“Chạy” giải thưởng để vào trường top: Bố mẹ muốn con trở thành người thế nào?

(Dân trí) - “Chạy” giải thưởng cho con để được cộng điểm khi xét tuyển vào những trường cấp 2 có tính cạnh tranh cao, phụ huynh có thể đạt được mục tiêu con vào ngôi trường mơ ước. Nhưng khi làm điều đó, phụ huynh cũng phải trả một cái giá không nhỏ, đó chính là sự phát triển nhân cách của con.

PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, mùa tuyển sinh 2015- 2016 và 2016-2017, mỗi năm, trường THCS Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1.000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.

Vì cả nghìn hồ sơ nộp vào đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600 nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để chọn lọc. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thể dục thể thao, giấy chứng nhận ngoại khóa…

Thầy Cương cũng đã nghe một số phụ huynh kể rằng, họ “trang bị” cho con giải thưởng từ các cuộc thi với mục đích con được cộng điểm ưu tiên và có cơ hội vào trường với hình thức xét tuyển.

Phải nói rằng, với tâm lý coi trọng việc học hành, các phụ huynh luôn muốn con mình được vào học những trường được coi là top đầu. Và không có gì khó hiểu khi phụ huynh luôn tìm cách “tận dụng” quy định của Bộ GD-ĐT để đạt được mục đích của mình. Vậy nên, trước quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 để giảm căng thẳng học thêm, thi cử cho học sinh, phụ huynh lại chuyển sang “chạy đua” trong các cuộc thi ngoại khóa để có được điểm ưu tiên trong xét tuyển.

Cơ chế xét tuyển và ưu tiên thành tích ngoại khóa khi xét tuyển vào lớp 6 được đưa ra với mục đích giảm căng thẳng thi cử cho học sinh thì vô hình trung lại “tiếp tay” cho tình trạng “chạy” giải thưởng. Phụ huynh đôn đáo “chạy” giải thưởng cho con, có trường hợp đứa trẻ không biết bơi mà vẫn có giải bơi lội”, không biết chơi cầu lông nhưng có giải cầu lông!

Nhưng dù con có vào được trường top, bố mẹ toại nguyện hả hê thì người chịu thiệt nhất về lâu dài chính là đứa trẻ.

Trong một bài báo mới đây, TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định, việc “mua giải” sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ. “Chúng ta sẽ dạy các con trung thực như thế nào khi chính bố mẹ gian lận?”, TS Hương đặt câu hỏi.

Việc phát triển của một đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà trường lớp chỉ là một trong số đó. Không phải cứ vào được ngôi trường top đầu là bố mẹ có thể “ung dung” con sẽ trở nên giỏi giang. Việc con vào học được trường cấp 2 top đầu có thể là một nấc thang thuận lợi trong phát triển của trẻ, nhưng có ích gì khi trẻ biết được rằng mình và bố mẹ đã gian lận để được vào ngôi trường này. Trong khi trung thực là một tính cách quan trọng cần bồi đắp cho trẻ, thì bố mẹ đã “nhắm mắt làm ngơ” để đạt được mục tiêu trước mắt.

Nữ tác giả người Mỹ Louise L. Hay (sinh năm 1926, top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) dạy rằng: “Giá trị chính yếu của tính trung thực là, điều gì chúng ta cho đi, chúng ta sẽ nhận lại điều ấy”. Bà Louise cũng khẳng định: “Khi chúng ta lấy thứ gì đó không phải của mình, chúng ta hầu như luôn mất đi thứ đáng giá hơn”.

Khi “chạy” giải thưởng để con được vào trường top, các ông bố bà mẹ có biết mình sẽ mất thứ gì? Và nếu biết rằng mình sẽ mất đi thứ khác đáng giá hơn, liệu các phụ huynh có còn quyết tâm tìm cách “chạy” giải thưởng cho con?

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Góc suy ngẫm