Chân dung người hoạ sỹ một đời thổi “hồn” Việt vào tranh khắc gỗ

(Dân trí) - Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của hoạ sỹ Trần Nguyên Đán dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, ông đã thử nghiệm đồ họa trên các chất liệu và đề tài. Đặc biệt, trong thời gian từ lúc nghỉ hưu đến nay, ông luôn dành thời gian và trí tuệ để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc có giá trị.

Nửa đời “sống” với tranh khắc gỗ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa thì trong khi đa số các thể loại hội họa và đồ họa nước ta có xuất xứ phương Tây và mới chỉ được định hình từ đầu thế kỷ XX thì tranh khắc gỗ có truyền thống lâu đời với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ, Hàng Trống… từ ba bốn trăm năm nay. Thậm chí, có thể còn xa xưa hơn nếu kể đến tranh minh họa mộc bản Phật giáo và tranh bùa chú Đạo giáo.

Tác phẩm tranh khắc gỗ Nghệ nhân nặn tò he ở Chùa Cầu - Hội An của họa sỹ Trần Nguyên Đán.
Tác phẩm tranh khắc gỗ "Nghệ nhân nặn tò he ở Chùa Cầu - Hội An" của họa sỹ Trần Nguyên Đán.

Trong số các họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ của Việt Nam như: Đỗ Đức, Mai Khanh, Nguyễn Nghĩa Duyện, Trần Tuyết Mai..., họa sĩ Trần Nguyên Đán nổi tiếng bởi sự bền bỉ với nghề và có nhiều sáng tạo riêng, được đồng nghiệp ghi nhận. “Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Tranh ông đáng chú ý ở chỗ, bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc”, ông Hòa nhận xét.

Quả vậy, xem tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán, thấy các giá trị của văn hóa Việt Nam được “ghi chép” với các đường nét, màu sắc thấm đẫm hồn vía dân tộc. Nhìn là có thể nhận ra ngay một Hội An xưa cũ, với người bán tò he, với dãy phố cổ thâm trầm. Nhìn là thấy ngay một Hà Nội bàng bạc sương khói của một thời đã xa, ở đó dung dị những con người, dung dị những góc phố, những cây cầu…Nhìn là thấy ngay một miền quan họ, với nón quai thao, với thuyền quan họ hay những nét văn hóa ruộng đồng của người Việt ngàn đời: đi cấy, múa rồi nước… Những nét văn hóa thân yêu, máu thịt của người Việt hiện ra trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán có thể đánh thức những ký ức ẩn giấu trong nhiều tâm hồn Việt.

“Họa sĩ Trần Nguyên Đán là một gương mặt đặc biệt trong làng Mỹ thuật Việt Nam bởi ông chuyên tâm gần như triệt để vào một chất liệu duy nhất: tranh khắc gỗ. Cả một đời nghệ thuật, kể từ bước đầu khắc gỗ năm 1966, thuở còn sinh viên đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, mặc ai “thử sức” hay “mở rộng” ra các chất liệu khác, ông chỉ chuyên chú đến mức đắm say vào tranh khắc gỗ mà thôi. Tất nhiên, vì từng theo học mỹ thuật nghiêm chỉnh nên ông cũng đã từng vẽ lụa, tranh cổ động, bột màu, màu nước… nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi một thời… Với rất nhiều giải thưởng đã giành được, Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.

Hoạ sỹ Trần Nguyên Đán cả một đời sống chết với tranh khắc gỗ.
Hoạ sỹ Trần Nguyên Đán cả một đời "sống chết" với tranh khắc gỗ.

Đó là lý do mà vào hai ngày 21 đến 27/3 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”. Triển lãm sẽ trưng bày hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản, của họa sĩ Trần Nguyên Đán nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Đây là những bản khắc và tranh được họa sĩ Trần Nguyên Đán sáng tác từ những năm 1970 đến 2015.

Nối truyền thống với hiện đại

Những dấu ấn thành công của ông bắt đầu từ năm 1970 với tác phẩm nổi tiếng là "Chăm học chăm làm", "Con trâu là đầu cơ nghiệp"… Sau gần 50 năm sáng tác và gìn giữ tranh cũng như các mộc bản tại nhà riêng, đến nay, một phần sự nghiệp sáng tác tranh khắc của họa sĩ Trần Nguyên Đán đã nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Điều thú vị, tất cả các bức tranh nằm trong bộ sưu tập này đều được họa sĩ Trần Nguyên Đán giữ gìn cẩn thận, trải qua nhiều năm tháng cùng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như cuộc sống riêng của người nghệ sĩ, trong đó có cả bản khắc đi kèm.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, bà cảm thấy tự hào khi đã sưu tập được hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán. “Đây là họa sĩ có nhiều tác phẩm như cây cầu nối truyền thống với hiện đại”, bà Thu Hòa nói. “Đây là họa sĩ đầu tiên tôi sưu tập được tác phẩm một cách hệ thống, từ những tác phẩm đầu tay khi họa sĩ còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới những sáng tác gần đây của ông”.

Tác phẩm Mèo chuột thỏa thuận được in từ mộc bản khắc gỗ của tác giả Trần Nguyên Đán.
Tác phẩm "Mèo chuột thỏa thuận" được in từ mộc bản khắc gỗ của tác giả Trần Nguyên Đán.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn sẽ có thêm nhiều những người sưu tập đi theo từng họa sĩ và hình thành những bộ sưu tập trọn đời. Bởi ở Việt Nam, nhiều họa sĩ hiện nay không muốn hoặc không có điều kiện để giữ lại những tác phẩm làm nên dấu ấn, thương hiệu, và phong cách của mình. Do vậy, rất cần thêm các nhà sưu tập để gìn giữ những di sản hội họa, qua đó có thể giới thiệu tới công chúng những gương mặt ấn tượng với những tác phẩm giàu giá trị, giàu tính nhân văn.

Muốn mang tranh khắc gỗ đi khắp thế giới

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh ngày 29/10/1941, ở thành phố Bắc Ninh. Ông học khoa Hoành tráng thuộc trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mĩ thuật Công nghiệp) từ 1966. Ông là hội viên ngành đồ họa Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1974. Sau khi ra trường ông công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (1971 - 1980); cán bộ Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam rồi làm Phó giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật (1981- 2003); Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành đồ họa khóa III (1989 - 1994); Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Mĩ thuật Hà Nội (1984 - 1994).

Tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán đã được tặng Giải Nhất Triển lãm 10 năm Nghệ thuật Đồ họa Toàn quốc năm 1985; Giải Ba Giải thưởng Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 1994; Giải B Triển lãm Mĩ thuật Khu vực I (Hà Nội) năm 2000; Giải A Triển lãm Mĩ thuật Thủ đô năm 1985; Bằng khen danh dự Triển lãm Đồ họa Quốc tế tại Tiệp Khắc năm 1985.

Đặc biệt, năm 2007, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II cho 5 tác phẩm tranh khắc: “Nghệ nhân Hàng Trống”, “Chăm học chăm làm”, “Trở lại Tam Bạc”, “Hội đền Hùng” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”.

Tác phẩm Con trâu là đầu cơ nghiệp.
Tác phẩm "Con trâu là đầu cơ nghiệp".

Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, ông đã thử nghiệm đồ họa trên các chất liệu và đề tài. Đặc biệt, trong thời gian từ lúc nghỉ hưu đến nay, ông luôn dành thời gian và trí tuệ để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc có giá trị.

Sự nghiệp của họa sĩ Trần Nguyên Đán khá đồ sộ, tranh ông hiện có mặt trong nhiều bảo tàng nổi tiếng của Việt Nam, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Đà Nẵng…

Trước khi nghỉ hưu họa sĩ Trần Nguyên Đán cũng đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế, TP.HCM,… Kể từ khi nghỉ hưu tới nay, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng và giới mỹ thuật qua triển lãm “Nét khắc từ truyền thống tới hiện đại”.

Hoạ sỹ Trần Nguyên Đán ước nguyện được đem tranh khắc gỗ Việt Nam đi khắp thế giới.
Hoạ sỹ Trần Nguyên Đán ước nguyện được đem tranh khắc gỗ Việt Nam đi khắp thế giới.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, lúc đầu khi được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đề nghị làm triển lãm, ông cũng ngại, không muốn xuất hiện. Tuy vậy, vì sự nhiệt tình của nhà sưu tập, họa sĩ đã đồng ý và sẽ xuất hiện tại sự kiện sắp tới, cũng là dịp đánh dấu sự nghiệp hội họa ở tuổi 75 của mình.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán vẽ nhiều, nhưng ông không có ý định giữ tác phẩm làm tài sản riêng để sau này làm Bảo tàng cá nhân. Ông mong muốn trao gửi nó vào tay nhà sưu tập, bảo tàng nghệ thuật trong và ngoài nước để tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật đồ họa tranh khắc gỗ Việt Nam.

Hà Tùng Long