Probiotics “chữa bệnh” đường tiêu hoá như thế nào?

Rối loạn đường tiêu hoá, thường gặp với các triệu chứng táo bón, tiêu chảy không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, nếu biết cách bổ sung Probiotics, người bệnh sẽ nhanh chóng cảm thấy nhẹ nhàng trở lại mà không cần dùng thuốc.

Probiotics “chữa bệnh” đường tiêu hoá như thế nào? - 1

Giải đáp của Dược sĩ Lê Kim Phụng - Giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành TP.HCM, xoay quanh một số thắc mắc thường gặp về chứng rối loạn tiêu hoá và cách "điều trị" bằng Probiotics sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề này.

Thưa Dược sĩ, Probiotics hay dân gian thường gọi là lợi khuẩn là loại men vi sinh thường được khuyến cáo bổ sung cho trẻ nhỏ để ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy. Vậy thì, liệu Probiotics có chữa được chứng táo bón ở người già không?

Táo bón là bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân như suy giảm chức năng sinh lý, các bệnh lý ở đường tiêu hoá, thói quen ăn uống không đủ chất xơ, ít hoạt động, dùng thuốc… với biểu hiện là ít đi tiêu (dưới 3 lần/tuần) hoặc tiêu phân cứng. Nhưng dù với lý do nào thì táo bón cũng cho thấy hệ men vi sinh đường ruột đang mất cân bằng, số lợi khuẩn đang giảm đi và hại khuẩn đang tăng lên. Do đó, bổ sung Probiotics có thể chữa và phòng táo bón hiệu quả, không chỉ ở người già mà mà cả người lớn và trẻ em. Probiotics sẽ tiến vào ruột già, cải thiện chức năng ruột bằng cách tăng cường nhu động ruột, làm mềm phân, từ đó chữa dứt táo bón.

Xem thêm cơ chế hoạt động của Probiotics để hiểu rõ vai trò của chúng với hệ tiêu hoá

Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn rất phổ biến nhưng nó cũng mang đến một số hệ luỵ cho hệ tiêu hóa. Vậy Probiotics có thể chữa được các vấn đề về hệ tiêu hóa do kháng sinh gây ra không thưa Dược sĩ?

Thuốc kháng sinh có hiệu quả cao trong việc chống lại các vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể. Tuy nhiên, trong quá trình diệt khuẩn chúng cũng đồng thời tiêu diệt một số loại vi khuẩn có lợi sống ký sinh trong ruột giúp bảo vệ đường tiêu hóa. Điều này dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn cộng sinh tại ruột, gây chứng rối loạn tiêu hoá, thường thấy nhất là tiêu chảy. Do đó, sử dụng men vi sinh Probiotics trong quá trình điều trị bằng kháng sinh là một trong những phương pháp hữu hiệu và an toàn nhất giúp giảm nguy cơ bị tiêu chảy đồng thời luôn cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

Vậy việc bổ sung Probiotics như thế nào mới hiệu quả và an toàn trong việc điều trị cũng như cải thiện chức năng hệ tiêu hoá?

Probiotics không chỉ cần thiết khi hệ tiêu hoá có vấn đề mà cần được bổ sung hằng ngày để ức chế vi khuẩn gây hại và cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Nên chọn các nguồn cung cấp Probiotics từ thực phẩm để vừa không mất vi khuẩn có lợi vừa bổ sung thêm các dưỡng chất cho cơ thể. Thông thường, sữa chua và các sản phẩm sữa lên men đều tốt cho hệ tiêu hóa nhưng không phải tất cả chúng đều có chứa Probiotics. Do đó, hãy tìm loại sữa chua mà trong thành phần có các loại men Probiotics như Lactobacillus paracasei, Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium. Cần chú ý là các men này phải “còn sống” vào thời điểm dung nạp nên các sản phẩm sữa chua phải là dạng chưa qua giai đoạn thanh trùng. Nhu cầu trung bình của mỗi người là 1 tỷ đến 100 tỷ Probiotics mỗi ngày. Mỗi hộp sữa chua 100g chứa vài tỷ men vi sinh Probiotics nên chỉ cần dùng 100g sữa chua mỗi ngày là đủ.

Cám ơn Dược sĩ vì những chia sẻ bổ ích!