Phát hiện sớm bệnh “nhồi máu xương” sẽ không phải thay khớp nhân tạo

(Dân trí) - Bắt đầu bằng những cơn đau khớp gối, đi lại khó khăn đến mức không đi lại được, bệnh nhân đến viện khám, được xác định khớp bị hoại tử phải thay khớp gối.

Sáng 6/3, tại khoa Chấn thương chỉnh hình (BV Xanh Pôn), bệnh nhân Nguyễn Văn Đức (54 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau 8 ngày phẫu thuật thay khớp gối đã gấp được đầu gối 60 độ, túc tắc đi lại bằng nạng và dễ chịu hơn, không còn những cơn đau nhói khớp như trước can thiệp.

Sau 8 ngày mổ, cử động khớp gối của bệnh nhân đã ổn, với độ gập gối đạt 60 độ. Bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng để đi lại bình thường. Ảnh: H.Hải
Sau 8 ngày mổ, cử động khớp gối của bệnh nhân đã ổn, với độ gập gối đạt 60 độ. Bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng để đi lại bình thường. Ảnh: H.Hải

Cách đây 4 năm, bệnh nhân cũng được thay khớp háng chân phải. 6 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện cơn đau gối phải đi lại khó khăn.

“Cơn đau ám ảnh tôi kể cả khi ngồi không, khi nằm không có lực đè lên chân. Nhất là đang ngồi mà đứng dậy thì vô cùng khó khăn, đi đau buốt quanh vùng gối, không thể đi quá đoạn đường 5 - 7m. Nay đã dễ chịu hơn rất nhiều dù đang phải đi với sự hỗ trợ của nạng”, bệnh nhân Đức chia sẻ.

PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc BV Xanh pôn cho biết, bệnh nhân mắc chứng bệnh hoại tử vô mạch vùng khớp gối. Đây là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hóa nặng khớp gối, tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị sớm và là bệnh lý không phổ biến, với tỷ lệ gặp 3,4%, Đặc biệt tỷ lệ vừa hoại tử chỏm xương đùi, khớp gối, đã thay khớp háng trước đó trên cùng 1 bệnh nhân lại càng hiếm gặp hơn.

“Bình thường, hoại tử khớp háng gặp nhiều hơn hoại tử khớp gối. Với bệnh nhân này, do phát hiện quá muộn nên hoại tử, phá hỏng hết cấu trúc khớp buộc phải thay thế khớp nhân tạo”, TS Dũng nói.

Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, việc điều trị đơn giản hơn nhiều. TS Dũng dẫn chứng ca bệnh cách đây 6 tháng được ông phẫu thuật cũng vì bệnh lý này. Do được phát hiện tình trạng hoại tử xương khớp gối sớm, bệnh nhân được “sửa chữa”, không phải thay khớp mà vẫn hết đau, đi lại tốt.

Dễ nhầm với bệnh khớp khác

Theo TS Dũng, bệnh lý này dễ bị bỏ qua ở giai đoạn đầu bởi nó dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác về khớp gối. Đặc biệt, hình ảnh chụp X – quang khớp gối trong giai đoạn đầu không phát hiện ra tổn thương hoại tử, tiêu khớp này.

“Kể cả bệnh nhân mổ ở giai đoạn sớm cách đây 6 tháng, hình ảnh chụp X – quang không phát hiện, trong khi đó chụp cộng hưởng từ thấy rõ tình trạng hoại tử 2 đầu khớp”.

Vì thế, TS Dũng khuyến cáo: "Với bệnh nhân đau gối, có tràn dịch mà không biểu hiện gối thoái hóa trên hình ảnh chụp X - quang nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm bệnh lý gây “ăn mòn” khớp này”. Bệnh lý này khác với các bệnh khớp gối khác, đó là đau cả khi vận động lẫn nghỉ ngơi.

“Bởi việc phát hiện sớm là vô cùng ý nghĩa với quá trình điều trị. Trong giai đoạn đầu, khi khớp chưa bị ăn mòn, thậm chí người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa. Trong trường hợp phải phẫu thuật cũng nhẹ nhàng chưa phải thay khớp, mà có thể có những can thiệp “sửa chữa” đơn giản.

“Nói nôm na, đây là tình trạng tổn thương mạch máu cung cấp cho xương, là hiện tượng “nhồi máu xương” gây nên tình trạng tắc mạch, hoại tử, phù do tăng áp lực. Khi bị tăng áp lực, tế bào xương càng bị hoại tử nhiều hơn. Vì thế, ở giai đoạn sớm chỉ cần dùng thuốc, hoặc phẫu thuật khoan giảm áp để các dịch xung quanh tế bào thoát ra, giảm áp để tế bào xương chưa chết không bị chết tiếp. Còn khi ở giai đoạn nặng, bệnh nhân buộc phải thay khớp nhân tạo, là một cuộc mổ lớn. Việc thay khớp gối giúp người bệnh hết đau, đi lại ổn nhưng không bao giờ tốt như khớp tự nhiên ban đầu”, TS Dũng nói.

Hồng Hải