“Cây đại thụ” cuối cùng của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại qua đời

(Dân trí) - Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, “cây đại thụ” cuối cùng của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, người cuối cùng trong bộ tứ "Phái- Sáng- Liên- Nghiêm" đã ra đi vào hồi 10h27 phút, ngày 15/6 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

Theo Họa sĩ Trần Khánh Chương, danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm thuộc thế hệ đầu tiên của nền Mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời theo đuổi nghiệp mỹ thuật, ông đã dành hết tâm huyết, sức lực và sự nghiêm túc cho việc sáng tác, giảng dạy...

“Những lúc bình sinh, gần như ngày nào ông cũng vẽ, tác phẩm nào của ông cũng thấm đậm tình cảm và tài nghệ của một họa sĩ lớn. Với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu, chì than... chất liệu nào ông vẽ cũng thành công. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người biết tới và được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng TP. Hải phòng, Bảo tàng Phương Đông Moscow, Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Bộ Văn hoá - Thông tin, Công ty Tàu biển Việt Nam tại Hải Phòng….”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết.


Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời là một mất mát lớn đối với nền hội họa Việt Nam. (Ảnh: CAND)

Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời là một mất mát lớn đối với nền hội họa Việt Nam. (Ảnh: CAND)

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 tại Nam Đàn, Nghệ An; thường trú tại số 8 phố Phan Bội Châu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ nhỏ ông đã ham học và rất thích vẽ. Khi học xong bậc tiểu học ở Vinh, ông đã theo người anh trai ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ, người tốt nghiệp khoá I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930) để học vẽ, ông đã học vẽ say sưa và rất có năng khiếu. Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 15 (1941 - 1946), học cùng với ông có các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình… Năm 1944, khi còn là sinh viên ông đã có tác phẩm dự triển lãm và giành được giải Nhất Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) với toàn bộ tác phẩm: Cổng làng Mái, Cảnh đồng quê, Người gác Văn Miếu (chất liệu Sơn dầu và Khắc gỗ).

Tháng 6 năm 1945, Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm rời trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trở về quê tham gia Việt Minh, cướp chính quyền tại quê nhà và làm Uỷ viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho đến cuối năm 1946. Sau đó, ông công tác tại Sở Thông tin khu III. Năm 1947, Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lên chiến khu Việt Bắc, công tác tại Đoàn Văn hoá kháng chiến, làm họa sĩ Báo Toàn dân kháng chiến, Báo Sông Lô, vẽ nhiều tranh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chính phủ Cụ Hồ. Tại Triển lãm Hội hoạ năm 1948, chào mừng Đại hội Văn nghệ Việt Nam tại Đào Giã - Phú Thọ, tác phẩm khắc gỗ màu Dân quân Phù Lưu đã được tặng giải Nhất.

Ông đã cùng với một số họa sĩ thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, đặc biệt ông là họa sĩ đầu tiên đưa được màu xanh lục vào tranh sơn mài tạo nên một thay đổi quan trọng cho sự phát triển Sơn mài truyền thống Việt Nam...

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã tập trung nhiều thời gian làm tác phẩm bằng chất liệu sơn mài với những thử nghiệm và tìm tòi nhiều cách thể hiện về màu sắc và những khả năng của chất liệu. Sơn mài của ông đã thành công với một ngôn ngữ riêng từ khả năng diễn tả hiện thực, tiếp thu tinh hoa vốn Mỹ thuật cổ, đến những khả năng thể hiện theo phong cách hiện đại. Các tác phẩm đó đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955 với tác phẩm: Một điệu múa - sơn mài. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 với 6 tác phẩm chất liệu sơn mài, bột màu trong đó có tác phẩm bột màu Tát nước chống hạn - 66x50cm (1956) và các tác phẩm sơn mài: Bờ Hồ - 150x70cm; Con nghé 65x45cm (1957); Hai em bé, gà, nghé và lợn - 40x50cm; Đọc truyện trên sàn nhà - 69x50cm; Một cảnh tát nước - 120x70cm (1958). Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960 với 3 tác phẩm, trong đó có 2 tác phẩm sơn mài: Nông dân đấu tranh chống thuế - 100x150cm và Một xóm người Ao Tả - 58x87cm (1960) và bức tranh sơn dầu Một điệu múa cổ - 63x84 (1959)... Ông đã đem lại nhiều giải thưởng quốc tế cho Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1985, tác phẩm sơn mài Điệu múa cổ 1 của ông được tặng Giải thưởng chính thức tại Triển lãm tuần kì 3 năm nghệ thuật hiện thực tại Sophia, Bungary. Đây là tác phẩm hội hoạ đầu tiên của Việt Nam được tặng giải thưởng quốc tế từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Tiếp đó, năm 1987, tác phẩm sơn mài Điệu múa cổ 2 của ông đã được tặng giải thưởng chính thức Triển lãm quốc tế Hội hoạ và Đồ hoạ do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cùng với nhiều giải thưởng quốc tế và giải thưởng trong nước thì Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I) cho các tác phẩm: Con nghé quả thực - sơn mài (1957), Đêm giao thừa - sơn mài (1958), Nông dân đấu tranh chống thuế - sơn mài (1958), Điệu múa cổ - sơn mài (1983), Thánh Gióng - sơn mài (1990)...của ông là minh chứng cho tài năng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.


Một bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. (Theo Công An Nhân Dân)

Một bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. (Theo Công An Nhân Dân)

Tang lễ của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 11h15 phút ngày 17/6. Lễ truy điệu hồi 12h45 phút cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, an táng tại khu A Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội).

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ làm Trưởng ban lễ tang. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam làm Phó ban tổ chức lễ tang.

Hà Tùng Long