Thực phẩm biến đổi gene: Bấp bênh giữa lợi và hại

Thực phẩm biến đổi gene, có thể hiểu đơn giản là thực phẩm (gồm cả nông sản và động vật) mà con người đã can thiệp vào cấu trúc di truyền của chúng bằng cách lấy yếu tố di truyền được chọn lọc từ chủng một sinh vật này cấy vào tế bào của sinh vật khác.

Khi thực phẩm biến đổi gene ra đời, không ít các nhà khoa học nhận định, đó là phát kiến vĩ đại trong công nghệ sinh học, đồng thời cũng là giải pháp tuyệt vời để đối phó với tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực tại một số nước chậm phát triển. Song, thời gian gần đây mặt trái của vấn đề bắt đầu lộ diện, khi ngày càng nhiều các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn.Tại hội thảo Công Nghệ Sinh Học Việt Nam : Hướng phát triển cho tương lai do Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ NN- PTNT phối hợp tổ chức tại TPHCM ngày 9/8/2012 vừa qua nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học.

Lợi thì có lợi…

Thực phẩm biến đổi gene, có thể hiểu đơn giản là thực phẩm (gồm cả nông sản và động vật) mà con người đã can thiệp vào cấu trúc di truyền của chúng bằng cách lấy yếu tố di truyền được chọn lọc từ chủng một sinh vật này cấy vào tế bào của sinh vật khác. Sự can thiệp này đã  tạo ra những lợi ích về gia tăng sản lượng, năng suất, khả năng kháng sâu bệnh cao, chống chịu được điều kiện thời tiết bất lợi. Cho tới nay đã có khoảng 29 quốc gia trên thế giới cho phép trồng cây biến đổi gene với tổng diện tích cây trồng biến đổi gene khoảng 148 triệu ha, trong đó chủ yếu là các loại cây như đậu tương, ngô và cây bông vải. Dân số thế giới hiện đang ở mức 6,3 tỷ người, con số này được dự báo sẽ còn tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới. Do vậy, đảm bảo được lượng thực phẩm cho lượng dân số khổng lồ này là cả một thử thách lớn cho toàn nhân loại. Và thực phẩm biến đổi gene được kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu này. Bên cạnh đó, cây trồng biến đổi gene còn góp phần giảm bớt ô nhiễm đất đai và nước ngầm trên thế giới, đồng thời làm sạch đất bị ô nhiễm kim loại…Theo số liệu của Trung tâm quốc gia về thực phẩm và nông nghiệp của Mỹ, mỗi năm nông dân Mỹ tiết kiệm được 1,1 tỷ USD chi phí trong trồng đậu nành nhờ công nghệ biến đổi gene.

Nhưng liệu thực phẩm biến đổi gien  có gây ảnh hưởng đến sức khỏe?

Chính thức ra đời vào khoảng những năm 1980 đến 1990. Chỉ một năm sau đó, dư luận bắt đầu dấy lên những lo ngại, rằng thực phẩm biến đổi gene có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và làm mất cân bằng sinh thái hay không? Rất nhiều nhà hoạt động môi trường, nhóm vì lợi ích công cộng, và cả những quan chức chính phủ của nhiều nước trên thế giới đã có ý kiến phản đối về vấn đề sản xuất thực phẩm biến đổi gene dành cho con người.. Có không ít ý kiến cho rằng đưa gene lạ vào cây thực phẩm có thể tạo nên những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như gây dị ứng, làm giảm sức đề kháng, thậm chí gây ung thư. Theo một thống kê, nhiều trẻ em ở Mỹ và châu Âu đã có triệu chứng dị ứng với lạc, đỗ tương và một số thực phẩm có nguồn gốc là cây thực phẩm biến đổi gene khác. Các nhà khoa học nhận định, có thể khi gene được đưa vào cây trồng đã tạo ra chất gây dị ứng mới trên người.

Khi vấn đề sử dụng thực phẩm biến đổi gen còn đang chưa rõ ràng là lợi hay hại, tại Việt Nam tháng 6-2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm. Theo nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ có quy định về an toàn thực phẩm với sản phẩm biến đổi gene, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm thành lập hội đồng an toàn sinh vật biến đổi gene, lập danh sách sản phẩm biến đổi gene được sử dụng làm thực phẩm. Sản phẩm có tỉ lệ biến đối gene trên 5% phải ghi nhãn rõ ràng và thể hiện thông tin liên quan.

Dưới góc độ khoa học, GS.TS Phạm Bình Quyền- Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường cho biết, rất khó nói nên hay không nên ăn thực phẩm biến đổi gene, không riêng gì Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới cũng có những tranh cãi về chuyện này. Rất khó để xác định ai đó bị bệnh, hay có những biểu hiện bất thường do sử dụng loại thực phẩm này. Ông Đỗ Gia Phan- Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng bày tỏ quan điểm, không nên kỳ thị hay phản đối sản phẩm biến đổi gene nhưng hãy để người tiêu dùng được quyền lựa chọn bằng cách ghi nhãn rõ ràng trên các sản phẩm. Tại Việt Nam, hằng năm phải nhập nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn gia súc lẫn  thực phẩm cho con người  có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gien, trong đó phần lớn là đậu tương và bắp. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một nhà sản xuất nào công bố trên nhãn hiệu thành phẩm của mình nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gien hay không biến đổi gien.  Người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được quyền lựa chọn trước sự bấp bênh lợi hay hại của thực phẩm biến đổi gien.

Nguyên Bình