Bức tự họa đáng giá hơn 600 tỉ bị quên lãng trong tu viện

(Dân trí)- Bức chân dung của danh họa người Hà Lan - Rembrandt được treo trong tu viện của Anh suốt nhiều năm, chẳng ai ngó ngàng tới. Mới đây, khi các nhà nghiên cứu tìm ra nguồn gốc thực sự của nó, giá bức tranh ngay lập tức tăng đến chóng mặt.

Bức tự họa đáng giá hơn 600 tỉ bị quên lãng trong tu viện


Trong suốt những năm qua, du khách tới thăm tu viện Buckland ở hạt Devon của Anh chỉ dừng lại một vài giây đứng ngắm bức chân dung của danh họa Rembrandt treo trong tu viện. Người ta luôn nghĩ rằng đó là tác phẩm được vẽ bởi học trò của danh họa.

Gần đây, các nhà nghiên cứu hội họa muốn làm rõ nguồn gốc bức tranh nên đã thực hiện các biện pháp nghiên cứu, tìm hiểu niên đại, phân tích cách vẽ và pha trộn màu sắc của nó, thật kỳ lạ, người ta nhận thấy điểm tương đương quá lớn giữa phong cách Rembrandt và bức tranh.

Bức chân dung vốn được treo trong nhà của một quý tộc địa phương, sau đó nó được đem tặng cho tu viện nhưng không ai nghĩ đó là một tác phẩm quý giá do chính tay danh họa vẽ.

Giờ đây, khi các nghiên cứu phát hiện ra bức tranh chứa đựng rất nhiều bút tích của Rembrandt, ngay lập tức giá của nó tăng lên từng ngày và đã chạm mức 20 triệu bảng Anh (tương đương hơn 639 tỉ VND).

Tuy vậy, tu viện khẳng định bức tranh đã được trao cho họ như một món quà, vì vậy họ sẽ giữ bức tranh ở lại tu viện để mọi người có thể tiếp tục đến chiêm ngưỡng và sẽ không bao giờ đem bán.

Những nhà nghiên cứu chuyên sâu về tranh của Rembrandt từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về tu viện Buckland. Tất cả đều có chung nhận định rằng bức tranh chính là tác phẩm tự họa của tác giả.

Bức tranh được vẽ từ năm 1635, khi đó Rembrandt 29 tuổi, ông mặc một chiếc áo choàng không tay và đội một chiếc mũ nhung, tất cả đều màu đen. Trên mũ còn gắn lông đà điểu Châu Phi.

Danh họa Rembrandt Harmenszoon van Rijn, một trong những tên tuổi hàng đầu của thế hệ vàng mỹ thuật Hà Lan. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông nổi tiếng với số lượng tranh tự họa hiếm có – gần 50 bức sơn dầu, 32 bức sử dụng thuật khắc axit và 7 bức khắc họa chân dung chi tiết.

Một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Hà Lan – ông Van de Wetering cho biết: “Trong 45 năm qua, Hiệp hội nghiên cứu về Rembrandt đã đúc kết được nhiều tri thức về phong cách của ông, nhờ thế, khi tiếp xúc với bức tranh cổ bị quên lãng này, chúng tôi đã nhanh chóng có những nhận định mới về nó.”

Khi bức tranh được đem đi chụp X-Quang, những giả thiết đưa ra càng được khẳng định. Kỹ thuật vẽ hoàn toàn trùng khớp với những gì người ta thường thấy ở các bức tranh nổi tiếng của danh họa.

Trong năm nay, bức họa sẽ được gửi tới các chuyên gia để làm sạch lớp bụi bám trên bề mặt.

Cùng chiêm ngưỡng một số bức tự họa nổi tiếng khác của Rembrandt:

Bức tự họa vẽ năm 1629

Bức tự họa vẽ năm 1629

Bức tự họa vẽ năm 1631

Bức tự họa vẽ năm 1631

Bức tự họa vẽ năm 1642

Bức tự họa vẽ năm 1642

Bức tự họa vẽ năm 1659

Bức tự họa vẽ năm 1659

Bức tự họa vẽ năm 1661

Bức tự họa vẽ năm 1661

 
Pi Uy
Theo Timeslive