Việt Nam thân thương:

Bức thư tất niên gửi mẹ

(Dân trí)- Khi mẹ thức giấc vui mừng cùng mưa lộc, cùng mùi khói đun bánh chưng, những trầm hương thì con vừa kết thúc một ngày làm việc. Một ngày cuối tuần bình thường nơi đây. Ngoài kia, đường phố không đến mức hoa lệ như nhiều người ở quê nhà vẫn mơ tới.

Mẹ yêu dấu,

Đêm nay 21, thứ Bảy, đêm mai là giao thừa, con bàng hoàng ngồi cố gắng tĩnh tâm trước những trang giấy trắng, con muốn viết cho mẹ lắm. Con vẫn luôn dùng giấy kẻ, mực tím để viết thư. Con lỗi thời quá chăng? Ở nơi mẹ, một ngày mới đã bắt đầu. Đầu ngày của một ngày cuối năm. Con không biết bắt đầu từ đâu. Một nỗi buồn vô tận cứ đẩy con xa, xa nữa, xa mẹ quá. Sao buồn vậy mẹ ơi, nỗi buồn của người một người con xa nhà. Con đâu dám kéo tâm trạng của bất cứ người Việt đang chờ Mùa xuân gõ cửa ở nơi đất khách quê người vào nỗi buồn sâu thẳm này. Năm trước, khi con đọc những bài “Xuân quê hương”, con đã khóc, khóc nhiều lắm. Những giọt nước mắt của hơn hai mươi năm trời Tây.

Bức thư tất niên gửi mẹ


Mẹ thương, khi mẹ đang vừa thức giấc vui mừng, thổn thức cùng cái mưa bay nhè nhẹ, mưa lộc, cùng những mùi khói đun bánh chưng, những trầm hương thì con vừa kết thúc một ngày làm việc. Một ngày cuối tuần bình thường nơi đây. Ngoài kia cửa sổ, ánh đèn đường không đến mức hoa lệ như nhiều người ở quê nhà vẫn mơ tới. Cái lạnh chỉ vẩn vơ ngoài cửa sổ. Năm nay, Paris không có những bông tuyết lang thang trên phố. Ăm ắp trong những gia đình là bầu không khí trĩu nặng của khủng hoảng kinh tế và các bàn luận, tranh cãi ai sẽ đưa lên trời Tây những đám mây hồng trong năm tới. Giờ này, con chỉ muốn mơ về mẹ. Nói về mẹ!

Những lời chúc tụng đầu năm cùng những kỹ niệm lại trào dâng trong trong ký ức. Mẹ sắp tiễn biệt bốn mùa xưa để chào đón bốn mùa mới với bao hy vọng, dự định, thèm khát và lo âu.

Giờ này chắc cái Tết của mẹ đã được chuẩn bị. Ông Công Ông Táo được mẹ đã tiễn về Trời trong niềm vui và thất vọng. Những cá chép có còn trông được trăng khi hồ ao quê nhà đã hạn hẹp và vẩn đục? Mẹ nói đã mua cá hồng, cá vàng, cá lai thả cho có lộc. Tội nghiệp mẹ phải thuê xe ôm ra tận sông Hồng để thả cá cầu may. Vậy mà chú cá lai của mẹ đã không chịu nổi quãng đường quá xa, bác xe ôm đã chạy vòng vèo để tránh các ngã ba, ngã tư, ngã năm hàng ngàn người và xe tắc nghẽn. 

Mẹ đừng buồn, cá đã về trời với các cầu mong của mẹ trước khi được vùng vẫy trong dòng nước sông đỏ màu thiếu nước, nhớ phù sa. Mẹ vội vã với trăm công ngàn việc nên đã quên giải thích cho con vì sao phải thả cá ngày này. Mẹ nói năm nay mẹ“chơi” hẳn một câyđào thế. Hoa sẽ nở rộ đến hết tháng Giêng. Trong đầu con là thằng bé ngô nghê của mẹ với cành đào cắm lọ độc bình. Hồi đó, con khéo tay lắm (mẹ vẫn thường khen con mà), con đã dùng giấy, kéo thủ công để cắt thêm thêm bao nhiêu hoa để đào của mẹ thêm thắm, lá để cành thêm xanh lộc. Cách xa ngàn trùng, con vẫn an ủi mình bằng vài cành đào không thế!

Khi mẹ vào xuân, tinh thần phấn khởi, sảng khoái, mẹ sống nhiều ngày vui nhộn.

Tết là vui, là tiêu. Vui Tết, tiêu Tết. Mẹ mua mâm “hũ” quả vì mọi người bây giờ ít quan tâm đến “ngũ” sắc. Đơn giản hóa cuộc sống. Cả mâm quả tươi đến chục loại khác nhau trông thèm chảy nước miếng. Mẹ nói: “Mua bày cho đẹp nhà, chứ ăn đâu có ngon”. Con chợt thèm những quả ổi vàng ươm thơm phức, nhỏ như quả trứng gà mẹ nhặt trên ổ mỗi sáng khi gà cục tác. Sắp giờ giao thừa, mẹ cố gắng bê mâm cơm cúng Trời lên sân thượng để tạo cảm giác thanh cao, gần Trời. Mẹ chưa hài lòng, mẹ chỉ có nhà một tầng. Nhà láng giềng có năm bẩy tầng thì mẹ nhìn cao sao được? Thế là mẹ lại có ước mơ cho năm tới: xây nhà cao, cao nữa, để xứng tầm với nhà xung quanh.

Mẹ lâng lâng với hơi men đầu Xuân, hòa quyện vào các lễ hội. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, câu ca đã ăn sâu vào lòng người Việt. Một tập tục mà tổ tiên, ông bà, và cả thế hệ mới vẫn cho là nghệ thuật sống. Vậy là mẹ không còn dám dè sẻn với đồng tiền tiết kiệm năm qua để trẩy hội. Chẳng cô Cám nào ngăn được bước chân mẹ đi tới cửa Đền, cõi Phật. Tiếng nhạc, kèn giai điệu của các dân tộc làm mẹ quên cái bần, cái cực của cuộc sống. Mẹ vui, con cũng vui cùng mẹ.

Hè sang. Con biết mẹ bắt đầu phải đăm chiêu với cái khó khăn, suy tính làm ăn, lấy cái sinh nhai. Những con tú hú kêu ở đồng quê. Mẹ còn nhớ không? Cái thủa mẹ lội ruộng, vừa cấy mạ, vừa tranh thủ bắt những chú “cua ngoi lên bờ”. Con ngồi trên bờ mương ngóng theo những chú cò bay, đợi mẹ mở gói cơm trưa với muối vừng. Nhìn các anh chị cắp sách tới trường, con đâu biết là một ngày kia chân trời mới của những cô cậu đội viên “khăn quàng đỏ” đó lại là trời Tây. Và đó cũng là ước mơ của con. Rồi đêm xuống, xuất hiện vầng trăng đỏ quạch, con nói: “Chị Hằng buồn hay say rồi!” Mẹ lo âu: “Trời đổi gió đó. Mai có bão con à”. Mẹ trần mình với những cơn bão lụt. Giờ thì con đã hiểu thế nào là bão. Mẹ thương, cái “bão” thời nay đâu chỉ là hậu của quầng trăng đỏ. Bão giá, bão tiền, bão cơm, bão tình. Và bao nhiêu bão khác nữa.

Thu về. Bão giông vẫn còn đó. Lại thêm những cơn bão trái mùa vì trái đất đổi thay. Mẹ lại quằn quại đấu tranh với gió, bì bõm trong ngập lụt. Mẹ vẫn không ngừng làm việc, phấn đấu, để tồn tại, để sống. Căn nhà của mẹ vẫn vẻn vẹn có tầng một. Ô kìa, đâu đây vẫn còn cô bán cốm xanh. Con thèm sao được chấm quả chuối ngự vào những hạt cốm Vòng thơm ngào ngạt hương lá sen, thèm được nhấm nháp cái vị của quê hương.

Đông đến. Mẹ bận bịu tíu tít với những công việc cuối năm. Mẹ lo âu với muôn vàn câu hỏi năm qua đã làm được gì và mất mát bao nhiêu. Mẹ lưỡng lự chưa biết nên nói ra những ước mơ chưa làm được. Cái lạnh tê tái của xứ mai, đào Bắc bộ ào ào lùa vào tim mẹ, cái ẩm ướt, nhớt nhát, trời nồm làm mình mẹ đau ốm. Cái lạnh và cô đơn của Paris thách thức con một năm nữa, cái nỗi nhớ mẹ cào xé con tim chưa đủ tính quyết liệt để trở về quê mẹ.

Cái năm mẹ mất đi một người con, máu mủ của mẹ, mẹ buồn hốc hác. Con mường tượng ánh mắt ngơ ngác của mẹ mà lòng tan tác. Ôinhững đêm mùa đông năm ấy mới buồn làm sao. Khói hương trầm của Tết quện lẫn khói hương lìa trần của đứa con cứ quanh quẩn bốn góc nhà mẹ.

Xuân lại về rồi đấy mẹ. Lại lo toan cái Tết với đủ nghi lễ. Bỏ qua sao được hỡi mẹ yêu. Mẹ cố vay mượn để có cái Tết sang hơn, cành đào đỏ hơn, cây quất trĩu quả, xanh lá hơn. Thế là mẹ tặc lưỡi. Một năm một lần. Đừng để cái khó nó bó cái khôn.

Giao thừa đến gần bên cửa rồi. Những bông pháo hoa sắp bay lên. Mẹ hãy ngẩng cao đầu ngắm nhìn, thưởng thức. Con nâng cốc rượu hồng và lòng hướng về mẹ.

Bức thư tất niên gửi mẹ


Ngọn lửa dưới sân nhen nhóm, tý tách trong mưa xuân. Mẹ hóa vàng. Nhắm mắt con mường tượng những chiếc Iphone, Ipad, những chiếc xe hai cầu, những chiếc xe Dream và cả những “giấc mơ” của mẹ đang tan theo khói. Mẹ luôn hào phóng với những ai đã qua kiếp người. Kìa ngôi nhà cao 5 tầng đang bén lửa. Lời ước nguyện của mẹ cho năm sau. Những giọt lệ chảy dài làm cay xè đôi mắt. Cái mặn nồng vớimẹ còn đó trong con.

Mẹ ơi, hãy vui với những bông pháo hoa, hãy cố vươn lên cao để bằng bạn, bằng bè. Con hy vọng những bông pháo kia không phải chỉ là một sự phù du, che giấu cái khó khăn, ngèo đói. Những bông pháo kia không chỉ lập lòe làm lòng người vui những giây phút đầu năm để kéo theo cả nỗi buồn đằng đẵng 365 ngày.

Chỉ mong sao nhưng bông pháo hoa sưởi ấp những đứa trẻ trong đêm Giao thừa còn run rẩy dưới gốc cây, ôm ấp những bàn tay người già nua đã rã rời vì bao năm tháng chiến tranh, tiếp sức những bàn chân đã từng đạp suối, leo núi, trèo rừng để rồi hôm nay mệt mỏi.

Mẹ cố lên. Nhớ mẹ khi xuân về. Thương mẹ cả bốn mùa. Hy vọng mẹ mãi mãi là mẹ yêu của con, mẹ yêu của biết bao người xa xứ. Mong manh đâu đây có ai nói câu: “Mong ngày về bên mẹ”.

Đào Phi Cường