1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bộ phim lan truyền khắp thế giới do 1.000 dân mạng góp tiền thực hiện

(Dân trí) - “Đi tìm ý nghĩa” là một bộ phim khác biệt, đang được lan truyền khắp thế giới bằng cách chiếu miễn phí tới cộng đồng nhằm truyền cảm hứng sống. Bộ phim được gần 1.000 cư dân mạng góp tiền để hai “diễn viên” đi suốt hành trình 6 tháng qua 3 lục địa.

Bộ phim được gần 1.000 cư dân mạng góp tiền để hai “diễn viên” đi suốt hành trình 6 tháng qua 3 lục địa.
Bộ phim được gần 1.000 cư dân mạng góp tiền để hai “diễn viên” đi suốt hành trình 6 tháng qua 3 lục địa.

Những câu hỏi lớn không dễ trả lời

Sáng chủ nhật (15/10), người xem ngồi kín khán phòng CLB Nghệ thuật thứ Bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM) hào hứng, xúc động thưởng thức bộ phim “Đi tìm ý nghĩa” (tên gốc “A quest for meaning”), bộ phim đặc biệt giúp thay đổi nhận thức về cuộc sống.

Trong 6 tháng, hai nhân vật của bộ phim “Đi tìm ý nghĩa” đã đi qua 3 lục địa, tham dự 29 buổi phỏng vấn các chuyên gia và nhân vật kiến tạo thế giới trong nhiều lĩnh vực. Đó cũng là hành trình dài khám phá thế giới và khám phá chính bản thân mình để trả lời các câu hỏi: Chúng ta đến thế giới bằng con đường nào? Sứ mệnh của chúng ta là gì? Chúng ta đứng ở đâu trong vũ trụ? Sự kết nối của chúng ta với vũ trụ là gì? Làm cách nào để cuộc sống có thể hài hoà với tự nhiên và tốt hơn?…

Tại Ấn Độ, bộ phim đưa khán giả gặp gỡ tiến sĩ Vandana Shiva - bà là một nhà vật lý học và nhà hoạt động môi trường sinh thái. Bà hoạt động để bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây trồng. Hạt giống là nền tảng của nông nghiệp, là phương tiện sản xuất và sinh kế của nông dân.

Cảnh trong bộ phim “A quest for meaning”.
Cảnh trong bộ phim “A quest for meaning”.

Vào thập niên 1990, Mosanto, một tập đoàn công nghệ sinh học nông nghiệp đa quốc gia đã đến Ấn Độ và thu gom hạt giống từ nông dân, họ dùng kỹ thuật để biến đổi gen của hạt giống và sau đó nông dân phải vay mượn tiền để mua lại hạt giống của Mosanto với giá cao. Khi bị mất mùa, nợ nần chồng chất, rất nhiều nông dân đã tự tử. Chính vì vậy, Vandana Shiva đã chống lại tập đoàn đa quốc gia Mosanto.

Tiến sĩ Vandana Shiva thẳng thắn đặt ra quan điểm đừng để mình bị chủ nghĩa “tiêu dùng xanh” quyến rũ, bởi nếu chỉ trở thành những người tiêu dùng đơn thuần, và bị phụ thuộc, thậm chí bị thống lĩnh bởi công nghệ sản xuất giá rẻ bao trùm toàn cầu, nghĩa là đang đánh mất chính mình, chính cái riêng biệt quý giá của dân tộc mình.

Thời thực phẩm bẩn lên ngôi, nếu chỉ biến mình thành người tiêu dùng thuần tuý như cách diễn đạt của bà tiến sĩ Vandana Shiva (Ấn Độ) thì sẽ chẳng thay đổi được gì nhiều cho thế giới.

Có cùng cách nghĩ này, gia đình Dervaes (Mỹ) ban đầu trở nên kỳ dị trước cộng đồng bởi lối sống trở lại với nền nông nghiệp tự cung tự cấp nhưng sau này, họ vô cùng hạnh phúc sống giữa thiên đường cây trái, với rau sạch không thuốc trừ sâu, không phân bón, lớn lên một cách tự nhiên trong vườn nhà rộng tới 400m, khác hẳn với các cư dân khác ở Los Angeles.

Hai diễn viên chính không bán vé hay phát hành phim theo cách truyền thống như đưa vào các cụm rạp chiếu mà khuyến khích mọi cộng đồng trên toàn thế giới chiếu miễn phí tới người xem.
Hai diễn viên chính không bán vé hay phát hành phim theo cách truyền thống như đưa vào các cụm rạp chiếu mà khuyến khích mọi cộng đồng trên toàn thế giới chiếu miễn phí tới người xem.

Cuộc phỏng vấn với nhà hoạt động vì hoà bình Satish Kumar (Ấn Độ) đưa ra lời khuyên mọi người hãy chung sống với thiên nhiên.

“Thay đổi không có nghĩa xem thiên nhiên là hoang dã mà là xem xét lại các điều kiện sống. Tất cả mọi người đều có thể tìm cách kết nối tốt hơn với thiên nhiên, nhưng nếu không mơ ước và nỗ lực vì điều đó, thì sẽ chẳng có gì xảy ra” - Satish Kumar nói.

Ông là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất toàn cầu, Satish Kumar cho rằng: “Tâm linh thực sự là khi bạn hiểu mình là ai, hiểu sự kết nối của mình với phần còn lại của thế giới, và hiểu rằng vũ trụ tồn tại như một sự bí ẩn kỳ diệu với năng lượng sáng tạo vô cùng”.

Truyền cảm hứng sống

Không chỉ các pháp sư, nhà nghiên cứu tâm linh phương Đông đặt ra vấn đề về sự mất kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa tâm hồn và thể xác; đứng từ góc độ khoa học, nhà vật lý học - giáo sư vật lý Trịnh Xuân Thuận (người Mỹ gốc Việt) đồng quan điểm với rất nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng: “Chúng ta sinh ra từ tro bụi tinh tú, chúng ta là những đứa con của các vì sao. Trên thực tế, mọi nguyên tử trong cơ thể chúng ta được hình thành từ phản ứng hạt nhân của các ngôi sao. Vì vậy chúng ta có sự liên giao với tinh tú và vũ trụ… Điều đó có nghĩa là thực tại phải được nhìn nhận như một thể thống nhất toàn cầu chứ không phải những đơn vị riêng lẻ. Điều này cũng có nghĩa rằng tất cả chúng ta đều có kết nối lẫn nhau…”

Bộ phim đưa ra thông điệp cho rằng: “Tất cả chúng ta đến với thế giới không phải là những biến đổi ngẫu nhiên mà là biến đổi mang tính thích nghi. Cả vũ trụ là một cơ thể và chúng ta là một phần trong cơ thể đó. Nên không thể phá huỷ hành tinh, cũng không thể coi mình là kẻ thống trị trên hành tinh này. Hãy làm giàu cho vũ trụ, vũ trụ sẽ làm giàu cho bạn” - Tiến sĩ Bruce Lipton (Mỹ).

“A quest for meaning” đã được công chiếu toàn thế giới cho hơn 250.000 người, được sự ủng hộ của hơn 800 tổ chức xã hội, phi lợi nhuận. Bắt đầu chiếu tại Việt Nam từ năm 2016, đã thực hiện 18 buổi chiếu tại TPHCM, Nha Trang, Hà Nội, Ninh Bình… bộ phim đã thu hút gần 1.000 lượt người Việt Nam xem phim, chỉ bằng nỗ lực của các cộng đồng mạng, với những người điều hành trẻ tuổi.

Lương Ngọc Tiên - sáng lập cộng đồng Medition in Sai Gon và là người hướng dẫn thực hành thiền với mục đích giúp cộng đồng sống tỉnh thức cho biết: “Bộ phim không có nhà sản xuất mà được gần 1.000 cư dân mạng góp tiền để hai “diễn viên” đồng thời là tác giả kịch bản, quay phim, dựng phim đã đi được suốt hành trình 6 tháng qua 3 lục địa.

Thế nên khi hoàn thành bộ phim, nhóm người trẻ này đã quyết định không bán vé hay phát hành phim theo cách truyền thống như đưa vào các cụm rạp chiếu mà khuyến khích mọi cộng đồng trên toàn thế giới chiếu miễn phí tới người xem”.

Nhân vật Marc nói trong bộ phim, "ổ cứng" của anh đã được “format” lại sau khi tiếp xúc với những con người và những dự án thay đổi thế giới từ đôi bàn tay, khối óc và trái tim của con người. “Đi tìm ý nghĩa” đã truyền cảm hứng rất lớn cho những ai muốn tìm cho mình một con đường để tạo nên thay đổi cho bản thân và xã hội.

Hoà Bình