"Bi kịch" của chùa Một Cột

(Dân trí) - Quá nóng ruột về sự xuống cấp chùa Một Cột ngày càng nghiêm trọng, dự án trùng tu được lập 5 năm trước vẫn “đắp chiếu”, Đại đức Thích Tâm Kiêm gửi “tâm thư” lên UBND Hà Nội với nội dung sau 30 ngày nếu không có ý kiến sẽ tự tìm biện pháp…

Cứ mưa là trong nhà cũng như ngoài sân

Được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tổ, trải qua gần 1.000 năm, nhiều hạng mục trong chùa Diên Hựu - Một Cột đã xuống cấp nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh chùa, Đại đức Thích Tâm Kiên chỉ không xuể những hạng mục trong tam bảo, nhà mẫu, liên hoa đài đang “mắc bệnh” và cần được sửa chữa trong thời gian sớm nhất.

Mái ngói chùa Diện Hựu bị hư hỏng từ nhiều năm trước
Mái ngói chùa Diện Hựu bị hư hỏng từ nhiều năm trước

Nguyên nhân chính khiến sự xuống cấp của ngôi chùa này được Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, là do mái ngói của chùa đã bị hỏng nhiều phần. “Bất kể mưa to, mưa nhỏ tam bảo, nhà mẫu, liên hoa đài đều bị dột tứ bề. Vì vậy, nước thấm vào làm phần kết cấu gỗ của ngôi cổ tự này xuống cấp. Nhiều lần chúng tôi phải mặc áo mưa, đội nón cho phật khỏi ướt”, thầy Kiên bùi ngùi nói.

Nhiều trận mưa to biến chùa Diên Hựu - Một Cột  thành biển nước mênh mông. Chùa nằm ở vị trí lòng chảo, mỗi khi mưa to, khuôn viên chùa trở thành một hồ chứa nước và là nơi hứng chịu bùn, rác dồn xuống. Thầy Kiên cho biết, khi chùa đã ngập, nhanh cũng phải mất 4-5 tiếng nước mới rút hết. Có trận mưa khiến cho chùa phải ngâm trong nước mất nửa ngày.

Đứng bên trong chùa, ngước lên mái, nhiều chỗ chúng tôi nhìn thấu cả trời xanh. Trải qua thời gian, mái ngói cũng bị xô lệch khắp nơi. Kết cấu gỗ của ngôi chùa do bị nước mưa thấm, mối mọt xâm lấn nên cũng bị mục ruỗng khá nhiều. Do nhiều lần bị ngâm trong biển nước, nên nền móng có cảm giác rất yếu. Vôi vữa của chùa Diên Hựu chỉ cần vỗ nhẹ là rơi lả tả xuống đất…

Trong “tâm thư” gửi UBND thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột, Thích Tâm Kiên có nhấn mạnh rằng: “Sau 30 ngày (tính từ 2/5), chính quyền không có ý kiến, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát trong mùa mưa bão. Tôi rất mong chính quyền sớm vào cuộc để ngôi chùa sớm được trùng tu tôn tạo”.

5 năm kêu cứu nhưng... vô vọng

Chia sẻ với chúng tôi về sự xuống cấp của ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và có giá trị văn hóa, lịch sử với người dân Thủ đô cũng như cả nước, Đại đức Thích Tâm Kiên không dấu nổi vẻ buồn rầu vì đã hàng chục lần ông gửi thư cho cơ quan chức năng chỉ rõ về sự xuống cấp nhiều hạng mục nhưng… vô vọng.

Gỗ của chùa Diên Hựu bị mục nát
Gỗ của chùa Diên Hựu bị mục nát

Ngày 20/4/2008, là lần đầu tiên Đại đức Thích Tâm Kiên lên tiếng về sự xuống cấp của ngôi chùa. “Nhiều hạng mục bị xuống cấp nên ngày đó, tôi có tờ trình lên UBND thành phố Hà Nội đề nghị để kiểm tra xem xét và có kế hoạch trùng tu tôn tạo. Tính đến nay đã hơn 5 năm, sự việc chùa xuống cấp đã được đồng bào phật tử, khách du lịch trong và ngoài nước bức xúc. Hiện trạng, cứ mưa to là tượng phật phải choàng áo mưa và sân chùa bị ngập úng khiến nhà chùa rất lo lắng khi mùa mưa bão sắp tới”, Đại đức Thích Tâm Kiên bày tỏ.

Vì lo cho sự xuống cấp của ngôi chùa nên hơn 5 năm qua, trước mỗi mùa mưa bão, Đại đức Thích Tâm Kiên đều gửi thư lên cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc khắc phục những hạng mục đã bị xuống cấp và sớm xem xét thực hiện dự án trùng tu lại. Trong thư, nhà chùa cũng chỉ mong UBND thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền quan tâm, nhanh chóng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cấp, ngành, các nhà khoa học… để nhanh chóng trùng tu, tôn tạo chùa Diên Hựu – Một Cột.

Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, chùa xuống cấp như vậy nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp gì rõ ràng để ngôi chùa sớm được trùng tu, tôn tạo. Chính vì vậy, nhà chùa buộc phải tiếp tục gửi “tâm thư” lên UBND thành phố Hà Nội. “Đây là di tích chung chứ không phải của riêng nhà chùa. Bản thân tôi làm đơn cũng chỉ mong chính quyền sớm vào cuộc đưa ra giải pháp để trung tu, tôn tạo chùa”, Đại đức Thích Tâm Kiên chia sẻ.

Năm 2009, UBND quận Ba Đình đã có quyết định tu bổ, tôn tạo Từ Tam quan đến Tam bảo, nhà thờ Mẫu, sân chùa, xây mới nhà tăng, phục chế nhà tổ tất cả các hạng mục của chùa Diên Hựu và giao cho Ban quản lý Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Sau đó gần nửa năm, UBND Hà Nội có đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích…

Từ đó đến nay, ngôi chùa vẫn xuống cấp, dự án cải tạo chùa vẫn “đắp chiếu”. Theo nhà chùa, lý do việc trùng tu, tôn tạo chùa đang bị vướng mắc ở khâu giải quyết thủ tục dự án. Nếu Nhà nước cho phép rất nhiều phật tử hảo tâm sẽ cùng với nhà chùa lo một nửa kinh phí, thậm chí là toàn bộ kinh phí.

Trước sự lên tiếng trên, mấy ngày qua lãnh đạo quận Ba Đình và địa bàn cũng xuống xem xét và chia sẻ với nhà chùa. Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, UBND quận Ba Đình có nói ngày 15/5 tới, quận sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cơ quan chức năng, nhà khoa học… để đưa ra quyết định cuối cùng.

Quang Phong

Dòng sự kiện: Chùa Một Cột kêu cứu