1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Chạy phiếu” nghệ sỹ nhân dân?

Danh sách xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đang trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, chuẩn bị cho đợt phong tặng tháng 9 tới. Dù chỉ mới ở giai đoạn cấp chuyên môn, đã có những luồng dư luận trong giới nghệ sỹ không đồng tình, thậm chí đề cập chuyện chạy phiếu.

“Chạy phiếu” nghệ sỹ nhân dân?

NSƯT Minh Hằng (thứ 2 từ trái sang) dù có nhiều cống hiến nhưng không qua được vòng bỏ phiếu chuyên môn cấp Bộ. (Ảnh: T. Toan)

Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ trao đổi với báo chí xung quanh chuyện xét tặng danh hiệu.

Thưa ông, danh sách xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua Hội đồng cấp Bộ để trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, nghĩa là có vẻ chắc chắn rồi?

Các hội đồng phân tích dựa trên Nghị định Chính phủ-khung cứng làm cơ sở để nghệ sỹ làm hồ sơ, để các hội đồng xem xét và đánh giá. Càng vào sâu, lựa chọn càng chặt chẽ hơn.

Lần này có cái khó là phải được 90% số phiếu của hội đồng (gồm 13 người), trước chỉ 75%. Tuy thế, các lần xét tặng trước không cho quy đổi huy chương đối với một số thành phần sáng tạo, nay nhạc công, họa sỹ thiết kế âm thanh ánh sáng, phục trang đỡ thiệt thòi hơn.

Ông thấy sao khi mỗi đợt xét tặng danh hiệu lại có những tranh cãi rằng người này người kia không xứng đáng, người xứng đáng thì bị loại?

Không có ý kiến tranh cãi mới lạ, và ý kiến tranh cãi bao giờ cũng có tính chủ quan. Nhưng chúng ta có quy định làm khung cứng. Tất nhiên xét danh hiệu không chỉ có huy chương vàng, bạc mà còn cả đóng góp chung, được khán giả và bạn nghề công nhận. Nếu thấy nghệ sỹ nào đó đủ huy chương, nhưng về mặt cống hiến chưa nhiều thì thành viên hội đồng có thể không đồng ý.

“Tôi ngồi hội đồng này từ lần thứ hai, hội đồng nào cũng khó khăn, căng thẳng. Đúng là tùy loại hình, ví dụ múa rối có ai biết mặt các NSƯT, NSND đâu, trong khi nhiều diễn viên xuất hiện trên ti vi, họ nổi tiếng khán giả biết đến là đúng rồi. Nhưng tính về cống hiến phải dựa trên cơ sở bốn tiêu chí, hội đồng bỏ phiếu”.
NSND Lê Tiến Thọ

Trong các cuộc họp tôi nói nếu chỉ tính huy chương thì chúng ta chỉ làm một cách cơ hữu, không cần hội đồng xét làm gì. Có nhiều nghệ sỹ trong quá trình cống hiến tạo ra được cái danh, ví dụ nghệ sỹ chèo Kim Liên (Nam Định) được Bác Hồ đặt tên, hoạt động suốt đến nay nhưng không tham gia hội diễn thì làm gì có huy chương. Hay nghệ sỹ chèo Diễm Lộc, Thanh Trầm, học trò của họ đã lên NSND, nhưng các bà ấy vẫn lẹt đẹt NSƯT. Nếu chỉ vì quy định thì thiệt thòi. Tôi nghĩ hội đồng có quyết định cao nhất. Nếu hội đồng đồng ý, nghiễm nhiên họ được Nhà nước công nhận.

Trong danh sách công khai mới đây, có những nghệ sỹ sân khấu kịch nói mà về tài năng và sự nổi tiếng chưa chắc bằng những nghệ sỹ khác đã dễ dàng vượt qua vòng cấp Bộ, trong khi có người hội đủ tài năng, được khán giả yêu mến nhưng lại trượt?

Thì những người đạt kia lại có cơ hữu là đầy đủ huy chương vàng, bạc theo Nghị định của Chính phủ, được các hội đồng xem xét và bỏ phiếu.

Ông vừa nói chỉ xét theo huy chương là chưa đủ. Chẳng lẽ cứ đủ huy chương là được xét mà không tính đến yếu tố khác và không lường phản ứng của dư luận?

Phải tính cả bốn tiêu chí: Trung thành với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, được bạn nghề tôn trọng, phải có đủ huy chương, phải được khán giả mến mộ.

Yếu tố khán giả mến mộ, cụ thể thế nào, thưa ông?

Tiêu chí ở đây không phải là phát phiếu cho khán giả bình chọn. Mà thể hiện qua việc họ được nhà hát giao các vai chính, cọ xát khán giả. Nếu khán giả không yêu mến họ, thì nhà hát không phân vai.

Có những nghệ sỹ xuất hiện nhiều trên truyền hình thì khán giả biết tên. Ví dụ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, hầu như không ai nhắc Hán Văn Tình ở khía cạnh nghệ thuật Tuồng, nhưng ông rất nổi tiếng với vai Chu Văn Quềnh trong Đất và người, khi ốm đau được người hâm mộ đến động viên. Đấy cũng là yếu tố góp phần tạo danh hiệu của nghệ sỹ. Bảo anh ấy không tài thì không đúng, nhưng nếu nói đến phong danh hiệu thì khác.

So sánh giữa hai nghệ sỹ Chí Trung, Minh Hằng (Nhà hát Tuổi trẻ) với Tuấn Hải, Lệ Ngọc (Nhà hát Kịch Việt Nam), ông đánh giá thế nào về tài năng và sự nổi tiếng của họ, vì cả Chí Trung và Minh Hằng đều trượt NSND đợt này, thua hẳn hai nghệ sĩ kia?

Tôi có mặt trong hội đồng, ủng hộ những đánh giá chất lượng nghệ sỹ như thế. Thế nhưng Chí Trung không kê khai huy chương. Theo quy định lẽ ra hội đồng cơ sở đã phải gạt rồi. Khi trái nghị định, hội đồng có người đồng ý người không, nên anh ấy không đạt đủ số phiếu 90%. Tất cả dựa trên cơ sở của hội đồng thôi.

Ông nghĩ sao khi có những luồng thông tin cho rằng có những lãnh đạo hội trực tiếp vận động phiếu cho nghệ sỹ không xứng đáng?

Lãnh đạo hội à, nghĩa là trong đó có tôi đấy. Tôi không bao giờ đi vận động cho ai cả, các hội khác thì tôi không biết. Phải nói luôn là trong hội đồng tôi đứng ra bảo vệ ông Chí Trung, mặc dù không khai huy chương trong hồ sơ nhưng tôi thấy ông ấy xứng đáng. Tôi biết ông ấy có huy chương vàng liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ năm 2013. Vừa rồi ông ấy dàn dựng Ai là thủ phạm tôi rất thích. Nếu nói đứng ra vận động phiếu, thì tôi đứng ra ngay giữa hội đồng vận động nhưng không được. Các cá nhân khác, tôi không đi vận động đằng sau làm gì. Còn họ nói thế nào là việc của họ.

Cảm ơn ông.

Theo Toan Toan
Tiền Phong