Bị liệt nửa người, không nói được, Nguyễn Trọng Tạo từng “muốn chết”…

(Dân trí) - “Tôi như một người chết. Vô hồn. Cứ mê mê tỉnh tỉnh như thế, nhiều lúc chỉ… muốn chết. Có lúc nghĩ đến tự tử rồi lại mê man…”, nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhớ lại quãng thời gian đầy tuyệt vọng khi phải nằm bất động, mất cảm giác, mất tiếng vì tai biến mạch máu…

“Khi có chút ý thức, tôi đã muốn… tự tử”

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, cuối năm 2017, trong dịp về thăm quê ở Diễn Châu, ông bị đột quỵ vì tai biến. Tình trạng của ông lúc đấy bị nhận định là rất nặng, tiên liệu xấu, chảy máu não, huyết áp rất cao, lúc tỉnh lúc mê, liệt nửa người, không nói được…

Theo Nguyễn Trọng Tạo sau khi tỉnh lại trên giường bệnh, trong vòng 20 ngày đầu ông rất thất vọng khi bản thân không cử động, không tiếng nói, mất cảm giác toàn bộ. “Tôi như một người chết. Vô hồn. Cứ mê mê tỉnh tỉnh như thế, nhiều lúc chỉ… muốn chết. Nhưng khi có chút ý thức muốn tự tử, tôi cũng không đủ thời gian và sức khỏe. Có lúc nghĩ đến tự tử rồi lại mê man mất rồi…”, ông nói.

Nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể chuyện trở về từ cõi chết khi tai biến... (Ảnh: HBN)
Nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể chuyện trở về từ cõi chết khi tai biến... (Ảnh: HBN)

Tác giả bài thơ “Chia” kể lại: “Trong khoảng 20 ngày đầu, tôi thất vọng và chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng đến ngày thứ 21, tôi có cảm giác mình tỉnh lại và sẽ vượt qua được. Từ đấy, tôi ý thức mình còn sống. Rất lạ lùng là, các nhà chuyên môn nói tôi phát triển từng ngày một, rất là khác. Có những bệnh nhân khác bị trường hợp giống tôi, có khi phải mất cả năm mới tiến triển được như tôi. Các bác sĩ tin tưởng, tôi sẽ khỏe trở lại…

Tháng đầu chỉ ở trên giường, sang tháng thứ hai, tôi có thể ngồi xe lăn. Trong mấy ngày đầu, tôi di chuyển bằng xe lăn, sang ngày thứ 5 tôi thấy mình có thể tự đi lại được, không cần xe lăn nữa. Tôi chống gậy di chuyển. Tôi đi lại với chiếc gậy được 4 ngày, đến ngày thứ 5, tôi không thấy chiếc gậy đâu nên đi tìm. Tự nhiên, tôi đứng và đi lại được.

Sau đó, mỗi khi đi lại, con cháu lại mang cái gậy bên cạnh nhưng tôi kiên quyết… không dùng.”

Chị Thu Hương, con gái đầu của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, người đã túc trực chăm sóc bố trong thời gian bạo bệnh cũng chia sẻ rằng, những ngày đầu tỉnh dậy trên giường bệnh ông nói chuyện vô cùng khó khăn. Rất nhiều người thân, bạn bè, những người mến mộ đến thăm muốn trò chuyện cùng ông nhưng ông nói rất vất vả. “Bố tôi nói nhưng khẩu hình không rõ, mọi người không nghe được. Sau đó các bác sĩ cũng dặn dò, hạn chế bớt người vào thăm để bố tôi nghỉ ngơi, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị Thu Hương kể lại.

Sau cơn tai biến, Nguyễn Trọng Tạo cũng tích cực tập thể dục, uống, tiêm thuốc kết hợp với việc tập vật lý trị liệu cùng bác sĩ. Ông cũng dần đọc sách báo, viết thơ nhạc trở lại: “Mỗi đêm, tôi ngủ 6-7 tiếng. Nếu ngủ dậy mà không ngủ lại được thì tôi lại viết, lại đọc. Nếu mình không đọc sách báo, tự nhiên sẽ thấy trống trải, sẽ buồn. Đọc lại rất mệt, nhưng nếu không làm gì cả lại còn buồn hơn…”, ông bộc bạch.

“Khi sự sống lại thêm lần nữa được bắt đầu…”

Xuất hiện trong buổi giới thiệu đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” mới đây tại Hà Nội, vẫn phong thái “người thơ phong vận như thơ ấy” nhưng cũng dễ nhận ra sức khỏe của ông đã yếu, sự ứng biến mau lẹ, sắc sảo đã không còn.

Tuy nhiên, để được như hiện tại, đối với Nguyễn Trọng Tạo là sự may mắn, bởi như lời của các bác sĩ thì trong 1.000 người bị tai biến chỉ có một người là có thể bình phục như ông. "Ai cũng bảo Nguyễn Trọng Tạo là người may mắn. Đến bây giờ, có thể nói tôi đã thoát khỏi tay thần chết, thoát khỏi một cuộc sống quá khó khăn. Và cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục, tôi sẽ trở lại với những cảm xúc mới, thậm chí sống có cảm xúc hơn…", ông nói.

Nhà phê bình- nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ, gia đình và bạn bè ủng hộ Nguyễn Trọng Tạo thực hiện đêm nhạc tại quê nhà sau khi vượt qua lằn ranh sinh tử... (Ảnh: HBN)
Nhà phê bình- nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ, gia đình và bạn bè ủng hộ Nguyễn Trọng Tạo thực hiện đêm nhạc tại quê nhà sau khi vượt qua "lằn ranh sinh tử"... (Ảnh: HBN)

Hiện tại, Nguyễn Trọng Tạo vẫn sống ở căn hộ ở Linh Đàm gần nhà con gái, có thêm người cháu đến ở cùng để tiện việc trông nom. “Cứ đến bữa là gia đình con gái sang nấu ăn và vợ chồng, con cái ăn luôn ở nhà tôi. Chúng nấu ăn ở nhà tôi là muốn cho bố đỡ phải đi lại sang nhà chúng và cũng để bố vui”, vị nhạc sĩ vui vẻ “khoe”.

Ngồi bên cạnh Nguyễn Trọng Tạo, người bạn tri kỷ, nhà phê bình - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ vừa xúc động vừa hài hước: “Đấy bạn thân mà anh Trọng Tạo nhớ mãi mới ra… tên tôi. Ảnh hưởng sau tai biến vẫn còn. Giờ tôi cũng buồn khi không có người uống rượu cùng. Có uống cùng, chúng tôi cũng không “cùng dòng” nữa. Tôi vẫn uống whisky, còn anh Tạo uống… rượu vang”.

Bên cạnh tình cảm dành cho người bạn chí cốt, lời cảm ơn tới những bác sĩ đã cứu Nguyễn Trọng Tạo trở về từ cõi chết, Nguyễn Thụy Kha cũng nói hôm nay là ngày vui nhất trong cuộc đời ông khi thấy bạn mình khỏe mạnh trở lại, lạc quan thực hiện đêm nhạc “Khúc hát sông quê” để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 và cũng tri ân tình cảm bà con ở quê nhà Nghệ An vào tối 10/8 tới.

Đây là đêm thơ nhạc có thể nói là đáng nhớ nhất trong cuộc đời Nguyễn Trọng Tạo, “khi sự sống lại thêm lần nữa được bắt đầu”, như chính những vần thơ ông viết từ gan ruột và… dự cảm: “… Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/… mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió/ Có thương có nhớ có khóc có cười/có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi…”

Nguyễn Hằng

Ảnh: HBN