phản ánh một khía cạnh của đời sống, nhưng chính nó cũng đang góp phần vẽ lên chân dung cuộc sống ở phần nhảm nhí, lố lăng, kệch cỡm, đáng thương và tất nhiên có cả đáng kinh tởm. Chỉ có điều Nguyễn Đoàn không trực diện chỉ mặt, day trán bằng những thóa mạ, mắng mỏ, mà ông để cái xấu, cái đáng cười tự phơi bày, tự trần mình ra dưới đèn sân khấu. Ngòi bút láu cá của ông ít khi bị lộ, vì thế luôn khiến cái xấu mất cảnh giác cứ tự dốc gan ruột một cách đắc chí, cho đến khi phát hiện ra thứ vũ khí đáng sợ của ông thì mọi chuyện đã xong xuôi, không còn cơ hội để phản đòn.

Nối gót nhiều bậc cao nhân, ông tiếp tục khẳng định, kẻ thù của mọi thứ xấu xí, nhếch nhác là tiếng cười, kể cả cười thầm.

Nhưng Nguyễn Đoàn không chọn lối gây cười tức thì. Ông biết hiệu quả của thứ mà ông sẽ tạo ra, một cách hết sức tự tin. Vì thế mà ông không vội. Rất ít chuyện của ông khiến người ta cười phá lên, hả hê cho bõ và thông thường sau đó cũng dễ cho qua. Ông khiến người ta đi từ trạng thái tò mò, theo dõi, luôn đưa ra những phán đoán và thường là phán đoán nhầm, để rồi khi vỡ lẽ thì cười một mình, cười mỉm, cười chua chát, cười cay đắng, cười nhưng không vui mà buồn đau, căm ghét và nhất định phải suy ngẫm tiếp cùng với tác giả.

Tôi tạm gọi đó là nụ cười Nguyễn Đoàn.

Chúc ông can đảm tiếp tục dấn bước.


Tạ Duy Anh

Trích đăng 1 truyện trong tập “Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt”:

Hà Nội ngập do đàn ông… ghen!

Giám đốc sở hỏi:

- Báo chí muốn gặp phỏng vấn, tại sao chỉ khoảng sau 30 phút mưa chiều ngày 14 tháng 6, đường phố Hà Nội đã thành sông,  mưa lớn “nhấn chìm” Hà Nội trong ngập lụt và ùn tắc. Vậy theo cậu phải trả lời thế nào?

Cán bộ sở hiến kế:

- Anh cứ trả lời là do quản lý và quy hoạch đô thị kém, thực hiện nhiều dự án, tiêu tốn nhiều tiền tỉ mà chẳng đâu vào đâu.

- Thế là tại quan trí à?! Không được, tuyệt đối không  được! Nếu nói vậy còn gì là uy tín của các cơ quan công quyền nữa.

- Vậy thì cứ trả lời là do ý thức của dân kém, vứt chất thải, rác rưởi làm tắc  hệ thống thoát nước.

- Thế là tại dân trí à? Không được, cũng tuyệt đối không  được. Dân là gốc, không được đổ lỗi cho dân.

- Hay là chúng ta đổ tại  thực dân đế quốc?

- Ấy chết, càng không được. Vì nước ta độc lập từ năm 1945, thủ đô Hà Nội không còn bóng thực dân từ năm 1954, tức là gần 60 năm rồi. Mà đề cập đến nguyên nhân này rất nguy hiểm, vì quản lý và quy hoạch đô thị, nói cho cùng thực dân Pháp làm tốt hơn hẳn ta. Thành phố Hà Nội thời đó dù mưa to đâu có bị ngập như bây giờ đâu. Đổ lỗi cho họ, thiên hạ cười cho thối mũi.

- Khó quá nhỉ! Dù sao cũng phải nêu được nguyên nhân vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập chứ. Hay là học tập các nhà khoa học và quản lý chuyên ngành trong  cả nước vừa qua hội họp, hội thảo tìm nguyên nhân tại sao trong hai năm nay xe ô tô, xe máy đang chạy trên đường bỗng dưng bốc cháy đùng đùng, mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, cuối cùng cũng đi đến sự nhất trí cao xe cháy là do lửa. chính lửa làm cháy xe, không có lửa làm sao cháy xe được. Chính xác quá, khoa  học quá, cấm ai cãi nổi họ. Vì vậy, ta cứ công bố với báo chí rằng đường phố Hà Nội bị ngập mỗi khi mưa to là do nước. Chính nước làm ngập đường. Không có nước làm sao đường phố bị ngập được. Cũng chính xác quá, khoa học quá, đố ai cãi nổi chúng ta.

- Xác định nguyên nhân như vậy là trúng, nghe thì hay nhưng chưa phải là hay nhất. Hơn nữa, chúng ta nói thế hóa ra lại bắt chước họ à, rập khuôn theo họ à. Lúc này là lúc phải chỉ ra được nguyên nhân sâu sắc hơn, ở tầm trí tuệ cao hơn họ để thiên hạ thấy các nhà  trí thức ở ngành nước có trình độ hơn hẳn các nhà trí thức ở ngành lửa. Tôi nghĩ rồi,  chúng ta sẽ nêu nguyên nhân Hà Nội cứ mưa là bị ngập, chính là do đàn ông Việt Nam.

- Đàn ông Việt Nam !!!???

- Đúng, do đàn ông Việt Nam. Đàn ông Việt có máu ghen vào loại đứng hàng đầu Thế Giới. Hậm hực cũng là ghen. Ở các nước, chửi vài câu cũng là ghen. Đánh nhau một vài trận với tình địch cũng là ghen, thậm chí ghen đến mức bóp cổ vợ chết như Ôtenlô bóp cổ Đexđêmôna trong vở kịch của nhà văn Anh Sếchxpia cũng là ghen, nhưng đàn ông Việt thì ghen dữ dội hơn nhiều. Sử sách đã ghi rành rành, chuyện xẩy ra từ ngàn năm xưa, hai chàng trai Việt Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng cầu hôn với công chúa Mỵ Nương, nhưng Mỵ Nương lấy Sơn Tinh, thế là Thủy Tinh ghen dâng nước lên đánh Sơn Tinh, mà đâu chỉ vài lần dâng nước, vài năm dâng nước mà năm nào cũng dâng nước đánh ghen, triền miên hàng ngàn năm nay, đến giờ vẫn chưa dứt, gây ra ngập lụt thường xuyên cho đường phố Hà Nội. Xác định nguyên nhân Hà Nội ngập lụt như vậy có đúng không? Lại thần tỉnh ở chỗ không vu vạ cho đế quốc phong kiến, lại không đụng đến quan trí, không chạm đến dân trí, mọi người dễ tâm phục khẩu phục, cùng vui vẻ cả để tiếp tục chịu đựng ngập lụt. Hihi...

Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt - 2