Càng về cuối, phim “Sống chung với mẹ chồng” càng thiếu tình người

(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy 10 tập nữa là phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” sẽ kết thúc. Càng về cuối, bộ phim càng khiến khán giả ngán ngẩm bởi những tình tiết thiếu tình người giữa mẹ chồng – nàng dâu.

Bi kịch thiếu tính điển hình

Càng về cuối, bi kịch trong phim “Sống chung với mẹ chồng” càng được đẩy lên cao trào với những xung đột mẹ chồng – nàng dâu hết sức gay gắt. Tuy nhiên, nếu ở những tập đầu, ít nhiều vẫn còn có người đứng ra bênh vực cho Vân – con dâu của bà Phương, vợ của Thanh thì càng lúc người ta thấy nhân vật này càng hỗn láo, ghê gớm và quá trớn.

Những tập phim gần đây cho thấy, Vân đã không còn là người con dâu đáng thương nữa. Không ít khán giả cho rằng, những mấu chốt của xung đột trong gia đình, phần lớn đều do Vân tạo nên chứ không hẳn là do mẹ chồng như trước.

Cảnh bà Phương ngăn con trai sau khi Thanh táng vợ một bạt tai ở tập 23.
Cảnh bà Phương ngăn con trai sau khi Thanh "táng" vợ một bạt tai ở tập 23.

Từ chỗ ngấm ngầm nói xấu mẹ chồng hoặc tìm cách gây hấn với chồng khi có mâu thuẫn với mẹ chồng, Vân đã chuyển sang đối đầu trực tiếp. Cô sẵn sàng bốp chát kiểu “hàng tôm hàng cá” với mẹ chồng bất cứ lúc nào, kể cả ngay trước mặt bố chồng và chồng.

Trong tập 23, Vân vô tình biết bố mẹ chồng lấy số tiền tiết kiệm của mình để mua một căn hộ nhằm kinh doanh mà không hề cho cô biết và không được đứng tên trong giấy tờ mua nhà. Cô “đùng đùng” đòi lại tiền từ bố mẹ chồng, khi không đòi được cô “vung” lời bảo cả gia đình chồng là “đồ lừa đảo” khiến Thanh (chồng Vân) không kiềm chế được đã “táng” vợ một bạt tai.

Nghe tin em trai bị tai nạn gãy chân, Vân chạy về nhà chồng lấy lại số tiền tiết kiệm để về quê lo cho em. Bị mẹ chồng nghi ngờ bịa chuyện để lấy lại tiền, cô tỏ thái độ ra mặt, “trợn mắt” mắng mẹ chồng không có lương tâm, không được xúc phạm mẹ cô và giằng co với mẹ chồng khiến bà ngã xuống nền nhà. Sự việc khiến Thanh tiếp tục vũ phu với vợ. Cái tát trời giáng của Thanh dành cho Vân đã đẩy mối quan hệ của họ lên mức căng thẳng tột độ.

Bản thân bà Phương, sau nhiều biến cố vẫn giữ nguyên tính cách của một bà mẹ chồng tai quái. Mặc dù đã được ông Phương nhiều lần khuyên lơn, phân tích… nhưng bà Phương vẫn “cố thủ” với tính cách khó lòng có thực ngoài đời của một bà mẹ chồng. Bà không chỉ khiến vợ chồng con trai ngột ngạt, xét nét mọi ngóc ngách cá nhân của con dâu, luôn tỏ ra nghi ngờ những thành viên trong gia đình bởi những điều vô lý… mà còn góp phần khiến con trai ngày càng vũ phu với vợ.

Theo nhiều khán giả, những tình huống mà phim đề cập đến không hẳn là xung đột điển hình của gia đình hiện đại. Những xung đột, mâu thuẫn, bi kịch… mang tính vụn vặt, bị “thậm xưng hoá”.

Mẹ chồng đã không còn tư cách mẹ chồng, con dâu biến chất kiểu con dâu… Cả 23 tập phim đã phát sóng, khán giả luôn cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi với diễn biến của phim. Diễn biến phim không làm người ta cảm thấy cảm thông với mẹ chồng - nàng dâu mà càng khiến người ta phẫn nộ, ức chế, bức xúc hơn.

Những nhân vật nam… thiếu sự thực tế

Trên một số diễn đàn, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi 3 nhân vật nam chính (thứ chính) trong phim gồm: ông Phương (NSƯT Trần Đức), Thanh (Anh Dũng và Tùng (Danh Tùng) bị xây dựng thiếu thực tế.

Những tập gần đây, ông Phương gây chú ý với việc ra mặt để hóa giải sự căng thẳng giữa vợ và con dâu. Trong tập 23, ông Phương tìm đến nhà trọ của Vân để khuyên nhủ con dâu về nhà, thừa nhận bản thân có phần nhu nhược, không để ý nhiều đến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Mâu thuẫn giữa bà Phương với Vân khiến ông nhớ lại chuyện cũ của mẹ ruột với bà Phương. Ông thú nhận, bà Phương xưa kia từng khóc lóc, ỉ ôi, tự hứa sẽ đối xử với con dâu như con đẻ nhưng rồi... Chính ông Phương dạy con dâu một “kế sinh tồn” ở nhà chồng là "một người nịnh, một người lừa" là đủ sống vui vẻ như họ hàng thân thích.

Ông Phương tìm đến nhà trọ khuyên lơn con dâu về nhà.
Ông Phương tìm đến nhà trọ khuyên lơn con dâu về nhà.

Lần thứ hai, ông Phương đã chỉ trích dữ dội thói soi mói, xét nét của vợ đối với con dâu và không bằng lòng với cách hành xử như người không có học của con trai. Ông Phương thậm chí còn khẳng định nếu đặt mình vào địa vị của Vân, ông sẽ vào viện xin giấy chứng thương và kiện chồng ra tòa.

Nhiều người cho rằng, ông Phương thay đổi tính cách thiếu sự logic. Bởi nếu là một người làm to, lại hiểu chuyện như ông Phương thì ông đã không nhu nhược đến mức để cho vợ mình “lấn lướt” mọi chuyện.

Riêng Thanh – nhân vật bị xem là “ngán ngẩm” nhất phim cũng chưa thể hiện ra “chất” của nhân vật. Sau nhiều biến cố, đã có lúc tưởng như đổ vỡ hôn nhân... nhưng Thanh vẫn chỉ là “cậu bé” trong hình hài người lớn. Cậu sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ để bảo vệ mẹ nhưng chưa lần nào quyết liệt bảo vệ vợ trước mặt mẹ khiến cho nhiều người cảm giác Thanh không xứng là chồng. Những gì Vân nói với Thanh, Thanh đều “ậm ừ” nhưng rồi khi gặp mẹ lại bỏ qua. Chính những điều này khiến cho nhân vật Thanh thiếu tính điển hình, phi thực tế.

Nhân vật Tùng – chồng của Trang trong phim được xem là người đáng thương nhưng lại diễn thiếu chiều sâu. Tùng nhiều lần tranh cãi với vợ để bảo vệ mẹ nhưng sau đó lại thỏa hiệp một cách dễ dãi bởi những lý do không thuyết phục.

Một điều khác khiến “Sống chung với mẹ chồng” bị “phàn nàn” nữa là hơi lạm dụng các cảnh “giường chiếu”. Những cảnh âu yếm, tình cảm, riêng tư… của Vân với Thanh dù không đặc tả nhưng xuất hiện với mức độ hơi dày đặc. Thậm chí, phim chiếu vào khung 21h dành cho mọi đối tượng khán giả nhưng những câu thoại người lớn kiểu như: “không đi bao thì nghỉ” lặp lại khá thường xuyên.

Mạnh Tường