Cánh chim hồng đã bay về phương trời xa thẳm

(Dân trí) - “Thế là một cánh chim hồng của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đã bay về phương trời xa thẳm, chỉ còn tiếng đờn kìm, đờn nhị và những điệu thức dân ca tài tử ngân mãi trong trái tim mọi người”.

Đến viếng tang Giáo sư Trần Văn Khê, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, không nén được nỗi tiếc thương vô hạn đối với một tài năng lớn của âm nhạc dân tộc.

Bà trịnh trọng ghi trong sổ tang: “Khi còn sống, ông đã từng trải lòng mình: “Trong mọi việc làm thì không vì danh hay vì lợi mà chỉ vì tình, tình đối với người thân, với dân tộc, đất nước và rộng hơn nữa là với nhân loại”. Bằng cái chữ “Tình” ấy, ông đã dành cả cuộc đời cho việc bảo tồn, phát triển, phát huy âm nhạc dân tộc của nhân dân ta, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với nhiều quốc gia, dân tộc khác, góp phần vinh danh nhiều loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế”.

 Thiên nhạc vinh quy
– tiếng nhạc trời đã về với cõi trời
 Thiên nhạc vinh quy – tiếng nhạc trời đã về với cõi trời

Không chỉ đến viếng tang nhiều lần, trong ngày di quan (29/6), bà Thư cũng đến từ sớm để tiễn biệt giáo sư Trần Văn Khê lần cuối. Là một người làm công tác tuyên truyền, bà cảm nhận sâu sắc những đóng góp to lớn của GS Trần Văn Khê: “Tấm lòng, tâm huyết cả đời của ông với âm nhạc dân tộc không chỉ góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về âm nhạc dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn chính mình trong tự tình dân tộc”.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cũng khâm phục sự đóng góp to lớn của giáo sư: “Ông đã dành cả cuộc đời cho việc bảo tồn, phát triển, phát huy âm nhạc nghệ thuật dân tộc, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với nhiều quốc gia, dân tộc khác. Tấm lòng, tâm huyết cả đời của ông với âm nhạc dân tộc đã góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về âm nhạc dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam. Ông đã mất đi nhưng di sản ông để lại thật quý giá!”.

6h30’ ngày 29/6, đoàn xe tang chở theo linh cữu và gia quyến, thân hữu của GS Trần Văn Khê đã rời TPHCM. Đến 8h3’, đoàn xe tang đã đến nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hòa (Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Sau phần lễ theo nghi thức phật giáo, đúng 9h20’, băng chuyền hạ xuống, linh cữu được đặt lên và từ từ được đưa vào hỏa đài để tiến hành hỏa táng.

 9h20’, linh cữu của
giáo sư được đưa vào hỏa đài tại nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hòa
 9h20’, linh cữu của giáo sư được đưa vào hỏa đài tại nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hòa

Sư cô Tuệ Mỹ tự sự: “Ông vua âm nhạc đã băng hà, xương thịt của quê hương đã về lòng đất mẹ, nhưng thầy vẫn còn mãi trong lòng mọi người. Luôn cầu nguyện thầy về nơi thầy chọn – “thiên nhạc vinh quy”.

Tang lễ đã kết thúc, nhưng nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, Trưởng ban Nhạc lễ đám tang của giáo sư vẫn chưa thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Từ năm 1962, khi tốt nghiệp Nhạc viện thì bà đã đã liên lạc với giáo sư Khê, gắn bó với giáo sư từ những hoạt động ở CLB Tiếng hát quê hương. Đối với bà, giáo sư Trần Văn Khê như là một người thầy, người đỡ đầu của bà trong sự nghiệp âm nhạc. Lễ tang kết thúc, bà vẫn còn thổn thức khi nghe hỏi về thầy: “Lúc này cô không nói được gì, vì sự mất mát là quá lớn!”.

Nước mắt người lớn tuổi
Nước mắt người lớn tuổi

... và lớp trẻ
... và lớp trẻ

Ai cũng tiếc thương
một tài năng lớn, một tấm lòng nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc của giáo sư
Ai cũng tiếc thương một tài năng lớn, một tấm lòng nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc của giáo sư

Lễ tang của giáo sư Trần Văn Khê được tổ chức đàng hoàng, chỉn chu có sự đóng góp rất lớn của nhóm bạn trẻ phụ tang, tiếp tân và làm đội nghi thức trang trọng trong bộ áo dài truyền thống của dân tộc. Nhóm bạn trẻ này là những diễn viên trẻ, học trò của nghệ sĩ Hữu Châu và Kim Cương. Một bạn trẻ trong nhóm chia sẻ: “Cảm giác của tụi em lúc này là rất tiếc nuối. Bác Khê là người rất có tâm với nghệ thuật. Tụi em tham gia hỗ trợ lễ tang chỉ mong có thể đóng góp phần nhỏ công sức cho lễ tang của bác được hoàn tất tốt đẹp, tri ân người đi trước và duy trì ngọn lửa nghề nuôi dưỡng nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

NSƯT Thanh Thúy thì tự tin hứa trước linh cữu giáo sư: “Bác hãy yên lòng, thế hệ nghệ sĩ trẻ chúng con nguyện tiếp nối tâm nguyện của bác, sẽ nỗ lực để bảo tồn nghệ thuật dân tộc của nước nhà”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà ngoại giao giỏi của đất nước cũng ngưỡng vọng giáo sư như 1 hình tượng ngoại giao xuất sắc: “Thầy có thể tự hào đã để lại cho đất nước và các thế hệ người Việt trong và ngoài nước một di sản văn hóa và tinh thần hết sức đặc sắc và quý báu. Thầy đã đưa nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới bằng sự uyên bác và tài ba của mình, giành được sự kính trọng và mến mộ của bạn bè quốc tế”.

Nhóm PV Miền Nam