Viện Kiểm nghiệm VSATTP bảo vệ người tiêu dùng như thế nào?

(Dân trí) - Trong bối cảnh ngày càng phát hiện nhiều thực phẩm kém an toàn,nhiều câu hỏi được đặt ra về vai trò của cơ quan chức năng.Trên thực tế, Viện Kiểm nghiệm VSATTP đã chủ động tìm kiếm các yếu tố nguy cơ, phối hợp với cơ quan chức năng định danh các chất độc hại trong thực phẩm trong các năm qua.

 

Viện Kiểm nghiệm VSATTP bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? - 1

Tổng số mẫu kiểm nghiệm tăng mạnh theo từng năm

Với nhiệm vụ kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến sản xuất thực phẩm trong nước và nhập khẩu, thực hiện vai trò trọng tài cấp quốc gia trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động kiểm nghiệm dịch vụ theo nhu cầu của các cá nhân, tổ chức của Viện đã không ngừng phát triển.

Cụ thể, nếu năm đầu thành lập (2009), số mấu kiểm nghiệm dịch vụ theo nhu cầu của các cá nhân, tổ chức là 750 mẫu/năm thì đến hết năm 2014 đã lên đến 2200 mẫu/năm.

Số mẫu kiểm nghiệm thanh tra phục vụ công tác quản lý nhà nước từ 40 mẫu/năm tăng lên đến 100 mẫu/năm với 2000 chỉ tiêu kiểm nghiệm.

Đối với hoạt động kiểm nghiệm phục vụ công tác kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu: số mẫu kiểm tra là 1.100 mẫu/năm, năm 2014 số mẫu đã tăng lên đến 4.000 mẫu/năm với tổng số hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu là 2400 hồ sơ/năm và số mẫu lấy kiểm tra đánh giá là 4.000 mẫu/năm.

Tính đến hết năm 2014, hoạt động giám sát chất lượng an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, Viện đã thực hiện kiểm nghiệm 4.686 mẫu giám sát đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm trên nhiều đối tượng thực phẩm khác nhau.

Năm 2012, Viện được chỉ định là đơn vị kiểm tra nhà nước về thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi với 93 chỉ tiêu kiểm nghiệm.

Đặc biệt trong năm 2014, Viện được công nhận là phòng thử nghiệm chỉ định phục vụ công tác quản lý nhà nước theo Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT- BYT - BCT- BNNPTNT với 178 chỉ tiêu trong đó có 23 chỉ tiêu Vi sinh và 155 chỉ tiêu Hóa.

Còn tính riêng năm 2015 (đến tháng 11/2015), Số mẫu kiểm nghiệm dịch vụ theo nhu cầu của các cá nhân, tổ chức đã lên tới gần 8.000 mẫu; số mẫu kiểm nghiệm phục vụ công tác thanh tra, giám sát, ngộ độc: 440 mẫu, với 2103 chỉ tiêu; số hồ sơ, mẫu kiểm nghiệm về kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu: 2.662 hồ sơ lấy 5226 mẫu, với 3897 chỉ tiêu.

Như vậy sau 05 năm Viện hình thành và phát triển, kết quả kiểm nghiệm đã có sự thay đổi đáng kể: Mẫu kiểm nghiệm thường xuyên tăng gấp gần 10 lần; Mẫu thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngộ độc tăng 4 lần; Mẫu kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu tăng 5 lần.

Viện Kiểm nghiệm VSATTP bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? - 2

Phát hiện nhiều mẫu không đạt yêu cầu

Theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm VSATTPQG, Viện đã tham gia cùng với hơn 100 đoàn thanh kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm như: dịp Tết nguyên đán, tháng hành động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong dịp Tết Trung thu…

Với hơn 1.200 mẫu kiểm nghiệm gần 20.000 chỉ tiêu, Viện đã phát hiện một số chỉ tiêu mới không đảm bảo an toàn thực phẩm. Điển hình là vụ kiểm nghiệm trà sữa trân châu năm 2009 tìm ra hàm lượng chất bảo quản benzoic, sorbic, đường hóa học vượt giới hạn cho phép, hay nghiên cứu phát hiện một số loại thực phẩm chứa chất độc hại như DEHP, Rhodamin B, Phẩm mầu kiềm tính, Sibutramine.

Riêng trong năm 2015 đã phát hiện 2/6 mẫu nước uống đóng chai không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật P.aeruginosa, riêng các mẫu đóng bình đều có hàm lượng Clorit vượt quá giới hạn cho phép.

Viện Kiểm nghiệm VSATTP bảo vệ người tiêu dùng như thế nào? - 3

Liên tục xử lý nhiều vụ việc đột xuất

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm nghiệm mẫu thường xuyên, Viện đã tham gia thực hiện rất nhiều các hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu sự vụ đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Y tế.

Cụ thể, năm 2007, Viện kiểm nghiệm phát hiện thực phẩm nhiễm Vibrio cholerae gây tiêu chảy cấp. Năm 2008, Viện kiểm nghiệm phát hiện melamin (protein (protein giả) trong sữa gây bệnh sỏi thận cho trẻ em. Năm 2010, Viện nghiên cứu, kiểm nghiệm các vấn đề về: “mực cao su”, sữa có chứa hocmon giới tính, rượu giả, trứng gà giả, Bisphenol A trong bao bì thực phẩm ảnh hưởng đến hệ sinh sản, sibutramine trong TPCN….

Đặt biệt, năm 2011, Viện kiểm nghiệm về vấn đề sản xuất các túi nylon ống hút mất vệ sinh, histamine trong cá và sản phẩm thủy sản, tồn dư hoócc môn kháng sinh trong thịt gà Trung Quốc…

Viện kiểm nghiệm phát hiện chất tạo đục DFHP, DINP trong nước giải khát, tồn dư khánh sinh trong thịt, thủy sản… năm 2012 và năm tiếp theo, Viện kiểm nghiệm phát hiện độc tố vi nấm và phèn nhôm trong hạt hướng dương, chất phát quang trong bún, chất aldicarb trong gừng…

Năm 2014, Viện lấy mẫu kiểm nghiệm mẫu cá tại các ao hồ tại Hà Nội nghi nhiễm kim loại nặng, kiểm nghiệm các mẫu thịt, trứng, gạo có màu đỏ tại một số vùng biên giới giáp với Trung Quốc; các mẫu đào nghi được làm sạch bằng xà phòng, các mẫu giò ở Quảng Ninh nghi có chất phát sáng. Ngoài ra, Viện còn kiểm nghiệm các mẫu ngộ độc thực phẩm như: ngộ độc nấm tại Cao Bằng, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể…

Mới đây nhất, Viện thực hiện lấy và kiểm nghiệm một số mẫu đồ nướng tại các cổng trường học ở Hà Nội nghi chứa morphin, codein.

Có thể nói, những phát hiện chuyên môn của Viện là thông tin rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và đảm bảo an ninh xã hội về lĩnh vực thực phẩm.

Thuý Hồng