Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh THCS, THPT: Tháo gỡ khó khăn cho cơ sở

(Dân trí) - Từ thực tiễn, các cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, đặc biệt những trường số học sinh đăng ký quá nhiều so với chỉ tiêu đã thể hiện sự vui mừng trước thay đổi của Bộ GD&ĐT thể hiện ở dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tôi ủng hộ dự thảo sửa đổi "Thông tư 11"!

Dự thảo Thông tư sửa đổi nói trên có một quy định được rất nhiều trường quan tâm, đó là: "Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh."

Là hiệu trưởng một trường hàng năm có rất nhiều học sinh đăng ký vào học lớp 6, trường Marie Curie (Hà Nội), nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nêu quan điểm: Tôi rất quan tâm và ủng hộ việc sửa đổi nói trên!

Nói về những văn bản hiện hành: Thông tư số 11/2014/BGDDT ngày 18/4/2014, quy định tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển; Chỉ thị số 5105/CT-BGDDT ngày 3/11/2014 nêu rõ: "Không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”; Công văn số 1258/BGDDT-GDTrH ngày 17/3/2015 cũng yêu cầu: "Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng: chỉ đạo của Bộ GD&DT cụ thể như vậy nên ba mùa tuyển sinh (năm 2015, 2016, 2017) vừa qua, các trường trên toàn quốc chỉ xét tuyển học sinh vào lớp 6.

Các "lò luyện thi" Toán, Tiếng Việt... để chạy đua vào lớp 6 một số trường "hot" cũng vì thế không còn nữa - đó là một hiệu quả tích cực!

Tuy nhiên, để tuyển học sinh vào lớp 6, các trường "hot" phải định ra các tiêu chí phụ: học sinh có giải các cuộc thi văn hoá, văn nghệ, thể thao cấp quận, thành phố, quốc gia, quốc tế; chứng chỉ tiếng Anh của các Trung tâm ngoại ngữ... Thành ra, thay vì thi tuyển sinh ở một trường nào đó, bố mẹ lại dắt con đi thi đủ các loại kỳ thi khác nhau suốt năm, nhằm tích luỹ các "giải", các "chứng chỉ"... Thậm chí không đạt "giải" thì... "chạy giải"! Cũng có trường tính đến phương án... "bốc thăm"!

“Từ xưa đến nay, tuyển người vào việc gì đó thường có ba cách: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Cứ để "tự nhiên" cả ba cách tuỳ thuộc tình hình thực tế từng nơi, từng lúc mà vận dụng. Cấm một cách nào đó sẽ "được" cái này nhưng sẽ "mất" cái khác!” - nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho hay.

Học sinh ở TPHCM tham gia kỳ khảo sát năng lực vào lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2017-2018.
Học sinh ở TPHCM tham gia kỳ khảo sát năng lực vào lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2017-2018.

Cần quy định chi tiết hơn về chế độ ưu tiên

Là người đứng đầu ngành Giáo dục quận Cầu Giấy - nơi có khá nhiều trường THCS uy tín, học sinh đăng ký luôn đông hơn chỉ tiêu, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, sửa đổi của Bộ GD&ĐT là phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Theo quy định hiện hành, thực hiện xét tuyển vào THCS, điều này có ưu điểm là giảm tải cho học sinh, phụ huynh; ngăn chặn các trường hợp thức hóa dưới hình thức kiểm tra, xếp lớp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Anh, hiện nay, Luật Thủ đô cho phép thành lập trường chất lượng cao, trong đó có khối THCS. Trường chất lượng cao không quy định tuyến tuyển sinh như trường công lập làm nhiệm vụ phổ cập và được phép tuyển sinh trong toàn quận. Do đó, số hồ sơ nộp vào trường này hàng năm luôn gấp nhiều lần chỉ tiêu. Một số trường ngoài công lập có uy tín cũng rơi vào tình trạng như vậy.

“Không được kiểm tra đầu vào, chỉ dựa trên hồ sơ và thành tích học sinh có ở tiểu học sẽ vô cùng khó khăn cho các trường này. Cùng chủ trương tinh giảm các cuộc thi, nên hồ sơ học sinh tiểu học chỉ có duy nhất học bạ. Trong khi đó, các em nộp vào trường chất lượng cao chủ yếu có thành tích hoc tập tốt nên phân loại rất khó.

Từ khó phân loại về học bạ, các trường tìm cách lấy thêm các tiêu chí khác để đưa vào xét bổ sung, như thành tích các cuộc thi, tham gia các hoạt động; thậm chí tiêu chí là lớp trưởng, chi đội trưởng cũng được đưa vào vì không còn tiêu chí nào khác.

Thực tế tuyển sinh ở những trường học sinh đăng ký đông, số bằng điểm nhau rất nhiều. Ví dụ, có trường hợp, nếu lấy 240 điểm có khoảng 100 học sinh, nhưng tăng lên 241 điểm thì chỉ còn 10 học sinh. Như vậy, lấy mức điểm 240 thì thừa, lấy lên đến 241 lại thiếu. Trường hợp đó năm nào cũng xảy ra” – ông Phạm Ngọc Anh chia sẻ.

Từ thực tế này, Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy nhất trí với Thông tư sửa đổi và cho rằng, nếu đi vào thực tiễn, đây sẽ là quy định tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Ngọc Anh, Thông tư sửa đổi cần lưu ý về chế độ ưu tiên; đặc biệt đối tượng học sinh đoạt giải về văn nghệ, thể dục, thể thao.

“Nhiều hiệp hội hằng năm có tổ chức các cuộc thi về thể thao. Do đó cần quy định chặt chẽ hơn về chế độ ưu tiên; nói cụ thể đơn vị chủ quản tổ chức cuộc thi này” – ông Phạm Ngọc Anh đề nghị.

Liên quan đến băn khoăn có thể sẽ nảy sinh tiêu cực về luyện thi, dạy học thêm, ông Phạm Ngọc Anh cho biết, cần phải có cơ chế kiểm soát, giám sát. Cơ chế này do các Sở GD&ĐT quy định cụ thể, chi tiết hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, căn cứ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Hiếu Nguyễn