"Câu" người thi hát

Giống như thi người đẹp, các cuộc thi ca hát cũng phải lao vào cuộc đua giành giật thí sinh. "Câu" được nhiều tài năng, đó là nhiệm vụ sống còn.

Xem thêm thông tin Giải trí của báo Dân trí tại đây
 
Riêng nửa cuối năm nay, sau Sao Mai - điểm hẹn, Ngôi nhà âm nhạc, Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol, The Voice - Giọng hát Việt sẽ là cuộc thi đình đám X-Factor lần đầu tiên được tổ chức. Thế nên, sau nỗi lo khan hiếm giám khảo là nỗi thấp thỏm cạn kiệt tài năng.

Truy tìm và hứa hẹn

The Voice cho hay đã thu hút 5.000 bạn trẻ đến thử giọng tại ba khu vực Hà Nội, TP.HCM và Ðà Nẵng. Bên cạnh đó còn có 6.000 bài dự thi trực tuyến gửi về. Còn với Vietnam Idol, mới qua cuộc kiếm tìm ở khu vực phía Bắc, số thí sinh đăng ký tham gia vòngthử giọng đến nay được công bố đã là gần 19.000. Khó biết được những con số đó "thật - ảo" thế nào, nhưng số lượng thí sinh chỉ có ý nghĩa về mặt quảng bá độ "nóng", còn chính chất lượng thí sinh đi đến vòng thi cuối cùng thế nào mới quyết định sự thành công cho mỗi cuộc thi. Thế nên, format (định dạng) của Idol, The Voice hay cả Got Talent đã "ràng buộc" một việc quan trọng bậc nhất: chiêu hiền đãi sĩ.

Ví dụ như The Voice, để chốt được số lượng khoảng 120 thí sinh vào vòng giấu mặt, đủ cho việc "diễn" theo đúng định dạng chuẩn, ban tổ chức đã phải cất công tìm kiếm khắp nơi. Chẳng có chuyện cứ về hàng chục tỉnh thành treo giải thưởng 600 triệu đồng cùng hợp đồng thu âm, khơi gợi sự hấp dẫn bằng "bộ tứ quyền lực" huấn luyện viên sáng chói... là có thể cứ yên tâm ngồi đó mà đón tài năng như vợt tôm vợt cá. Ban tổ chức phải thu thập hồ sơ, truy tìm những ứng viên tài năng từ nhiều nguồn, luôn nhấn mạnh việc chỉ chú trọng yếu tố "nghe", "giọng hát" để thí sinh tự tin gửi bản thu âm và cả "hứa hẹn" những ưu đãi riêng cho các ứng viên tiềm năng.

Ban tổ chức của The Voice, Vietnam Idol không bỏ qua việc khoanh vùng những giọng ca nghiệp dư từ nguồn lưu trữ phong phú các bản ghi âm, ghi hình giọng hát, phần trình diễn trên các website chia sẻ âm nhạc như YouTube, Nhaccuatui.com, Mp3.zing.vn, Nhac.vui.vn, Sannhac.com, Khoctham.us... Cách này hiệu quả mà ít tốn kém vì có thể bao quát được khắp nơi, khi ngày nay việc tự thu âm giọng hát của bản thân và đẩy lên Internet đã trở thành thú vui của nhiều người. Hương Tràm - giọng hát 17 tuổi gây chú ý nhất trong tập đầu của The Voice, lần đầu tiên có dịp từ Nghệ An vào TP.HCM là nhờ bản thu ca khúc Anh Hương ngọc lan với sự thể hiện không kém cạnh các đàn chị.

Ðể tăng thêm tính hấp dẫn, kịch tính, những thí sinh thiếu may mắn về ngoại hình như khuyết tật, khiếm thị... có giọng hát hay, truyền cảm cũng được các cuộc thi ưu ái, chiêu mộ. Việc chăm chút cho những thí sinh đặc biệt này đã giúp Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên có được cô gái xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh. Sự xuất hiện với giọng hát giàu cảm xúc của thí sinh khuyết tật Phạm Phương Dung và thí sinh khiếm thị Hà Văn Ðông cũng đã giúp đêm thi thứ hai của The Voice thêm sắc màu.
 
Câu người thi hát

Với việc chủ động săn tìm thì Sao Mai - điểm hẹn tỏ ra yếu thế. Có nhiều lý do như kinh phí eo hẹp hơn, cơ chế ban phát thời bao cấp còn rơi rớt, sự thay đổi tùy hứng... Tuy nhiên, sân chơi đã ở mùa thứ năm này đã có ba thí sinh được đặc cách từ cuộc thi "anh em" Sao Mai diễn ra trước. Với ưu thế này, chất lượng thí sinh của Sao Mai - điểm hẹn qua nhiều mùa thi tương đối đồng đều. Nhưng "gót chân Achilles" của cuộc thi cũng là ở đây. Vì nguồn thí sinh hẹp hơn các cuộc thi khác, cách tổ chức thiếu năng động mà cuộc thi này không thu hút được lượng thí sinh phong phú từ khu vực phía Nam. Vài mùa trước thí sinh phía Nam lép vế, đến vòng chung kết lần này duy nhất có Thanh Tâm đến từ phía Nam, còn lại thí sinh chỉ "cục bộ" từ Huế ra Bắc.

Chiêu trò không bằng giọng hát

Dù với định dạng nào, tìm kiếm chiêu trò hay cố tình gây xìcăngđan thì một cuộc thi ca hát, hay nói rộng hơn với bất cứ cuộc thi nào khác, cũng phải quay về trục chất lượng thí sinh, tức yếu tố con người. Vietnam Idol 2010 không thể thành công hay được đánh giá cao nếu chỉ có cuộc rút lui tự nguyện của Ðăng Khoa, cuộc tranh cãi của ca sĩ Siu Black hay những phát biểu sướng tai của nhạc sĩ Quốc Trung... Chính chiều sâu, thẩm mỹ âm nhạc, sự chín chắn trong giọng hát của Uyên Linh; sự trẻ trung, bản lĩnh của Văn Mai Hương và các thí sinh mang màu sắc, cá tính đa dạng đã khiến cuộc thi bớt lạc lõng với danh xưng "thần tượng".

Tương tự, mấy năm nay cuộc thi Sao Mai - điểm hẹn được nhắc tới kèm theo sự trân trọng không phải vì sự đình đám, nổi trội của các thí sinh hiện thời, mà là về một "thế hệ vàng" với những tên tuổi như Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Ngọc Khuê, Ngọc Anh, Phương Linh, Hoàng Hải... đã bước ra từ đây. Ðến nỗi một nhân tố "lạ hóa" như Thanh Tâm ở cuộc thi đang diễn ra, dù bị so sánh là "bản sao của Tùng Dương" vẫn được coi là... cứu nguy cho một mùa Sao Mai "nhạt".

Tại The Voice, sự xuất hiện của Ðinh Hương (Quảng Trị), Hương Tràm (Nghệ An), Xuân Nghi (Trà Vinh)... còn khiến sự "bấn loạn" truyền từ bộ tứ huấn luyện viên sang khán giả. Ở đây, với khán giả Việt, yếu tố "lạ" từ cuộc thi mới khai sinh ở Hà Lan năm 2011 đã qua đi. Thách thức đối với cuộc thi lúc này chính là việc phải trình làng thêm những nhân tố mới, để thu hút khán giả bằng giọng hát, cách ứng xử thay vì bằng chiêu trò, hình thức màu mè.

Nếu "nhân tài như lá mùa thu" thì tài năng ca hát cũng không phải là nồi cơm Thạch Sanh để các cuộc thi ngồi một chỗ vét mãi không hết. Muốn có nhiều phải "đốt đuốc" đi tìm, tạo "điểm hẹn" cho các giọng ca Việt tỏa sáng.
 
 
Theo Tuổi trẻ