Chuyên gia nói gì trước phiên đấu giá đôi choé 6 tỷ 50 triệu đồng?

(Dân trí) - Ở Việt Nam từng có rất nhiều phiên đấu giá thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, phiên đấu giá nghệ thuật diễn ra vào 29/5 vừa qua tại Hà Nội là phiên đấu giá nghệ thuật lần đầu tiên có. Phiên đấu giá này được xem là mở ra hy vọng mới cho việc kinh doanh những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao.

Điển hình, phiên đấu giá đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nhân, trong đó nổi bật là 12 cá nhân, tổ chức... và có cả sự tham gia của các đại diện đến từ Pháp, Trung Quốc.

5 tác phẩm được mang ra đấu giá đã được trả với mức giá khá cao. Cụ thể, bức tranh “Hạnh phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ được trả với giá 65 triệu (giá khởi điểm 50 triệu); “Tiên nữ vùng cao” của họa sỹ Quách Đông Phương 95 triệu (giá khởi điểm 50 triệu); Chiếc tủ thờ niên đại cuối thế kỷ 19 của họa sỹ Lê Thiết Cương được mua với giá 143 triệu (giá khởi điểm 60 triệu); bức tranh “Bên dòng sông đỏ” của họa sĩ Đào Hải Phong được trả giá cao nhất là 150 triệu (giá khởi điểm 120 triệu). Đặc biệt, cặp chóe “Tứ linh” bằng gốm Bát Tràng sau khi trải qua 29 lần đấu với mức giá khởi điểm là 900 triệu đã được trả tới 6 tỷ 50 triệu đồng.

Một góc không gian của phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật diễn ra vào 29/5. Ảnh: HM.
Một góc không gian của phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật diễn ra vào 29/5. Ảnh: HM.

Dù đây là phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên diễn ra nhưng không khí các “tiết mục” đấu giá diễn ra khá căng thẳng và bình đẳng. Bằng việc sắp xếp các sản phẩm đấu giá từ thấp đến cao, phiên đấu giá đã thực sự nóng đã được lên từng phút.

Đặc biệt, trong phiên đấu giá bức “Tiên nữ vùng cao” đã được một người Pháp tham gia vào lúc căng thẳng nhất. Ông này lý giải, ông muốn giữ bức tranh ở lại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ, khi được đấu giá sẽ làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, nó cũng góp phần định lượng công khai giá trị các tác phẩm nghệ thuật. Nhà nước thu được ngân sách qua các giao dịch việc mua bán và giảm dòng tiền chảy ra nước ngoài. Cuối cùng là giúp kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sỹ, từ đó tạo thêm cơ hội cho nghệ sỹ Việt vươn ra các sàn đấu giá quốc tế... Ở góc độ thương mại thì đây đang là tín hiệu đáng mừng nhưng ở khía cạnh những người nghệ sĩ dường như vẫn còn có nhiều tâm tư.

Tuy nhiên, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lại cho rằng, đấu giá không hẳn là thước đó để đánh giá chất lượng nghệ thuật của tác phẩm mà hoạt động đấu giá chịu sự điều tiết của thị trường, hoạt động kinh doanh. Nhiều khi tác phẩm được đánh giá chất lượng nghệ thuật cao song đưa lên sàn đấu giá thì không chắc đã bán được giá cao, và ngược lại.

Theo ông Thành, phiên đấu giá mỹ thuật được gọi là lần đầu tiên tại Việt Nam về cơ bản đã tổ chức tương đối tốt, nhất là nhìn nhận ở góc độ cả 5 tác phẩm đưa lên sàn đều có người mua. Chứng tỏ công tác tổ chức khách hàng có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận toàn diện thì cũng có nhiều vấn đề cần điều chỉnh, nâng cao chuyên nghiệp. Ví dụ ngay cả chương trình mở đầu (ca nhạc, thơ) cần hấp dẫn, chọn lọc cũng như phù hợp với tính chất hoạt động này hơn. Đấu giá nghệ thuật phải có tính văn hóa, sang trọng chứ không thể xô bồ như các sản phẩm khác.

Rất nhiều doanh nhân yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đã có mặt rất sớm tại phiên đấu giá. Ảnh: HM.
Rất nhiều doanh nhân yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đã có mặt rất sớm tại phiên đấu giá. Ảnh: HM.

Ông Thành nhận định, phiên đấu giá này mới chỉ thành công khoảng 70% về góc độ chuyên môn và 90% dưới góc độ bán được tác phẩm. Theo ông Thành, cần có nhiều hơn sự tham gia của các nhà chuyên môn, có uy tín, am hiểu mỹ thuật và mức hưởng thụ mỹ thuật. Vẫn còn khá sớm để khẳng định sẽ có một thị trường đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp ở nước ta.

Theo họa sĩ Phạm Huy Thông thì đấu giá tranh ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc các Gallery mang tranh ra nước ngoài đấu giá nhưng cảm giác rất hồi hộp. Ngoài những họa sĩ có tên tuổi (đã qua đời) thì các họa sĩ đương đại của Việt Nam ra nước ngoài khi đấu giá thì giá tranh còn thấp hơn cả giá dự kiến.

Cũng theo anh Thông, nhiều người nói người giàu ở Việt Nam không mua tranh nghệ thuật nhưng thực tế việc đầu tư tranh nghệ thuật giá trị cao vẫn đang là một khoản đầu tư khá mạo hiểm. Ví dụ, người ta có thể mua một chiếc xe tiền tỷ, những lúc họ có vấn đề về kinh tế hoặc không muốn sử dụng có thể mang ra các salon để bán lại. Nhưng với tranh thì có thể mua với giá hàng trăm triệu hoặc tiền tỷ nhưng lúc muốn bán lại cũng rất khó để kiếm được người làm trung gian trong việc bán mua. Chưa kể những người này cũng không có thời gian để đi rao bán tranh của họ được. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong việc mua bán tranh ở Việt Nam. Mặc dù hiện nay cũng có một số Gallerry đang đảm nhận công việc bán lại hoặc ký gửi nhưng thực sự chưa tạo thành một hệ thống có quy chuẩn. Do vậy, bước đầu Việt Nam đang cần có những nhà đấu giá dù chưa có được tính chuyên nghiệp.

Hà Tùng Long