Pháp hỗ trợ nhiều tỉnh, thành của Việt Nam phát triển Y khoa

(Dân trí) - Các dự án hợp tác về y tế giữa Pháp và Việt Nam đã và đang được thực hiện ở nhiều địa phương tại Việt Nam và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Pháp hỗ trợ nhiều tỉnh, thành của Việt Nam phát triển Y khoa - 1

Quang cảnh hội thảo về Giáo dục - Y tế Pháp- Việt diễn ra tại Cần Thơ chiều 14/9

Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam- Pháp lần thứ 10, diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 14 đến ngày 16/9, trong đó có Hội thảo chuyên đề Giáo dục- Y tế thu hút nhiều đại biểu đến từ UBND, sở, ngành, trường học, tổ chức ở Việt Nam và Pháp. Hội thảo do ông Jean- Claude Dardelet, Phó Thị trưởng TP Toulouse và ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì.

Phó Giáo sư - TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Hội cho biết, chương trình hợp tác đào tạo y khoa giữa Pháp và Việt Nam được thực hiện từ năm 1988. Nhóm bác sĩ Việt Nam đầu tiên đi thực tập nội trú BV tại Pháp trong khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Paris VI (Pháp) vào năm 1988.

Năm 1993, thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác đào tạo trong lĩnh vực y tế đã được ký kết giữa Việt Nam và Pháp. Từ năm 1993 đến 2009 đã có 1.897 bác sĩ Việt Nam thực tập nội trú bệnh viện tại Pháp. Từ năm 2010 đến 2015, đã có trên 160 bác sĩ thực tập chuyên khoa tại các bệnh viện của Pháp.

Song song đó, hai bên còn hợp tác trong chương trình đào tạo liên tục các chuyên ngành hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh... Ngoài ra, gần 20 năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện là cơ sở thực hành của trường như Bạch Mai, Việt Đức... cũng tiếp nhận sinh viên Pháp đến thực tập, mỗi năm khoảng 80 - 100 sinh viên.

Trong những năm gần đây, trường đại học Y dược Hải Phòng có mối quan hệ mật thiết với nhiều trường Đại học y của Pháp, từ đó hoạt động đào tạo trao đổi, cán bộ, giảng viên và sinh viên được phát triển. Năm 2016, GS.TS Phạm Văn Thức, hiệu trưởng trường Đại học Y dược hải Phòng được bầu vào viện hàn lâm Y học quốc gia Pháp. Đây cũng là sự kiện thể hiện sự phát triển nhân lực của trường.

Tại TP Cần Thơ, dự án trang thiết bị có tổng mức đầu tư là 22 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Pháp là 19,5 triệu Euro (tương đương gần 535 tỉ đồng). Vốn đối ứng của TP Cần Thơ là 2,5 triệu Euro (tương đương 70 tỉ đồng) đánh dấu cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.

Sau hơn hai năm thực hiện dự án, đến nay, 100% thiết bị đã về tới bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Trên cơ sở dự án trang thiết bị bệnh viện do Pháp hỗ trợ, thời gian qua, bệnh viện cử cán bộ bệnh viện đến Viện trường Nice của Pháp để học tập cũng như tiếp nhận chuyên gia từ Pháp sang hướng dẫn vận hành máy móc, chuyển giao kỹ thuật.

Ngành y tế Kiên Giang thời gian qua cũng nhận được sự hỗ trợ tận tình về trang thiết bị, tập huấn học hỏi chuyển môn, chuyển giao kỹ thuật. 10 năm qua, BVĐK tỉnh Kiên Giang và Đoàn L’Appel-Lorient (Pháp) hợp tác chuyển giao kỹ thuật về nhi khoa, sản khoa, vật lý trị liệu...

Phạm Tâm