Ung thư cổ tử cung - Đừng chủ quan!

UTCTC là một trong số ít những bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Biện pháp phòng ngừa lại không quá phức tạp. Để phòng ngừa căn bệnh này chị em phụ nữ có thể chủng ngừa để phòng lây nhiễm virus HPV, đồng thời khám phụ khoa tầm soát UTCTC định kỳ hàng năm.

Một khảo sát về nhận thức của phụ nữ Châu Á về phòng ngừa ung thư cổ tử cung gần đây cho thấy, khi nói đến Ung thư cổ tử cung (UTCTC), đa số phụ nữ đều nói rằng họ biết đến căn bệnh hiểm nghèo này nhưng phần lớn lại cho rằng mình không có nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ đó đối với con gái lứa tuổi vị thành niên thì còn thấp hơn 1. Trên thực tế, đây là căn bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao trong số các bệnh ung thư phụ khoa ở phụ nữ. Mỗi ngày tại Việt Nam, có 14 phụ nữ phát hiện mắc UCTCT và 7 người chết vì căn bệnh này 2. Thế nhưng rất nhiều người vẫn nghĩ rằng bệnh không “đụng tới” mình và chưa biết cách chủ động phòng bệnh.

Ung thư cổ tử cung - Đừng chủ quan! - 1

Những suy nghĩ chủ quan
 
Khi nói đến ung thư thì ai cũng sợ, nhưng không phải ai cũng biết về nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung và nguy cơ đối với bản thân. Chị Yến, 37 tuổi, nhân viên bưu điện cho biết: “Bệnh này nghe thì cũng sợ, nhưng tôi chỉ quan hệ 1 vợ 1 chồng, giữ gìn vệ sinh tốt thì sẽ phòng tránh được thôi. Chỉ những người không biết giữ vệ sinh, hay sinh hoạt tình dục bừa bãi mới đáng lo. Hơn nữa, trong gia đình tôi trước giờ không ai bị UTCTC, nên tôi không nghĩ mình có nguy cơ”.
 
Khác với chị Yến, Chị Đào, 48 tuổi, quản lý nhân sự của một công ty in ấn băn khoăn: “UTCTC chắc chắn là bệnh hiểm nghèo. Nhưng ung thư thì “trời kêu ai nấy dạ” , mình cũng chỉ biết sinh hoạt ăn uống điều độ, vệ sinh tốt, đi khám sức khoẻ định kỳ… chứ cũng đâu có cách nào phòng tránh bệnh này hiệu quả”. Khi nói đến việc phòng bệnh cho cô con gái 17 tuổi của mình, chị khẳng định: “Cháu còn nhỏ, chưa có quan hệ tình dục, làm sao có nguy cơ mắc phải căn bệnh đó”.
 
Không chỉ chị Yến, chị Đào, mà hầu hết phụ nữ ngày nay vẫn còn chủ quan và cho rằng mình không dễ mắc bệnh. Đây là những quan niệm sai lầm do thiếu thông tin về căn bệnh này.
 
Chủ quan vì “mù mờ” thông tin về bệnh
 
Ung thư cổ tử cung - Đừng chủ quan! - 2
Virus HPV
 
Ít ai biết được rằng UTCTC bắt nguồn từ việc lây nhiễm human papilomavirus (HPV), một loại vi-rút lây lan phổ biến qua sinh hoạt tình dục và cứ 10 người thì đến 8 người có thể nhiễm vi-rút này ít nhất một lần trong đời 3. Tuy không phải cứ nhiễm HPV là chắc chắn bị UTCTC vì nhiều trường hợp nhiễm rồi sẽ tự hết, nhưng có thể nói khi bắt đầu có quan hệ tình dục, mọi phụ nữ đều có nguy cơ đối với căn bệnh này. Những biện pháp như tình dục an toàn, giữ vệ sinh… phần nào giúp giảm nguy cơ nhưng không đủ để ngăn ngừa lây nhiễm virus gây bệnh.
 
Quá trình từ khi nhiễm vi-rút đến khi tiến triển thành ung thư trung bình thường từ 10 đến 20 năm 4. Điều đáng lưu ý là các giai đoạn này diễn biến khá âm thầm và giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó nhiều phụ nữ không hề biết mình đã mắc phải căn bệnh này nếu không đi khám phụ khoa.
 
Quan niệm sai là mình không có nguy cơ, cộng thêm tâm lý ngại đi khám phụ khoa, ngại chia sẻ những thông tin được cho là tế nhị của phụ nữ dẫn đến việc nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và khó kéo dài cuộc sống. Đáng tiếc hơn là nhiều người chưa biết rằng UTCTC có thể phòng ngừa được, và một số người thì dù biết có biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn còn chần chừ cũng vì những quan niệm chưa đúng kể trên.
 
Phòng bệnh không nên chần chừ
 
UTCTC là một trong số ít những bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Biện pháp phòng ngừa lại không quá phức tạp. Để phòng ngừa căn bệnh này chị em phụ nữ có thể chủng ngừa để phòng lây nhiễm vi-rút HPV, đồng thời khám phụ khoa tầm soát UTCTC định kỳ hàng năm. Vắc-xin phòng vi-rút HPV hiện nay có thể sử dụng cho bé gái từ 9,10 tuổi đến phụ nữ 25, 26 tuổi. Việc chủng ngừa giúp phòng chống việc lây nhiễm một số tuýp HPV gây bệnh phổ biến nhất, do đó chủng ngừa càng sớm càng giảm được nguy cơ nhiễm các vi-rút này, đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc UTCTC về sau.
 
Hạ Nguyên
 
Chủng ngừa HPV sớm và khám tầm soát thường qui để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả.
 
Thông tin giáo dục này được cung cấp bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam với sự tài trợ của VPĐD GlaxoSmithKline.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Song-Nan Chaw, Ruey Soon et at. Knowledge, attitudes, and communication arround HPV vaccination amongst urban Asian mothers and physicians. Vaccine 28 (2010) 3809-3817
 
2. WHO/ICO Information Center on HPV and Cervical Cancer (HPV information Center). Human Pappilomavirus and related cancers in Vietnam. Summary Report June 2010
 
3. Schwarz, Leo, Immune response to human papillomavirus after phrophylactic vaccination with AS04-adjuvanted HPV-16/18 vaccine: improving upon nature. Gyne. Onco 110 (2008) S1-S10
 
4. Nguyễn Sào Trung, Ung Thư CTC: Phát hiện & Phòng Ngừa, Y Học TP.HCM Tập 12, số 2, 2008