1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

40 năm sống một mình với lá thư của người yêu

(Dân trí) - Khán giả không khỏi nghẹn ngào xúc động trước chuyện tình của nữ y tá ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, người phụ nữ bao nhiêu năm vẫn sống lẻ bóng chỉ bằng sức mạnh từ vỏn vẹn 4 bức thư của người đã mất. Hay người thương binh, cả cuộc đời chỉ có thể tưởng tượng ra gương mặt người vợ hiền…

“Người phụ nữ 43 năm sống một mình với lá thư của người yêu…”

Mối tình dang dở trong chiến tranh của liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm (quê ở Hải Dương, đơn vị Đại đội 506B, tiểu đoàn 704 đặc công Quảng Ngãi, hi sinh ngày 17/10/1974 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, hiện vẫn chưa tìm thấy mộ) với cô y tá Đỗ Ngọc Cẩm (năm nay 70 tuổi, quê ở Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) khiến nhiều người xúc động, rơi nước mắt.

Trong thời gian chiến đấu tại Quảng Ngãi, liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm đã gặp và yêu cô y tá Đặng Ngọc Cẩm, hai người quen nhau từ năm 1972 và đã hẹn ước sau khi thống nhất sẽ làm lễ cưới. Nhưng chiến tranh không phải trò đùa, người yêu của cô đã mãi mãi không bao giờ trở lại. Tất cả những gì cô giữ lại được là 4 bức thư chú gửi cho cô trong quá trình đi chiến đấu.

Cô y tá trẻ trung ngày nào giờ đã ở tuổi thất thập, 43 năm qua bà vẫn sống một mình chỉ bằng sức mạnh từ vỏn vẹn 4 bức thư của người đã mất. Những bức thư với dòng chữ quen thuộc bà Cẩm đang lưu giữ, màu mực đã nhoè theo thời gian…


Bà Cẩm 43 năm sống lẻ bóng....

Bà Cẩm 43 năm sống lẻ bóng....


.... nhờ vào 4 lá thư của người yêu đã mất

.... nhờ vào 4 lá thư của người yêu đã mất

Bà Cẩm đã nhờ người thân mang theo lá thư của người yêu ra Bắc với hi vọng có thể tìm được gia đình cho anh. Lần theo lá thư thời chiến, những người thực hiện cầu truyền hình trực tiếp tối ngày 26/7, “Dáng đứng Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã tìm về Quảng Ngãi, được nghe kể về mối tình dang dở, đầy xúc động.

“Chú Lâm đi bộ đội, chú ở nhà tôi. Chú rất điềm tính, rất giỏi về thơ. Viết thư cứ một đoạn là có thơ. Chính vì những lời thơ hay rồi mới thương nhau. Tình cảm lớn lắm”, bà Cẩm chia sẻ. Bà cũng bùi ngùi: “Hy vọng của anh ấy là trở về. Anh còn viết trong thư là: “Anh về sống lại ái ân/ Chim reo trên tổ, gà mừng dưới sân”. Nhưng mà anh không về. Anh nói vậy, mà anh không về…”. Người ra đi, lời hứa hẹn cùng nhau xây tổ ấm, hẹn nhau ra Bắc, anh cũng chưa thực hiện được…

Người yêu không còn, nhưng bà Cẩm vẫn đau đáu nguyện vọng gặp gia đình người yêu, muốn tìm lại người thân cho anh: “Rất là tội. Chiến đấu rồi hi sinh. Cái tên cũng mất, có còn gì nữa đâu”. Những thông tin về người yêu chỉ là tên Đỗ Ngọc Lâm, tên đơn vị và quê ở Hải Dương.


Bà đã thực hiện được nguyện vọng tìm gia đình cho người yêu đã mất

Bà đã thực hiện được nguyện vọng tìm gia đình cho người yêu đã mất

Nhờ chương trình, bà Cẩm đã tìm được gia đình cho liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm. Gia đình anh vẫn còn giữ những lá thư anh gửi về từ chiến trường miền Nam. Trong một số bức thư, liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm cũng kể chuyện về người yêu tại Quảng Ngãi của mình. Ký ức lại ùa về theo từng nét chữ đã nhòe theo năm tháng…

“Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy, nhà tôi không khóc, chỉ ngồi đỡ đẫn. Mỗi lần thắp hương, tôi vẫn khấn, nếu anh linh thiêng anh báo về, chờ, chờ mãi…”, ông Đỗ Đình Truy, em trai của liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm xúc động nhớ lại. Ông Truy cho biết, bao năm qua gia đình ông không biết tin tức gì về hoàn cảnh chiến đấu, hi sinh của người thân, nhưng những nén hương vẫn được thắp trong ngôi mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ với mong muốn tâm linh sẽ giúp anh Lâm trở về…

“30 năm nay mong làm sao có một thông tin nào để biết được anh mình nằm ở đâu”, tìm được tới nghĩa trang, đứng trước ngôi một đánh số 1/7, em trai liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm vỡ oà nước mắt.

“Cả cuộc đời tôi chỉ tưởng tượng ra khuôn mặt vợ”

Những năm 70, người dân xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, không ai là không biết đến mối tình đẹp của cặp vợ chồng thương binh Phạm Hữu Chung và Trịnh Thị Sín.

Ông từng là lính trinh sát thuộc Sư đoàn 305, binh chủng Đặc công bị địch bắn mù hai mắt trong trận chiến đấu bảo vệ chiến An Giang. Năm 1973, ông trở vể làng khi đã là thương binh nặng hạng ¼, mất hơn 90% sức khỏe. Còn bà Sín khi ấy mới ngoài 20 tuổi, rất cảm kích trước sự hi sinh anh dũng cho tổ quốc của những người lính trở về sau chiến tranh. Bà quyết định tham gia phong trào Chị em phụ nữ tình nguyện lấy thương binh. Chưa một lần biết mặt, chưa gặp gỡ tìm hiểu ấy vậy mà họ nên duyên vợ chồng. Người phụ nữ có dáng hình nhỏ nhắn, mảnh mai Đặng Thị Hồng yêu mến và nguyện sẽ chăm sóc cho ông suốt cuộc đời.

Cuộc đời thương binh Phạm Hữu Chung đầy hi vọng khi có cái nắm tay của người bạn đời...
Cuộc đời thương binh Phạm Hữu Chung đầy hi vọng khi có cái nắm tay của người bạn đời...

Thương binh Phạm Hữu Chung chia sẻ, sống với nhau mấy chục năm nhưng ông chỉ có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của vợ. “Lấy nhau được 43 năm, nhưng tôi chưa một lần được nhìn thấy mặt mũi vợ con. Tôi chỉ tưởng tượng rằng đẹp, da dẻ trắng trẻo, mắt vừa, nhìn rất tình cảm, mũi hơi cao, miệng cười cũng rất đẹp”, ông Chung dành những lời ngọt ngào cho người vợ hiền tần tảo.

Bà Sín cũng trải lòng: “Ông đi chiến đấu rất kiên cường, bị thương, về không nhìn thấy gì. Ông cũng mất tuổi xuân, không nhìn thấy vợ con”. Cuộc sống của vợ chồng thương binh nghèo cũng rất chật vật khi 5 đứa con lần lượt ra đời. Hai vợ chồng phải lấy củ khoai củ sắn thay cơm để nuôi các con ăn học…

Ông Chung hiểu nỗi lo toan vất vả chất trên vai người vợ tảo tần: “Tất cả lo toan thiếu thốn cũng là nhờ bà hết. Từ lấy củi rừng rồi 3 giờ sáng chở đi bán. Tôi đi chăn trâu, đi cầy bừa thì phải nhờ con biết đường dắt trâu…”

Với người thương binh già, giờ đây niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là gia đình. Ông bảo tất cả là nhờ vợ, không có bà chắc ông đã không sống được đến ngày hôm nay…

Nguyễn Hằng