"Bên cầu biên giới" của Phạm Duy lần đầu "tái ngộ" khán giả

(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhạc sĩ Phạm Duy ra đi, chương trình "Tình khúc vượt thời gian" tháng 4 sẽ dành riêng để tưởng nhớ ông. Đồng thời, những ca khúc mới vừa được cấp phép như: Bên cầu biên giới, Mưa rơi... cũng sẽ được biểu diễn.

Phạm Duy (1921-2013) được xem như một trong những nhạc sĩ lớn nhất đã góp phần hình thành nền tân nhạc Việt Nam cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Văn Cao, Đoàn Chuẩn… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng nói: “Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ”.

Nhạc sĩ Phạm Duy được đánh giá là người có sức sáng tạo bền bỉ với khoảng 1.000 ca khúc đa dạng về thể loại như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca. Điều đặc biệt nhất là trong bối cảnh Việt Nam ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng văn hóa phương Tây thì ông luôn tôn vinh văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam, luôn giữ hồn Việt trên chất liệu âm nhạc Tây phương. Và nhắc đến Phạm Duy phải nói đến kho tàng khổng lồ các bài tình ca vì tình yêu là một đề tài lớn trong cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của ông.

Cố nhạc sĩ Phạm Duy
Cố nhạc sĩ Phạm Duy

Đêm nhạc Tình khúc vượt thời gian với chủ đề Tình ca Phạm Duy sẽ được tổ chức vào ngày 27/4 tới đây nhằm kỷ niệm 100 ngày ông ra đi, đồng thời cũng giới thiệu những tác phẩm thể loại tình ca tiêu biểu nhất của nhạc sĩ trong số hơn 100 ca khúc đã được cấp phép. Đặc biệt, những ca khúc vừa được phép phổ biến như Mưa rơi Bên cầu biên giới – bài hát đã tạo nên nhiều tranh cãi một thời – cũng sẽ được trình diễn với tiếng hát Hồng Hạnh, Hương Giang.

Phạm Duy yêu rất nhiều, rất mãnh liệt và những tình yêu đó ông đã lưu dấu trong những bản tình lãng mạn: Con đường tình ta đi, Tóc mai sợi vắn sợi dài,  Ngậm ngùi (thơ Huy Cận), Em lễ chùa này (thơ Phạm Thiên Thư), Nha Trang ngày về, Chuyện tình buồn (thơ Phạm Văn Bình)… được viết trong giai đoạn từ năm 1965 – 1968. Và khi người yêu tạ từ đi lấy chồng thì nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài “tình ca một mình” Nghìn trùng xa cách với những kỷ vật “vài cánh xương hoa, nằm ép trong thư, rồi cũng tan như bụi mờ, vạt tóc nâu khô, còn chút thơm tho, thả gió bay đi mịt mù”. Chương trình cũng sẽ giới thiệu một “bản nhạc tình giang hồ” (theo lời nhạc sĩ): Tiếng đàn tôi được viết năm 1947 tại chợ Đại Cống Thần – nơi ghi dấu cuộc tình của ông và một thiếu nữ rất đẹp tên Hiếu.

Nhạc sĩ Phạm Duy có rất nhiều bạn thơ tri kỷ đã cùng ông tạo nên những ca khúc nổi tiếng, nhà thơ Hữu Loan với Áo anh sứt chỉ đường tà, Đưa em tìm động hoa vàng của Phạm Thiên Thư, Còn chút gì để nhớ - Vũ Hữu Định… cũng sẽ được trình diễn trong đêm 27/4. Mỹ Lệ với giọng hát kỹ thuật cũng sẽ chuyển tải trọn vẹn sự mãnh liệt của tình yêu trong câu hát “đừng nhìn em nữa anh ơi” từ nốt trầm đột ngột lên nốt cao nhất với Kiếp nào có yêu nhau (thơ Hoài Trinh) - bài hát đã bắt nguồn từ mối duyên với chính nữ tác giả bài thơ luôn phảng phất trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy. 

Đêm Tình khúc vượt thời gian chủ đề Tình khúc Phạm Duy sẽ được diễn ra vào tối 27/4 tại Nhà hát Bến Thành – Tp HCM với sự tham gia của các nghệ sĩ: Elvis Phương, Hồng Hạnh, Lam Trường, Mỹ Lệ, Xuân Phú, Kasim Hoàng Vũ, Hương Giang, Tuấn Hiệp, Hồng Mơ, Vũ Bảo, Nhóm Lửa Việt...

Bình Yên