Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2012:

“Ai dám nói Dũng “khùng” rẻ tiền?”

(Dân trí) - “Những đạo diễn của dòng phim chính thống, hay còn gọi là phim nghệ thuật cứ ngồi khen nhau, trao giải cho nhau, rồi phủ nhận các đạo diễn dòng phim giải trí- tôi cho là không nên. Ai dám nói Vũ Ngọc Đãng, Dũng “khùng” rẻ tiền?”, Lê Hoàng bày tỏ quan điểm.

Cảnh trong phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Cảnh trong phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
 
Trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 2012, cuộc hội thảo “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà làm phim nước ngoài và các đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt Nam hiện tại như Lê Hoàng, Phi Tiến Sơn, Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Tuấn Dũng… Tại buổi hội thảo, các đạo diễn chia sẻ, bày tỏ quan điểm thẳng thắn trước những vấn đề tồn đọng đang kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt.
 
Đạo diễn Lê Hoàng đã có phần phát biểu dài về thực trạng của hai dòng phim, phim nghệ thuật và phim thương mại của Việt Nam. Theo đạo diễn Lê Hoàng, bấy lâu nay những nhà làm phim nhà nước, giới phê bình luôn có cái nhìn khinh rẻ, coi thường dòng phim thương mại, điều đó là một sai lầm.
 
“Chúng ta hãy thẳng thắn nhìn nhận, dòng phim thương mại những năm gần đây phát triển cực kỳ nhanh. Sự phát triển đáng ngưỡng mộ. Phim của họ được đầu tư cao, âm thanh, ánh sáng… được làm một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp.
 
Ví dụ, gần đây nhất là bộ phim Scandal của đạo diễn Victor Vũ. Tôi không xét đến nội dung của nó, hãy nhìn vào từng cảnh quay của Scandal, cảnh quay nào cũng đẹp, bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng. Quả thực, dòng phim thương mại đã có sức vươn dậy một cách đáng ngưỡng mộ”.
 
Theo đạo diễn Lê Hoàng nhìn, những đạo diễn trẻ của dòng phim thương mại như Victor Vũ, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng đã có sự tiến bộ vượt bậc qua từng bộ phim. “Từ bộ phim đầu tiên đến bộ phim mới nhất của Victor Vũ, của Vũ Ngọc Đãng… Họ đã có sự trưởng thành nhanh chóng, khác thường”.
 
Lê Hoàng nhìn thấy sự phát triển nhanh nhạy của các đạo diễn dòng phim thương mại
 
Lê Hoàng nhìn thấy sự phát triển nhanh nhạy của các đạo diễn dòng phim thương mại
Lê Hoàng nhìn thấy sự phát triển nhanh nhạy của các đạo diễn dòng phim thương mại
 
“Trong khi đó, những đạo diễn dòng phim chính thống, phim nhà nước hay còn mạo danh là đạo diễn phim nghệ thuật vẫn dậm chân tại chỗ. Sáng sáng chúng ta ngồi khen nhau, trao giải cho nhau, rồi phủ nhận những đạo diễn dòng phim thương mại, tôi cho là không nên.
 
Ai dám nói những đạo diễn như Vũ Ngọc Đãng, như Nguyễn Quang Dũng (Dũng “khùng”) là rẻ tiền? Tôi đã gặp họ, và thấy họ không hề rẻ tiền. Họ rất giỏi”, Lê Hoàng nhận định.
 
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng, mỗi đạo diễn của dòng phim chính thống có thể nhìn thấy những điều đáng học hỏi, cần học hỏi và nên học hỏi từ các đạo diễn trẻ của dòng phim thương mại.
 
Tư duy nhạy bén, chịu khó tìm tòi, nắm bắt thị hiếu, đầu tư mạnh tay cho thiết bị kỹ thuật hiện đại… đó là ưu điểm vượt bậc của các đạo diễn dòng phim thương mại. Chính nhờ sự nhạy bén, nhanh nhẹn, tìm tòi, những cái tên như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ đã làm sôi động hơn thị trường điện ảnh Việt Nam những năm gần đây.
 
Đáp trả lại ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn Phi Tiến Sơn lại cho rằng. “Cụ Nguyễn Du xưa có câu, “Mua vui cũng được một vài trống canh”, suy cho cùng, vai trò của nghệ thuật là để mua vui, nhưng mua vui được bao nhiêu “trống canh”, mua vui được trong bao lâu còn phụ thuộc vào từng người.
 
Ví dụ như Truyện Kiều của Nguyễn Du đã “mua vui” hằng trăm năm nay. Giá trị của mỗi tác phẩm là do thời gian thẩm định. Có những bộ phim làm bây giờ, một năm sau người ta có thể xem lại, 5 năm năm sau có thể xem lại, nhưng 10 năm sau xem lại người ta sẽ thấy khác.
 
Nếu điện ảnh Việt cứ đầu tư cho phim giải trí, phim thương mại, thử hỏi 10 năm nữa, khi nhìn lại toàn cảnh điện ảnh Việt sau một thập kỷ, chúng ta liệu thấy được điều gì? Hay chẳng có gì để nhìn lại?”
 
Lê Hoàng nhìn thấy sự phát triển nhanh nhạy của các đạo diễn dòng phim thương mại
"Hotboy nổi loạn" là bộ phim vừa có doanh thu cao, vừa được giới phê bình khen ngợi. Điện ảnh Việt Nam đang cần những bộ phim như thế này. Có những bộ phim vừa nghệ thuật, vừa đảm bảo được doanh thu. Đó không hề là "nhiệm vụ bất khả thi".

Hơn mười năm trở lại đây, trong tất cả những cuộc hội thảo của điện ảnh Việt, những câu chuyện về phim giải trí- phim nghệ thuật, phim nhà nước- phim tư nhân, phim xin tiền trợ cấp và phim sống bằng bán vé… luôn nóng bỏng trong các cuộc tranh cãi giữa các đạo diễn.
 
Giống như khi đạo diễn Lê Hoàng lên tiếng bênh vực phim thương mại, đạo diễn Phi Tiến Sơn lập tức phản biện, phim thương mại với giá trị nghệ thuật ít ỏi sẽ không thể là hướng đầu tư cho nghệ thuật đích thực.
 
Nhìn trên thực tế, Lê Hoàng có ý đúng của anh khi đánh giá sự phát triển nhanh nhạy của các đạo diễn dòng phim thương mại. Từ bộ phim Đẹp từng centimet đến Hotboy nổi loạn, Vũ Ngọc Đãng đã khác hẳn. Có thể chê Đẹp từng centimet nhảm nhí, “chỉ mua vui được nửa trống canh”, nhưng không thể chê những lời như thế với Hotboy nổi loạn.
 
Chính Vũ Ngọc Đãng cũng từng thừa nhận, “Sau bộ phim Đẹp từng centimet, báo chí đánh tơi bời, chê bai phim thảm hại, nhưng chính những lời chê bai ấy đã giúp tôi có được Hotboy nổi loạn sau này”.
 
Rõ ràng, vài năm sau, Vũ Ngọc Đãng đã khác hẳn, Nguyễn Quang Dũng đã khác hẳn, nhưng 10 năm sau Lưới trời, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho ra mắt Đam mê, không ít ý kiến cho rằng Đam mê là một bước lùi về nghệ thuật của Phi Tiến Sơn nếu mang ra so sánh với Lưới trời hay Vào Nam ra Bắc.
 
Không tìm thấy ở Đam mê những sự sắc sảo, gai góc của đạo diễn Phi Tiến Sơn...
Không tìm thấy ở Đam mê những sự sắc sảo, gai góc của đạo diễn Phi Tiến Sơn...

Như anh đã từng làm được ở Lưới trời từ 10 năm trước
... như anh đã từng làm được ở Lưới trời từ 10 năm trước
 
Chia sẻ tại buổi hội thảo, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có nói về sự xúc động của ông khi đi dự các liên hoan phim quốc tế nhìn thấy khán giả thế giới xếp hàng dài mua vé vào rạp xem phim Việt Nam.
 
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ, “Bất kỳ ai cũng thế thôi, cả tôi, cả anh Lê Hoàng khi ra thế giới, nhìn thấy trên cuốn sách giới thiệu phim của một LHP nào đó có chữ Việt Nam cũng xúc động rơi nước mắt”. Vì niềm tự hào, sự xúc động này, các nhà làm phim hãy cố gắng để có được những tác phẩm giá trị nhất.

Thương mại hay nghệ thuật, suy cho cùng, là ở bản thân tác phẩm ấy có tìm thấy sự đồng điệu về cảm xúc, về tư duy với số đông khán giả hay không. Có những bộ phim “mua vui” với tiếng cười hời hợt, nhưng cũng có những bộ phim “mua vui” bằng sự an ủi, đồng điệu từ sâu thẳm.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn khẳng định “Tôi đã nhìn thấy ở những Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ, cả những Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên… Những điều mới lạ, độc đáo, thách thức giới phê bình, thách thức cả thị hiếu khán giả. Hãy đặt niềm tin vào họ”.

 
Hiền Hương