Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng cho vừa?

Năm 2018, thí sinh vẫn được phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng năm 2017, gần 50% thí sinh đã phải thay đổi nguyện vọng, cho thấy thí sinh phải cân nhắc kỹ.

Hằng năm, số lượng thí sinh (TS) dự thi THPT quốc gia có đăng ký dùng kết quả thi của mình để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khối ngành sư phạm xấp xỉ 75%. Trong kỳ xét tuyển 2018 TS phải đồng thời nộp phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) với đăng ký dự thi (ĐKDT), được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) và có thể điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các NV này sau khi biết điểm thi.

Gần 35% thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng

Trong đợt ĐKXT khi ĐKDT năm 2017, dù được phép đăng ký không giới hạn số lượng NV nhưng phần lớn TS cũng chỉ ĐKXT khoảng 3-4 NV (640.425 TS đã đăng ký tổng cộng 2.555.025 lượt NV, trung bình mỗi TS có 4 NV).

Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng cho vừa? - 1

TS vẫn có xu hướng ĐKXT vào các trường ĐH công lập lớn. 20 cơ sở giáo dục (trong đó có 2 ĐHQG và 3 ĐH vùng) đã chiếm hơn phân nửa tổng số lượt NV của TS, trong đó Trường ĐH Công nghệ TP HCM là trường tư thục duy nhất.

Thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia 2018 tại TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia 2018 tại TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Mười nhóm ngành được đăng ký nhiều nhất gồm: Kinh doanh, ngôn ngữ - văn hóa nước ngoài, đào tạo giáo viên, luật, y học, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí, nhân văn, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, máy tính. Ngành y đa khoa chiếm tỉ lệ áp đảo đến 98% trong tổng số TS ĐKXT vào nhóm ngành y học. Lượng TS đăng ký NV1 vào 10 nhóm ngành này chiếm tới 50% số TS đăng ký cả nước.

Có tới trên 80% số NV ĐKXT theo các tổ hợp truyền thống (khối A, A1, B, C, D1 cũ), 1/3 trong số đó là khối A (toán - lý - hóa). Tiếp theo là khối D1 (toán - văn - Anh), khối C (văn - sử - địa), khối A1 (toán - lý - Anh), khối B (toán - hóa - sinh). Khối C chiếm 15% lượng đăng ký, tăng so với những năm gần đây.

Không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Với quy định xét tuyển 2018 gần như không thay đổi so với năm 2017 (ngoài những điều chỉnh về làm tròn điểm xét tuyển, giảm 50% ưu tiên khu vực và không có mức điểm sàn xét tuyển chung), dự báo xu hướng ĐKXT và đăng ký NV của TS sẽ không khác nhiều so với năm 2017.

Đề án tuyển sinh của các trường ĐH đã công bố cho thấy dù TS thi theo bài thi nhưng các trường vẫn tiếp tục xét tuyển chủ yếu theo các khối thi truyền thống. Chỉ một số ít ngành có xét tuyển theo bài thi nhưng điều này chưa thật sự hấp dẫn TS vì để có cơ hội trúng tuyển cao nhất, TS phải dùng tổ hợp môn có điểm cao nhất của mình, nếu dùng điểm của cả bài thi thì có thể lợi thế này sẽ giảm.

Trong tổ hợp môn xét tuyển năm nay xuất hiện một số tổ hợp "tréo ngoe" ở một số ngành tại một vài trường, như ngành kiến trúc nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn năng khiếu hoặc nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật nhưng lại xét tuyển tổ hợp các môn khối C hoặc tổ hợp văn - sử - giáo dục công dân... Tuy nhiên, dự đoán sẽ không nhiều TS ĐKXT theo các tổ hợp "tréo ngoe" đó, vì để học tốt ngành trúng tuyển, TS không chỉ nên dùng môn thi có điểm cao mà còn phải là môn gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.

Đăng ký nhiều NV hoàn toàn không có nghĩa là tăng khả năng trúng tuyển, do vậy TS không cần đăng ký quá nhiều NV. Cần lưu ý dù các trường ĐH phải xét tuyển tất cả NV mà TS đã đăng ký bình đẳng như nhau (ngoại trừ các trường thuộc khối công an, quốc phòng TS bắt buộc phải đăng ký NV1), để có cơ hội trúng tuyển vào ngành mình mong muốn nhất, TS cần phải đặt ngành này là NV1, vì nếu đã trúng tuyển một NV ở trên trong danh sách các NV đã đăng ký, TS không được xét tiếp.

300.000 TS phải thay đổi nguyện vọng

Sau khi điểm thi THPT quốc gia 2017 được công bố, đã có hơn 300.000 TS điều chỉnh, thay đổi, bổ sung NV của mình so với đăng ký ban đầu, phần lớn chọn phương thức trực tuyến (có nghĩa là không tăng thêm số NV). Số TS điều chỉnh NV chiếm gần 50% TS có ĐKXT ĐH nhưng lại đến hơn 74% số TS có điểm thi trên mức điểm ngưỡng xét tuyển được quy định cho năm 2017 là 15,5 điểm tổng 3 môn xét tuyển. Điều này cho thấy TS hoặc chưa cân nhắc kỹ trước khi ĐKXT hoặc cũng có thể kết quả thi thực tế khác nhiều so với dự kiến ban đầu nên TS cần phải điều chỉnh NV để tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo Nguyễn Đức Nghĩa

Người Lao Động