Hợp tác đào tạo quốc tế, đón đầu thị trường bán lẻ

(Dân trí) - Thị trường bán lẻ tiềm năng và hội nhập đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và thích ứng cao. Đó là lý do Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và Trường Đại học Bournemouth (Anh quốc) thống nhất hợp tác đào tạo chương trình quốc tế ngành bán lẻ. Theo đó, sinh viên sẽ học tại 2 trường và được cấp bằng quốc tế.

Hợp tác đào tạo quốc tế, đón đầu thị trường bán lẻ - 1

Tiến sỹ Alastair Morrison – Giám đốc Quản lý phát triển quan hệ đối tác quốc tế của trường Đại học Bournemouth (BU) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Xin ông giới thiệu đôi nét về trường Đại học Bournemouth?

Tiến sỹ Alastair Morrison: Trường ĐH Bournemouth mới thành lập từ năm 1992 nằm ở vùng biển miền nam nước Anh rất xinh đẹp, cách thủ đô London gần 2 tiếng đi tàu. Đây là một trong những trường đại học hàng đầu tại UK trong những lĩnh vực mới, mang tính ứng dụng cao.

BU hiện có 18,000 sinh viên, với 2,000 sinh viên quốc tế tới từ 130 quốc gia khác nhau. Định hướng của chúng tôi tập trung vào chất lượng giảng dạy, nghiên cứu hàng đầu và “employability” – (năng lực cạnh tranh cá nhân của sinh viên dựa vào hiểu biết, kĩ năng của bản thân, giúp tăng khả năng xin việc làm, và thành công trong nghề nghiệp).

Trong đó, với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên, BU cung cấp 1 loạt các chương trình thực tập (workplacement) cho sinh viên bậc Đại Học, Thạc sỹ, tại các công ty lớn tại UK, cùng sự hỗ trợ tích cực từ cổng thông tin hỗ trợ việc làm của trường, cùng các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đức, Đan Mạch, Hongkong, Thái Lan…

Hợp tác đào tạo quốc tế, đón đầu thị trường bán lẻ - 2

Được biết, BU đang triển khai hợp tác với trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Xin ông cho biết, nội dung của việc hợp tác này?

Tiến sỹ Alastair Morrison: Trước khi đi đến hợp tác giữa hai bên, BU đã làm việc với trường ĐH Ngoại Thương suốt hơn 1 năm qua với nội dung chủ yếu là tạo ra một ngành mới cho sinh viên đại học Ngoại Thương. Theo đó, sinh viên sẽ học 3 năm ở Việt Nam, sau đó sang học 1 năm ở BU tại Anh và được cấp bằng của trường BU ngành kinh doanh quốc tế, chuyên sâu về marketing và bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ.

Trong chương trình này, giảng viên của BU cùng xây dựng giáo trình và trực tiếp qua giảng dạy cùng với giảng viên của ĐH Ngoại Thương 100% bằng Tiếng Anh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác tổ chức khóa học mùa hè, tức là sinh viên đại học Ngoại thương có thể tham gia những khóa học ngắn hạn mùa hè tại BU.

Đồng thời, việc đào tạo và trao đổi kiến thức, kỹ năng với giảng viên, hợp tác nghiên cứu cũng được chúng tôi luôn được coi trọng trong mối quan hệ hợp tác này.

Hợp tác đào tạo quốc tế, đón đầu thị trường bán lẻ - 3

Vì sao BU lại lựa chọn ngành bán lẻ để hợp tác đào tạo với trường ĐH Ngoại Thương mà không phải là một ngành khác?

Tiến sỹ Alastair Morrison: Chúng tôi nhận thấy định hướng của trường ĐH Ngoại thương cũng như sinh viên có sự chuẩn bị nhất định cho ngành này. Ngoài những ngành cũ, ĐH Ngoại Thương cũng mong muốn mở những ngành mới cho sinh viên Việt Nam, phù hợp với thị trường lao động, xu hướng phát triển kinh tế xã hội.

Ngành bán lẻ đang phát triển. Sinh viên tốt nghiệp ngành đó có cơ hội tiềm kiếm việc làm thay thế những ngành phổ biến trước đây như tài chính, ngân hàng… Đây là một môi trường mới để các bạn sinh viên có thể phát triển nghề nghiệp.

Tôi cho rằng, hai bên có sự kết hợp khá ăn ý bởi BU là trường đại học có tiếng tại Anh Quốc về ngành bán lẻ này. Hai trường tìm thấy tiếng nói chung trong đó nên đã quyết định hợp tác tạo ra một ngành đào tạo có cơ hội làm việc hấp dẫn sau này.

Hợp tác đào tạo quốc tế, đón đầu thị trường bán lẻ - 4

Dự kiến chương trình đào tạo này mỗi năm sẽ ra lò khoảng bao nhiêu sinh viên?

Tiến sỹ Alastair Morrison: Chúng tôi dự kiến mỗi năm sẽ tuyển khoảng 70 - 80 sinh viên, trong đó các bạn có nguyện vọng sẽ sang học tại Bournemouth University ở U , nhận bằng cấp bởi ĐH Bournemouth.

Hợp tác đào tạo quốc tế, đón đầu thị trường bán lẻ - 5

Sự khác biệt căn bản nào giữa sinh viên đào tạo trong nước Việt Nam với sinh viên đào tạo liên kết nước ngoài, mà cụ thể là với BU là gì, thưa ông?

Tiến sỹ Alastair Morrison: Vì đây là chương trình quốc tế, nên sinh viên sau khi tốt nghiệp có kỹ năng hội nhập với môi trường kinh doanh quốc tế, bởi các bạn được đào tạo dưới hệ thống của hai quốc gia khác nhau, hai phong cách giáo dục khác nhau và hai thị trường bán kẻ khác nhau. Các bạn có khả năng thích nghi cao cũng như suy nghĩ phản biện, một yếu tố rất quan trọng trong môi trường quốc tế.

Tất nhiên, khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát là một lợi thế vượt trội. Nhưng quan trọng hơn là chương trình đào tạo, những trải nghiệm học tập tại BU sẽ giúp các bạn nâng cao sức cạnh tranh cá nhân, thích ứng với mọi loại hình công việc trong những môi trường kinh doanh khác nhau, cả ở UK, Việt Nam và bất cứ một quốc gia nào khác…

Xin cảm ơn ông và xin chúc cho sự hợp tác giữa 2 trường đại học thành công!

Bournemouth University nằm trong top 200 trường ĐH có xu hướng hợp tác quốc tế hàng đầu thế giới, với các chuỗi chương trình như “GFOL – Global Festival of Learning”, để tìm hiểu, chia sẻ các nghiên cứu lý thuyết và áp dụng thực tiễn tại UK cũng như các quốc gia khác, ví dụ như ASEAN và Việt Nam.

BU luôn thúc đẩy mạnh các chương trình hợp tác tại địa phương. Tại Việt Nam, BU có chương trình hợp tác ưu đãi cho sinh viên học chuyển tiếp từ đại học Kinh tế Luật TPHCM, và mới đây là ĐH Ngoại Thương.

Ngoài ra, BU và ĐH Ngoại Thương còn hợp tác sâu rộng trong trao đổi sinh viên, đào tạo giảng viên, hợp tác nghiên cứu. Đặc biệt, 2 trường ĐH đang trong quá trình xây dựng chương trình chung, tuyển sinh và đào tạo sinh viên ngành kinh tế, tập trung vào mảng quản trị bán lẻ và marketing.

Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế, sinh viên Việt Nam dễ dàng chọn lựa UK và Bournemouth là một điểm đến cho giáo dục, BU cung cấp nhiều học bổng giá trị, từ 25% - 50% cho sinh viên Việt Nam, trong tất cả cách ngành học tại trường.

Hà Thu