Bài 3: Bảo vệ giá trị văn hóa hay phát triển kinh tế?

(Dân trí) - Dù Thanh Hóa xem du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng với những gì đang diễn ra cho thấy kinh tế và du lịch đang có sự xung đột trái ngược nhau.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa việc phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bằng chứng là Thanh Hóa đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để chỉnh trang đô thị, sớm đưa Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch biển, đầu tư tôn tạo, sửa chữa di tích, quảng bá các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong vùng ra khu vực và thế giới, tổ chức thành công Năm du lịch Quốc gia… Tuy nhiên, từ thực tế đang diễn ra tại con đường du lịch xứ Thanh cho thấy chưa có sự hài hòa trong phát triển kinh tế và du lịch tại địa phương này.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục xin “xẻ thịt” núi Bền

Dọc con đường du lịch xứ Thanh, đoạn qua huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc rất đẹp và thơ mộng bởi 2 bên là những dãy núi đã trùng điệp, muôn hình muôn vẻ. Núi Ác rộng hàng trăm ha, cây cối xanh tốt gần như ôm trọn xã Hà Lĩnh (Hà Trung), một địa phương đang còn nhiều ngôi nhà ngói cổ kính, với những bức tường rêu xanh được làm bằng đá. Phía trước dãy núi là cánh đồng lúa rộng ngút ngàn.

Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xin xẻ thịt núi Bền
Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xin "xẻ thịt" núi Bền

Còn tại huyện Vĩnh Lộc, dãy núi Bền được xem là dãy núi đẹp nhất trong vùng với 29 ngọn, nơi đây có có ngôi chùa thiêng Linh Ứng, danh thắng Quốc gia Kim Sơn và vô số những di tích, danh thắng khác. Ngoài ra, trong dãy núi Bền còn có rất nhiều hệ thống hang động được phát hiện, có nhiều hang đã được đưa vào khai thác du lịch.

Nhưng giờ đây đứng ở dãy núi Bền, mới thấy ngọn núi này đang bị “tổn thương” khủng khiếp với 7 doanh nghiệp được cấp mỏ ngày đêm “xẻ thịt” núi. Và theo như tìm hiểu, hiện ngọn núi này đang có 3 doanh nghiệp xin thăm dò khai thác.

Đặc biệt, tại khu vực núi Bền ngày 18/5/2016, Công ty cổ phần AMD Group được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho công ty được thăm dò khoáng sản đá vôi chỉ cách đường khoảng 700m, thời gian là 2 năm kể từ ngày ký. Tuy nhiên, hơn 5 tháng sau, ngày 27/10/2016 Công ty cổ phần AMD Group đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định cho khai thác núi Bền với thời hạn 30 năm, tổng diện tích là 6ha.

Mặc dù có thời hạn 30 năm, nhưng công ty này mới đây lại tiếp tục có văn bản xin khai thác mở rộng tiếp 1,7 ha núi Bền, dù các ngành chức năng chưa xem xét nhưng công ty này liên tục có văn bản gửi các ngành, trong đó có Sở VH-TT-DL để xin được mở rộng.

Văn bản chỉ đạo một đằng, thực tế một nẻo

Ngày 29/5/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản 5862/UBND-CN gửi các cơ quan ban ngành về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến đá dọc QL217 qua 2 huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc.

Văn bản yêu cầu các mỏ khai thác đá phải thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp đảm bảo môi trường, thực hiện đúng cam kết, phương án trồng cây che chắn, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng.

“Đối với các cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ ven QL217, yêu cầu UBND huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông…

Yêu cầu rà soát các cơ sở sản xuất chế biến đá dọc QL217 để sắp xếp chuyển các cơ sở trên vào cụm công nghiệp và làng nghề…” - nội dung văn bản nêu rõ.

Cát sỏi vẫn đổ tràn lan trên con đường du lịch trọng yếu của tỉnh
Cát sỏi vẫn đổ tràn lan trên con đường du lịch trọng yếu của tỉnh

Thế nhưng, văn bản ban hành một đằng còn thực tế lại hoàn toàn ngược lại, tình trạng vận chuyển đá vẫn gây ô nhiễm môi trường, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông của các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ vẫn diễn ra. Các cơ sở chế tác đá vẫn chưa được đưa vào cụm công nghiệp hay làng nghề.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Có thể nói QL217 là tuyến đường du lịch trọng yếu, đi qua rất nhiều di tích như chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân, tuyến đường đi Thành Nhà Hồ… Thực tế con đường này đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác khoáng sản. Tuy nhiên Sở không phải là cơ quan cấp phép mà chỉ là cơ quan tham vấn.

“Chúng tôi có trách nhiệm khảo sát xem khu vực đó có di tích lịch sử văn hóa, hoặc có tác động tới di tích lịch sử văn hóa hay không. Nếu khu vực xin khai thác khoáng sản có di tích lịch sử văn hóa hoặc gây tác động chúng tôi sẽ có kiến nghị.

Trong trường hợp nếu khu vực khai thác không có di tích lịch sử nhưng có cảnh quan, tiềm năng phát triển du lịch, chúng tôi cũng sẽ có ý kiến nhưng ý kiến chỉ dừng lại ở mức độ tham vấn”, ông Thanh khẳng định.

Từ thực tế đang diễn ra tại con đường du lịch xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa cần có những hướng đi phù hợp, hài hòa trong phát triển kinh tế và bảo vệ, phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh để không phải hối tiếc với hậu thế sau này.

Bình Minh