Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã “trả nợ” câu hỏi của người tiền nhiệm

(Dân trí) - Đại biểu Quảng Ninh có nhắc lại câu hỏi đã đặt ra với Bộ trưởng tiền nhiệm Hoàng Tuấn Anh về vấn đề phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định “trong những năm tới nếu chúng ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20 - 25% mà ngành du lịch của Thái Lan tăng 7% như hiện nay, thì khoảng 15 năm nữa chúng ta sẽ “gặp nhau” với Thái Lan”.

Chiều qua (13/6), lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận được nhiều chất vấn thẳng thắn của các Đại biểu liên quan đến việc quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng), việc sai sót trong cập nhật 324 ca khúc trên website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), những vấn đề nhức nhối trong lễ hội truyền thống, việc thu phí tác quyền chưa hợp lý gây nhiều bức xúc, những biểu hiện về sự xuống cấp về đạo đức lối sống, các thiết chế sử dụng nhà văn hoá – thể thao ở địa phương…

8h sáng 14/6, buổi chất vấn ngày thứ 2 tiếp tục.

8h1phút, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành 3 phút để trao đổi lại vấn đề quy hoạch Sơn Trà.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục làm rõ thêm vấn đề Sơn Trà

Phó Thủ tướng cho rằng, "vấn đề Sơn Trà cần sự thống nhất trong đảng bộ chính quyền và đặc biệt sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Chúng ta đều hi sinh, muốn bảo vệ Sơn Trà. Nhân dân Đà Nẵng cũng vậy, không ai nói họ không hi sinh, bảo vệ Sơn Trà. Nhân dân Đà Nẵng có trí tuệ để đóng góp với Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn.

Thứ hai, trước đây chưa có quy hoạch du lịch, Đà Nẵng theo thẩm quyền của mình cấp phép các dự án, với nhà đầu tư là Nhà nước cấp phép. Bây giờ Đà Nẵng phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư. Khi Đà Nẵng thống nhất quy mô đầu tư là 1600 phòng thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư.

Bây giờ chúng ta quyết định số phòng bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng phải làm việc với các nhà đầu tư. Khi Đà Nẵng chủ động vào cuộc, chúng ta sẽ tìm được giải pháp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân Đà Nẵng và cả nước. Cuối cùng Thủ tướng Chính Phủ sẽ quyết định vấn đề này. Như tôi đã báo cáo, phát triển phải bền vững, chưa đủ điều kiện thì lui lại, đến khi đủ điều kiện sẽ làm. Để phát triển bền vững cần có tri thức và kinh nghiệm".

8h3 phút Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của các đại biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) về vấn đề bảo tồn công tác quản lý văn hoá dân tộc thiểu số và công nhận dân tộc Pa Kô (Quảng Trị) là một dân tộc độc lập vì có văn hoá, ngôn ngữ… độc lập, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Bộ VHTT&DL luôn xác định quản lý văn hoá các dân tộc thiểu số là công tác cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, mang thường xuyên và lâu dài. Liên quan đến việc bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật các dân tộc thiểu số quy mô toàn quốc, Bộ đã tiến hành nhiều biện pháp: Điều tra, sưu tầm, phục dựng… Nhiều năm qua, đã phục dựng được hơn 70 lễ hội của các dân tộc thiểu số; Xây dựng dự án bảo tồn làng bản buôn truyền thống…

Trong công tác sưu tầm, bảo tồn, Bộ đã hướng dẫn, mở các lớp dạy bảo tồn văn hoá truyền thống. Các lớp này do các nghệ nhân, chủ thể văn hoá dân tộc đó tham gia giảng dạy. Hiện Bộ đang xây dựng đề án bảo tồn dân tộc, định kỳ tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản…

Trong sáng tác, đẩy mạnh sáng tác, nhiều tác phẩm chân thực về con người và cuộc sống dân tộc thiểu số. Tại các địa phương, các đội văn nghệ thôn bản buôn… luôn được đào tạo và tổ chức hoạt động thường xuyên, đó là những nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn.

Về vấn đề công nhận dân tộc Pa Kô là dân tộc độc lập, Bộ trưởng cho biết, hiện nay danh mục 54 thành phần dân tộc được xác định từ năm 1979, sau đó được Chính phủ uỷ nhiệm theo quyết định 171. Đây là văn bản chính thức được sử dụng thống nhất. Xin phép được chuyển câu hỏi này cho Bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương liên quan đến lễ hội, câu hỏi có một số vấn đề mới: lễ hội kéo dài, lễ hội phản cảm (chém lợn, đâm trâu, cướp lộc), vấn nạn bạo lực, trộm cắp… trong lễ hội. Vai trò quản lý của Nhà nước về lễ hội này?

Bộ trưởng trả lời rằng, về quản lý nhà nước, việc phân cấp đã được quy định trong Thông tư số 15 năm 2015, Bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, trợ giúp Chính phủ ban hành các văn bản về quản lý lễ hội. Đối với các lễ hội lớn, hàng năm, Bộ phối hợp với địa phương rà soát công tác tổ chức, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh bất cập để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội diễn ra an toàn.

Phối hợp với các bộ ngành khác như: Bộ Công an, Bộ ý tế, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Giao thông vận tải…để có công tác tổ chức an toàn nhất.

Đối với một số lễ hội có nội dung phản cảm không phù hợp với tập quán, phong tục, Bộ trưởng giải thích, sau lễ hội 2015 kết thúc, Bộ đã phối hợp với địa phương quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội văn hoá, an toàn và tiết kiệm. Ban bí thư đã ban hành chỉ thị tổ chức lễ hội an toàn và tiết kiệm. Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện chấn chỉnh việc này rất kịp thời.

Mùa lễ hội 2017 vừa qua, những lễ hội phản cảm đã được chấn chỉnh. Ném lợn không diễn ra, cướp phết không có cướp phết chỉ trình diễn nghi lễ, cướp phết Hiền Quan - Phú Thọ chia đội, tậu trâu không đập đầu trâu mà thay bằng trình diễn, các lễ hội đền Trần - Thái Bình không tiếp tục thả ấn, lễ hội đền Hùng, đền Trần - Nam Định đã tổ chức tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá trả lời vấn đề các lễ hội phản cảm

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảnh Bình) tranh luận: Tôi xin tranh luận với đại biểu ở Hưng Yên rằng Quảng Bình không có ý định và không có cơ quan thông tin dư luận nào nói Quảng Bình tổ chức thi Hoa hậu tại hang Sơn Đoòng. Hiện nay, Sơn Đoòng thu hút 500 du khách, mỗi du khách đi phải 25 người phục vụ, và thời gian từ 4-5 ngày. Cách đây vài tháng, BTC thi Hoa hậu Hòa Bình thế giới có đến Quảng Bình để xem xét vấn đề tổ chức. Trong hội nghị, có đề nghị thi Hoa hậu ở động này, vì trước đây tại đây cũng đã tổ chức Lễ hội hang động. Tỉnh chưa quyết định về việc thi Hoa hậu, nhưng nhiều thông tin đưa Quảng Bình tổ chức thi Hoa hậu trong động. Đại biểu nắm thông tin không chắc, chưa có quyết định mà lại đem chất vấn Bộ trưởng.

Đại biểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chất vấn, đặt câu hỏi: Thời gian qua, với mục tiêu phát triển nhanh về du lịch, chúng ta đã khai thác tối đa giá trị kinh tế di sản văn hóa khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải. Sự tùy tiện và ý thức chưa cao cho nên hầu hết các di sản bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua thực tiễn, công tác quản lý di sản văn hóa còn nhiều bất cập chủ yếu do công tác tổ chức điều hành, sự phân công, phân cấp còn chồng chéo và chính sách đầu tư chưa thực hiện như giải trình của Bộ trưởng.

Các đề án còn nặng nề trên giấy tờ, thủ tục. Đây là trở ngại lớn cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa. Trong thời gian tới chúng ta tiến hành công tác xã hội hóa, tuy nhiên công tác xã hội hóa hiện nay còn nhiều bất cập. Chúng tôi lo ngại nhiều di tích sẽ trở thành phế tích, thậm chí…. mất tích!

Vấn đề nữa xin tranh luận với Bộ trưởng, đó là vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và các dân tộc thiểu số. Từ văn bản tới hiện thực còn khoảng cách lớn. Trước đây, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Tuấn Anh về công tác bảo tồn, nhưng từ hôm qua Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải trình, từ 2016 - 2020 không có nguồn kinh phí đầu tư, phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc. Đây có phải sự đứt gẫy trong tư duy nhiệm kỳ? Trách nhiệm của Bộ VH,TT&DL và các Bộ liên quan?

Trả lời câu hỏi Đại biểu ở Bình Phước, Bộ trưởng thừa nhận, đúng như đại biểu nói, đất nước ta hiện đang có nhiều di tích, hơn 3329 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 85 di tích quốc gia đặc biệt, tổng số di sản phi vật thể là 202, di sản được UNESCO vinh danh là 25 di sản... Di sản văn hoá của chúng ta có số lượng lớn, đây là tài sản lớn của quốc gia, đất nước… Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trong những năm vừa qua đã làm khá tốt, đặc biệt công tác kiểm kê, xếp hạng, bảo tồn… Nhưng vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy còn hạn chế. Bảo tồn liên quan đến nguồn kinh phí. Từ 2015 về trước có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, trong đó có nguồn đầu tư để sử dụng trùng tu, tôn tạo… và phân bổ phát triển di sản văn hoá phi vật thể. Cho nên, văn hoá vật thể và phi vật thể thời gian qua được thực hiện khá tốt.

Từ 2016 chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá không còn nên không có nguồn lực tập trung để đầu tư mà phân bổ về cho các tỉnh và cho các địa phương. Ngành văn hoá hiện nay được bố trí nguồn vốn liên quan đến bảo tồn văn hoá phi vật thể cho các địa phương. Chúng tôi thấy rằng, di sản văn hoá nếu không bảo tồn, không tôn tạo sẽ xuống cấp và có thể biến mất.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, đề nghị các địa phương có nghiên cứu. Chúng tôi tiếp thu ý kiến để tham mưu cho Chính phủ trong công tác này.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã “trả nợ” câu hỏi của người tiền nhiệm - 2

Liên quan đến câu hỏi phương cách nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, Bộ trưởng Thiện chia sẻ, có thể nói, đề án Nâng cao thể lực và tầm vóc của người Việt Nam chúng tôi đã có triển khai và có được những kết quả tốt. Ở học đường cũng có đề án “sữa học đường” nhằm nâng cao thể lực học đường. Phong trào tập luyện là nhiệm vụ của ngành, hiện nay đã có 29,5% số người tập thể dục – thể thao thường xuyên. Thời gian tới nâng số người lên cao hơn và gia đình tập luyện thể dục thể thao lên cao hơn, khoảng 35%. Đó là một trong những giải pháp nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trương Ngọc Nghĩa, Bộ trưởng Sau khi sự việc xảy ra đã yêu cầu các cục vụ liên quan rà soát lại thủ tục cấp phép vừa rồi, các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục cấp phép. Tinh thần của chúng tôi là giảm, hạn chế và dẫn đến chấm dứt cơ chế xin cho để tạo môi trường thuận lợi cho văn nghệ sỹ. Bộ sẽ tìm phương cách quản lý phù hợp với thực tiễn hiện nay và phù hợp với xu thế chung của quốc tế.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận, chúng ta đã hoà bình, thống nhất 40 năm rồi, việc giải quyết khai thác phổ biến hoặc hạn chế sản phẩm văn hoá trước 1975 là việc làm hết sức quan trọng, để phục vụ nhu cầu lành mạnh của nhân dân và góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc. Bộ nói đang tìm giải pháp tôi rất lo âu. Hết sức mong, Bộ huy động chuyên gia, các nhà văn hoá để tìm ra giải pháp thoả đáng. Về phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Tôi thấy vừa rồi, cử tri hoan nghênh cách làm của Phó Thủ tướng, về tận nơi thị sát, có những giải đáp thoả đáng… Tôi tin, Đà Nẵng với cách chỉ đạo của Chính phủ sẽ đảm bảo được vấn đề bảo tồn và phát triển ở Sơn Trà.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) hỏi: Tôi muốn tranh luận với Bộ trưởng về các giải pháp Bộ trưởng đưa ra nhằm ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Tôi chưa hài lòng lắm với cách trả lời của Bộ trưởng, Bộ trưởng có đưa ra văn bản về điều chỉnh, quản lý việc xuống cấp đạo đức hiện nay.

Tôi nghĩ rằng là, Bộ trưởng còn phải quan tâm hơn về việc chúng ta quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử ngay trong chính môi trường văn hóa biểu diễn nghệ thuật mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang quảng lý.

Hiện nay có tình trạng, các hoạt động văn hóa có những biểu diễn rất phản cảm, như vụ nhảy múa phản cảm trước trẻ em ở Đầm Sen. Thứ hai, chúng ta chưa có quy định cụ thể tội danh liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Có người vi phạm ở nước ngoài, về Việt Nam vẫn hoạt động tự do trong môi trường có liên quan đến trẻ em, xin giảng dạy cho trẻ. Đó là những hành vi, biểu hiện xuống cấp đạo đức.

Các gameshow, biểu diễn nghệ thuật, Nghị định 15 Chính phủ đưa ra không thấy quy định cụ thể với việc trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật, gameshow. Trong khi đó các gameshow giải trí nặng hơn giá trị giáo dục. Hình thức biểu diễn khai thác yếu tố câu khách là chính?

- Bộ trưởng Thiện bày tỏ, vấn đề đại biểu nêu rất rộng, lớn và cấp bách và đạo đức, văn hoá ứng xử. Hiện nay, các em, các cháu rất nhỏ tham gia biểu diễn, đây là vấn đề chúng tôi cần nghiên cứu để có quy định cụ thể. Việc tham gia biểu diễn có thể vì thương mại. Xin tiếp thu ý kiến để có những quy định cụ thể.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã “trả nợ” câu hỏi của người tiền nhiệm - 3

Phản hồi chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Bộ trưởng Thiện thừa nhận, việc xử lý các vấn đề nóng của Bộ VHTT&DL vừa rồi đúng là còn quá chậm. Chúng tôi nhận thấy vấn đề đại biểu nói là đúng và xin tiếp thu. Sẽ giải quyết vấn đề nóng kịp thời hơn.

Phản hồi phản biện của đại biểu Trương Trọng NghĩaLê Xuân Thân, Bộ trưởng Thiện cho rằng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, với những bài hát có nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia… không cần cấp phép. Tinh thần chỉ đạo là thông thoáng và chúng tôi sẽ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo này.

Trả lời vế: “Bộ trưởng có định hoàn thiện thể chế pháp luật về ứng xử, đạo đức hay không?” của Đại biểu Quốc, Bộ trưởng Thiện giải trình, sau khi có nghị quyết của trung ương, Bộ đã triển khai những đề án rất cụ thể. Tuy nhiên, đây là việc làm rất khó, nhiều vấn đề cần phải có nghiên cứu. Chúng tôi đã triển khai các đề tài liên quan đến khái cạnh đạo đức, nếp sống, hệ giá trị… Bộ đã trình Chính phủ ban hành một số văn bản liên quan đến xây dựng đạo đức, lối sống.

Về câu hỏi của Đại biểu Minh Ánh hỏi về công nghiệp văn hóa: Công nghiệp văn hóa là khái niệm khá mới với nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1755 phê duyệt chiến lược công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Có thể nói, công nghiệp văn hóa đối với nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn, Anh, Pháp… công nghiệp văn hóa đóng góp 10% GDP của các nước đó.

Ví dụ lĩnh vực điện ảnh, một bộ phim có thể mang lại mấy trăm triệu USD, đương nhiên Hàn Quốc hay một số nước khác cũng vậy. Với câu hỏi, theo quyết định phấn đấu năm 2020 sẽ đóng góp 3% GDP, ngành biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, quảng cáo, du lịch, văn hóa… rất dài, tôi xin phép cung cấp nội dung này cho đại biểu sau.

Có những giải pháp cụ thể như: giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, xây dựng, bổ sung nguồn ngân sách cũng như nhân lực. Nguồn nhân lực rất quan trọng đối với công nghiệp văn hóa. Giá trị của sự sáng tạo có thể một tác giả, một bộ phim, cũng có thể mang lại mấy trăm triệu USD. Và tăng cường ứng dụng, khoa học kỹ thuật…

Trả lời ý của đại biểu hỏi “Bộ trưởng có định hoàn thiện thể chế pháp luật về ứng xử, đạo đức hay không?” của Đại biểu Quốc, Bộ trưởng Thiện giải trình, sau khi có nghị quyết của trung ương, Bộ đã triển khai những đề án rất cụ thể. Tuy nhiên, đây là việc làm rất khó, nhiều vấn đề cần phải có nghiên cứu. Chúng tôi đã triển khai các đề tài liên quan đến khái cạnh đạo đức, nếp sống, hệ giá trị… Bộ đã trình Chính phủ ban hành một số văn bản liên quan đến xây dựng đạo đức, lối sống.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã “trả nợ” câu hỏi của người tiền nhiệm - 4

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã “trả nợ” câu hỏi của người tiền nhiệm - 5

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) chất vất: “Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, có đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh về giải pháp phát triển du lịch Việt Nam và có nhắc tới câu hỏi bao giờ du lịch Việt Nam phát triển như du lịch Thái Lan? Bộ trưởng có nói bỏ ngỏ câu hỏi này và sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp trả lời. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, bộ trưởng đã có thể trả lời câu hỏi này chưa và giải pháp nào để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, bản thân ông luôn lo lắng, trăn trở và suy nghĩ về vấn đề này. Trong những qua, du lịch Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, tuy nhiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. “Năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt trong khi Thái Lan là 32 triệu lượt, Malaysia là 26 triệu, Singapore khoảng 16 triệu, Indonesia 12 triệu… chúng ta hiện mới bằng 1/3 của Thái Lan”, Bộ trưởng Thiện thông tin...

Người đứng đầu ngành Văn hóa cũng khẳng định, trong những năm tới nếu chúng ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20 - 25% mà nghành du lịch của Thái Lan tăng 7% như hiện nay thì khoảng 15 năm nữa chúng ta sẽ “gặp nhau” với Thái Lan, với Indonesia thì sang năm Việt Nam có thể đuổi kịp, Singapore là khoảng 2 năm nữa. Bộ Trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, thời gian tới chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. “Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 08 về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới, rất hi vọng luật Du lịch sẽ được Quốc Hội thông qua để chúng ta thực hiện được mục tiêu này. Ngoài ra, những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ khác khả năng sẽ giúp tốc độ tăng trưởng du lịch trong thời gian tới sẽ tăng khá cao”, Bộ trưởng Thiện khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Tô Thị Bích Châu về hiện tượng các khu du lịch quá tải mỗi dịp lễ lớn, vấn đề xả rác, chặt chém du khách tại các địa điểm du lịch, Bộ trưởng Thiện thừa nhận tình trạng này và cho biết, thời gian qua có những hình ảnh chụp bãi biển chỉ thấy toàn người, vào các ngày nghỉ nhiều khu du lịch có sự quá tải. Điều này cho thấy một tín hiệu mừng, du lịch của chúng ta có sự phát triển, nhiều người đi du lịch và nguồn thu từ ngành này cũng lớn hơn. Tuy nhiên làm thế nào để du khách cảm thấy thoải mái và được đảm bảo an ninh, an toàn có dịch vụ tốt hơn thì chúng tôi xin tiếp thu. Về việc đưa ra cảnh báo về các điểm đến quá tải trước kỳ nghỉ chúng tôi cũng sẽ xem xét, nghiên cứu.

9h30 phiên chất vấn tạm nghỉ giải lao.

Sau 20 phút nghỉ giải lao, phiên chất vấn tiếp tục. Trả lời câu hỏi “Việc thực hiện nghi lễ như thế nào?” của Đại biểu Bùi Quốc Phòng - Thái Bình, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh, Chính phủ đã giao cho Bộ nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành nghị định thống nhất về thực hiện nghi lễ. Chúng tôi đang xây dựng và trong quá trình sẽ lấy ý kiến rộng rãi.

10h, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kết thúc thời gian trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn. Theo đó, trong phiên chất vấn với nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Văn hoá - Thể thao - Du lịch đã có 32 Đại biểu chất vấn, 11 Đại biểu đăng ký tranh luận, còn 25 Đại biểu đăng ký chất vấn nhưng do không đủ thời gian nên Quốc hội đề nghị Bộ VHTT&DL trả lời bằng văn bản. Văn bản sẽ được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội để tổng kết trước khi gửi đến Đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét về phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên chất vấn với nhóm vấn đề thứ 2 diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, có ý xây dựng… Các Đại biểu đã thẳng thắn, tích cực và trực diện khi đặt vấn đề chất vấn. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dù mới nhận nhiệm vụ hơn một năm nhưng đã quán xuyến, nắm tình hình lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng đã chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách và những tồn tại của ngành. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nhiều vấn đề Bộ trưởng trả lời chưa rõ nên vẫn có đại biểu đăng ký phản biện.

“Văn hoá - Thể thao và Du lịch là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống - xã hội. Thời gian qua, lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên đó cũng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: công tác cấp phép và quản lý tác phẩm nghệ thuật; việc quản lý lễ hội còn buông lỏng dẫn đến trục lợi, gây phản cảm; việc quản lý công trình văn hoá thể thao kém hiệu quả; nhiều di tích còn xuống cấp; nhiều nhà văn hoá thư viện thiếu trang thiết bị, đạo đức - văn hoá ứng xử xuống cấp chưa có giải pháp quyết liệt… đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, quán triệt các vấn đề còn hạn chế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết thúc phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch nói lời cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng - Nhà nước - Chính phủ, Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã theo dõi, quan tâm, hỗ trợ, đồng hành, động viên, góp ý, xây dựng đối với lĩnh vực Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Bộ trưởng Thiện hứa sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của Đại biểu Quốc hội và cử tri cả để khắc phục tồn tại - hạn chế, yếu kém và phát huy thế mạnh để đáp ứng được nguyện vọng của Đại biểu và cử tri trong cả nước.

Hà Tùng Long - Nguyễn Hằng - Hà Trang

Ảnh, clip cắt từ VTV: Xuân Ngọc