Bảo vệ bằng cách giúp con phát triển kỹ năng sống

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Giảng viên trường Quản trị Cuộc đời – nhận định: “Trẻ sẽ hình thành được các kỹ năng sống cơ bản dễ dàng hơn khi có sự hướng dẫn đúng cách của cha mẹ.

Trong đó, sự khích lệ, sự gợi mở của ba mẹ nhằm cho trẻ biết cách tìm tòi, khám phá các sự vật, những hướng dẫn giúp trẻ nhận biết những cảm xúc của bản thân hay biết nghe lời người lớn… là những biện pháp hiệu quả để xây dựng kỹ năng sống của trẻ. Đồng thời, bốmẹ cần tạo điều kiện để trẻ khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn”.

Thay đổi cách bảo vệ con

Vì đặc thù công việc nên vợ chồng chị Linh rất bận rộn, công việc nuôi dạy con được chuyển giao cho ông bà. Khổ nỗi, ông bà chỉ có 1 đứa cháu nên Bắp được “cưng như trứng mỏng”, được chăm sóc rất kỹ. Chưa bao giờ bé Bắp được ra sân chơi ở khu chung cư mà thiếu cái nón dù đã chiều mát. Thậm chí, khi vợ chồng chị Linh mon men ý định đưa con đi chơi biển vài ngày thì ông bà đã bảo: “Hai vợ chồng cứ đi chơi, để Bắp ở nhà vì nó con nhỏ, không chịu được nắng gió đâu”. Vì vậy, ý định tập cho con quen với nắng, gió, nước biển, khám phá không gian ngoài trời đã không thể thực hiện.

Như những phụ huynh hiện đại, chị Linh luôn chú trọng chăm sóc sức khỏe cho con, giúp con có một hệ miễn dịch khỏe mạnh vì chị hiểu rằng đó chính là nền tảng của mọi sự phát triển. Chị cũng hoàn toàn đồng ý rằng, bên cạnh sức khỏe, cha mẹ còn phải tạo điều kiện để con tự do khám phá, phát triển tư duy và trang bị kỹ năng sống. Nhưng để dạy con những điều đó thì cha mẹ cần “can đảm” và biết cách “thả” con hoặc như vợ chồng chị Linh là phải tìm cách thuyết phục ông bà thay đổi quan điểm “bảo vệ” bé Bắp.

Bố mẹ hãy là người hướng dẫn tốt nhất của con

Thực tế, kỹ năng sống cho trẻ ở lứa tuổi mầm non chỉ đơn giản là giao tiếp tốt, biết vui chơi với bạn, biết xin lỗi hoặc cám ơn đúng lúc, dễ thích nghi với môi trường khác nhau,… Một đứa trẻ biết chờ đến lượt chơi sẽ là người biết kiên nhẫn, một đứa trẻ được tập thích nghi với đám đông sẽ trở thành người biết tự chủ và tự tin sau này. Đó chính là những lợi ích về lâu dài để các bậc phụ huynh ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị kỹ năng sống cho con ngay từ tuổi mầm non.

Cũng cần nói thêm rằng, trẻ nhỏ chỉ có thể tích lũy kỹ năng sống thông qua những trải nghiệm thực tế. Vì vậy, nếu ba mẹ “can đảm” vượt qua rào cản tâm lý, trao cho con cơ hội học hỏi từ thế giới bên ngoài và luôn là “người hướng dẫn tốt nhất của con” thì đó chính là điều kiện tuyệt vời nhất để con lớn khôn mỗi ngày. Ví dụ, khi con bị té trong lúc tập đi xe đạp, nếu bố mẹ khuyến khích con tự đứng dậy, cùng con tìm ra nguyên nhân té xe và chia sẻ kinh nghiệm của bố mẹ (kể cho trẻ nghe cách bố mẹ khắc phục khó khăn ngày xưa chẳng hạn), trẻ sẽ học được kỹ năng tự xoay sở và phát triển tính tự lập.
 
Bảo vệ bằng cách giúp con phát triển kỹ năng sống - 1
Trẻ phát triển các kỹ năng sống cần thiết khi được tự do khám phá thế giới bên ngoài

Từ những trải nghiệm thực tế, trẻ sẽ nhanh chóng rút ra các bài học, kinh nghiệm và kỹ năng sống cũng được hình thành từ đây. Như vậy, chỉ cần bố mẹ mạnh dạn vượt qua các rào cản về tâm lý để bào vệ nhưng không hạn chế con mình khám phá thế giới, bố mẹ đã trao cho con hành trang tốt nhất để tự tin bước vào cuộc sống mới với nhiều cơ hội thành công hơn.

Tham gia thảo luận và tìm hiểu thêm về đề tài này trên diễn đàn http://www.webtretho.com/forum/f684/
 
N.Khuê