1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên:

Cần coi trọng nghệ nhân - những người giữ linh hồn của cồng chiêng

(Dân trí) - Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT-DL, công tác bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị sơ kết 10 năm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vừa diễn ra tại Kon Tum.

Hội nghị sơ kết 10 năm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra tại Kon Tum ngày 19/3
Hội nghị sơ kết 10 năm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra tại Kon Tum ngày 19/3

Cộng đồng đã nhìn thấy sự quan trọng của việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nêu ý kiến chỉ đạo đại diện ngành văn hóa - du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực tham dự Hội nghị tập trung đề xuất, thảo luận các vấn đề chính, bao gồm những khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa ở Tây Nguyên, đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; những việc làm nào cần ưu tiên trong lộ trình từ nay đến năm 2020 trong công tác bảo tồn “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này; đặc biệt là cần có những chính sách, cơ chế đãi ngộ, tôn vinh đối với các nghệ nhân - những người giữ linh hồn của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Cần có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng - những người giữ linh hồn của cồng chiêng
Cần có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ quần chúng - những người giữ linh hồn của cồng chiêng

Đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng nhấn mạnh song song với công tác bảo tồn, các chính sách đãi ngộ nghệ nhân, cần chú trọng công tác truyền trao Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để thế hệ trẻ tự hào, yêu quý và gắn bó, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy di sản văn hóa mà cha ông để lại.

Cần truyền trao để thế hệ trẻ tự hào, yêu quý và gắn bó với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Cần truyền trao để thế hệ trẻ tự hào, yêu quý và gắn bó với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT-DL, công tác bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Trong đó, đáng kể đến nỗ lực của chính quyền địa phương ở 5 tỉnh Tây Nguyên và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng chủ thể. Việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng thực hành di sản. Cộng đồng đã nhìn thấy sự quan trọng của việc giữ gìn, lưu giữ những bộ cồng chiêng, nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội của cha ông để lại. Đồng thời, hoạt động truyền dạy cồng chiêng tại các địa phương đang được ưu tiên và triển khai hiệu quả.

Còn nhiều “bài toán khó” cho công tác bảo tồn di sản văn hóa

Nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị cùng đồng ý rằng một trong những thách thức lớn trong công tác bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng cây lúa rẫy sang cây công nghiệp (cà phê, cao su...) dẫn đến sự suy giảm của những sinh hoạt cồng chiêng vốn gắn liền với hoạt động sản xuất truyền thống.

Song song đó, đời sống sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng của văn hóa cồng chiêng, trăn trở nhất là thực trạng “chảy máu cồng chiêng” khi mà nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, kpan quý... Các loại hình giải trí mới hấp dẫn sự chú ý của giới trẻ trong đời sống hiện đại cũng gây khó khăn khi giải bài toán làm sao để việc truyền trao “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” thực sự hiệu quả.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum nêu giải pháp phát triển du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách từ chiếc nôi văn hóa bản địa để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa nâng cao đời sống kinh tế của các đồng bào dân tộc tại chỗ ở địa phương.

Còn nhiều bài toán khó cần bàn thêm giải pháp trong công tác bảo tồn di sản văn hóa
Còn nhiều bài toán khó cần bàn thêm giải pháp trong công tác bảo tồn di sản văn hóa

Song song đó, việc đưa vào giảng dạy trình diễn cồng chiêng nói riêng cũng như các nghệ thuật dân gian ở Tây Nguyên nói chung trong trường học là một trong những giải pháp để thế hệ kế thừa biết yêu, biết trân quý và giữ gìn di sản văn hóa của cha ông trao truyền bao đời nay.

Theo đề xuất của đại diện ngành văn hóa - du lịch tỉnh Gia Lai, lâu nay, Gia Lai và các địa phương trong khu vực đã làm được nhiều việc trong nỗ lực bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng đó là những nỗ lực tự thân, nên chăng Bộ VH-TT-DL có một dự án chung cho vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trình Chính phủ duyệt càng sớm càng tốt? Vì không gian ấy xét riêng là của từng tỉnh nhưng kì thực có mối quan hệ mật thiết, nếu không muốn nói là không thể tách rời của cả vùng Tây Nguyên.

Khánh Hiền