Trường ĐH Y dược Cần Thơ được tự chủ về đào tạo

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Đại học Y dược Cần Thơ theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bắt đầu thực hiện từ năm học 2017-2018.

Với mục tiêu chung, phát triển Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thành trường đại học khoa học sức khỏe định hướng ứng dụng, với các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.

Theo đề án này nhà trường được quyết định chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chuẩn đầu ra mà nhà trường đã cam kết.

Cũng theo Đề án này, trường cũng tự quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ với các cơ sở đào tạo, cơ sở y dược trong và ngoài nước. Đồng thời khuyến khích nghiên cứu các đề tài, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ bằng các hợp đồng liên doanh, liên kết...

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của trường, có nhiệm vụ quyền hạn theo quy định. Hội đồng Trường bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng; Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017-2018 là 18 triệu đồng/sinh viên; năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/sinh viên; năm học 2019-2020 là 20,4 triệu đồng/sinh viên; năm học 2020-2021 là 21,6 triệu đồng/sinh viên.

Trường quyết định mức thu học phí đối với ngành đào tạo bác sỹ, dược sỹ, cử nhân theo nhu cầu xã hội trên cơ sở ký kết và không vượt quá mức trần học phí tương ứng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ, chuyên khoa II bằng 2,5 lần; thạc sĩ, chuyên khoa I, Nội trú bằng 1,5 lần mức học phí của chương trình nêu trên.

Ngoài ra, trường thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Mức thu từ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đề án nêu rõ: “Trường thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của trường để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học”.

Phạm Tâm