Khi siêu âm được ứng dụng trong lĩnh vực gây tê vùng

Lâu nay, nhắc đến siêu âm là nhắc tới lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, những tiến bộ y học đã góp phần mở rộng siêu âm sang một lĩnh vực mới: gây tê vùng và đặc biệt là trong hồi sức cấp cứu.

Trước đây, việc gây tê vùng thường dùng kỹ thuật mò, tức là dựa vào mốc giải phẫu hoặc phối hợp với bệnh nhân tìm cảm giác dị cảm. Phương pháp này thường đem lại hiệu quả không cao, nhiều biến chứng và thường gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.

Ứng dụng siêu âm trong gây tê vùng đem lại hiệu quả và tính an toàn cao cho người bệnh; khi đầu dò siêu âm chuyên biệt giúp bác sĩ có thể nhìn rõ vị trí của kim tiêm cũng như xác định đúng vị trí các thân thần kinh (đặc biệt là đám rối thần kinh cánh tay, thần kinh đùi…) để gây tê chính xác, giúp giảm đau tốt trong quá trình phẫu thuật.

Theo ông Ngô Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), việc ứng dụng máy siêu âm, đặc biệt là các máy siêu âm xách tay, trong gây tê vùng đã mở ra một bước phát triển mới trong gây mê hồi sức, những công đoạn đầy áp lực về thời gian và đòi hỏi độ chính xác cao.

Nếu như máy siêu âm bình thường điều chỉnh phức tạp, khó sử dụng thì máy siêu âm xách tay lại sinh ra cho những bác sỹ cần siêu âm nhưng lại không phải thuộc chuyên ngành siêu âm bởi rất dễ sử dụng với độ chính xác cao.

Mặt khác, máy siêu âm thông thường sẽ rất khó để mang vào phòng phẫu thuật, phòng hồi sức cấp cứu để phục vụ công tác gây tê; trong khi với máy siêu âm xách tay, ngay cả các bác sĩ không có chuyên môn về siêu âm cũng có thể thực hiện được thao tác siêu âm đơn giản ngay trong phòng phẫu thuật...

Khi siêu âm được ứng dụng trong lĩnh vực  gây tê vùng - 1

PGS.TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, cho biết: siêu âm ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong can thiệp.

BS Công Quyết Thắng: Siêu âm chủ yếu là chẩn đoán, giờ sang cả lĩnh vực can thiệp, đặc biệt là hồi sức cấp cứu. Bởi với máy siêu âm xách tay, có lợi thế là có thể mang đến mọi nơi, sẽ giúp chẩn đoán nhanh và xử trí nhanh trong tình huống cấp cứu.

Đặc biệt, cả nước có 600 bệnh viện với hàng ngàn bàn mổ, việc sử dụng siêu âm xách tay sẽ giúp giảm trang thiết bị, giảm nhân lực (giúp bác sĩ không chuyên về hình ảnh có thể chủ động thao tác, tự cập nhật ứng dụng, tự đào tạo…) đồng thời mang lại hiệu quả cao hơn (giúp giảm đau tốt hơn – gây mê nhẹ nhàng hơn, nhanh hồi phục hơn, giúp tình trạng bệnh nhân nhanh cải thiện), giải quyết được tình trạng quá tải.

Đó là lý do các dòng máy SonoSite M-Turbo, SonoSite Egle II, SonoSite SII, SonoSite iViz của Fujifilm rất được quan tâm tại Hội thảo Cập nhật ứng dụng siêu âm trong gây mê và hồi sức cấp cứu tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Thanh Hải