Bài 1: Tan nát con đường du lịch xứ Thanh

(Dân trí) - Được xem là một trong những tuyến đường du lịch quan trọng bậc nhất của Thanh Hóa, nhưng Quốc lộ 217 đang bị phá nát cảnh quan, ô nhiễm môi trường bởi tình trạng khai thác đá, chế tác đá gây ra.

Năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2218/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 nhằm đáp ứng phương hướng và quan điểm phát triển du lịch của địa phương theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVI và Chương trình phát triển du lịch, sớm đưa Thanh Hóa vào Quy hoạch trọng điểm phát triển du lịch Quốc gia, làm cơ sở tiến hành điều chỉnh quy hoạch các địa bàn trọng điểm du lịch trong tỉnh; làm căn cứ xây dựng và thực hiện các kế hoạch dự án đầu tư và phát triển du lịch theo quy hoạch được phê duyệt phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cảnh quan biến dạng

Dù đã được phê duyệt và xác định là một trong những tuyến đường du lịch quan trọng bậc nhất của Thanh Hóa và của các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng tuyến Quốc lộ (QL) 217 nối từ QL1A (tại huyện Hà Trung) đến nước bạn Lào qua cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn) hiện đang bị “biến dạng” bởi tình trạng khai thác đá, chế tác đá diễn ra nhiều năm nay.

Những công trình khai thác đá nằm bên cạnh con đường du lịch của tỉnh Thanh Hóa
Những công trình khai thác đá nằm bên cạnh con đường du lịch của tỉnh Thanh Hóa

Và dù Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có mục “định hướng phát triển” nêu rất rõ về việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá…) phải gắn với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan môi trường. Không khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường QL để bảo vệ cảnh quan.

Thế nhưng, thực tế, mỗi ngày hàng đoàn xe tải hạng nặng chở đất đá phóng ầm ầm trên đường, bụi tung mù mịt, đường sá nhiều đoạn bong tróc, hư hỏng. Đặc biệt, tại địa bàn hai huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc, tình trạng khai thác đá tràn lan tại núi Ác Sơn (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và khu vực núi Bền (huyện Vĩnh Lộc) đang phá nát con đường du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Việc cấp mỏ khai thác đá tại 2 địa phương trên nằm ngay sát đường, có nơi chỉ cách khoảng 600 - 700m. Cả một khu vực núi đá đang bị 10 doanh nghiệp (đã được cấp phép) ngày đêm khoan đá, nổ mìn bụi bay mù mịt, tiếng máy sàng, nghiền đá ầm ầm, đinh tai nhức óc.

Lởm chởm những ngọn núi bị khai thác đá khiến cảnh quan bị biến dạng
Lởm chởm những ngọn núi bị khai thác đá khiến cảnh quan bị biến dạng

Đi dọc tuyến đường này qua huyện Cẩm Thủy và Bá Thước, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều mỏ, đất đá được khai thác sát QL 217, khiến cho cảnh quan thơ mộng với rừng xanh, núi đá đẹp lung linh mà theo nhiều người làm văn hóa nhận định “đây là con đường đẹp như tranh vẽ” đã và đang bị biến dạng nghiêm trọng, có thể bị “xóa sổ” trong nay mai.

Ô nhiễm môi trường

Việc khai thác đá sát QL 217 ngoài phá vỡ cảnh quan thì tiếng ồn và bụi trong quá trình nổ mìn, phá đá cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của người dân địa phương. Gần đây nhất vào ngày 24/8, hàng trăm người dân ở thôn 9, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc đã kéo ra đường chặn xe ra vào mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần AMD Group để phản đối việc doanh nghiệp này cho nổ mìn phá đá với khối lượng thuốc nổ lớn gây rung chấn mạnh, bụi bay tràn vào khu dân cư khiến nhà cửa rung lắc, môi trường bị ô nhiễm nặng.

Chính quyền địa phương đã phải vào cuộc nhắc nhở công ty áp dụng việc khai thác hiện đại, hạn chế nổ mìn, công ty này cũng đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân từ 100 - 200.000 đồng, đồng thời cam kết khai thác đúng quy định nên người dân mới đồng ý.

“Chúng tôi không đồng ý cũng không được vì mỏ đá đã được cấp, bà con chỉ mong muốn công ty khai thác đá phải tôn trọng người dân ở gần, thường xuyên tưới nước và hạn chế nổ mìn, nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối” - một người dân nói.

Đường du lịch bụi mù...
Đường du lịch bụi mù...

Không chỉ ô nhiễm từ nổ mìn, phá đá mà quá trình chế tác đá của làng nghề nằm sát QL 217 cũng đang trực tiếp góp phần “phá nát” con đường du lịch. Theo khảo sát của PV, dọc tuyến QL 217 từ km 11 đến km 13 đoạn qua xã Hà Lĩnh (Hà Trung) và xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc) có rất nhiều các cơ sở chế tác đá hoạt động, sản xuất nằm sát đường. Việc vận chuyển đá từ trong mỏ ra các cơ sở chế tác phát sinh nhiều bụi, đặc biệt là quá trình sản xuất, bụi đá bay mù mịt dọc đoạn đường hơn 2 km. Nhiều cơ sở sản xuất còn lấn chiếm QL 217, đổ chất thải, bột đá ngay sát đường.

Ngày 8/5 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc khảo sát, kiểm tra thực tế đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác, vận chuyển, sản xuất, chế biến đá đến văn hóa, môi trường và cảnh quan khu vực 2 bên QL 217 đoạn qua 2 huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc.

Cát sỏi, đất đá đổ tràn lan...
Cát sỏi, đất đá đổ tràn lan...

Qua khảo sát, Sở này nhận thấy hoạt động khai thác các mỏ đá, vận chuyển, sản xuất, chế biến đá tại đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, không gian, môi trường tự nhiên khu vực, gây mất an toàn giao thông QL 217.

Theo đó, Sở VH-TT-DL đã đề nghị Sở TN-MT báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện thực hiện nghiêm việc khai thác đá theo đúng thiết kế đã được phê duyệt; không quy hoạch, bổ sung quy hoạch, thăm dò, khai thác chế biến đá; không xem xét chấp thuận chủ trương thăm dò, khai thác khoáng sản khu vực núi 2 bên QL 217 qua huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc nói riêng và toàn tuyến QL 217 nói chung để “cứu” con đường du lịch xứ Thanh.

(Còn nữa)

Bình Minh