Trả lời bạn Nguyễn Thị Xuân (xuan_nguyenthi@yahoo.com)

Thời gian nghỉ đẻ theo luật hiện hành

(Dân trí) - Hỏi: Tôi sinh con vào ngày 19/05/2010. Tôi làm tại phòng thí nghiệm, trong công ty tôi được coi là lao động trực tiếp. Công ty cho tôi nghỉ đẻ được 04 tháng là đúng hay sai? Theo đúng luật hiện hành tôi được nghỉ đẻ bao lâu? Tôi xin cảm ơn!

Luật Nguyễn Hồng Bách trả lời :

Tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:

 

“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:

a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;

 

b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;

 

c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;

 

d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.

 

2. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới sáu mươi ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc chín mươi ngày tính từ ngày sinh con; nếu con từ sáu mươi ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc ba mươi ngày tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

 

3. Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.

 

4. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”

 

Những “nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được quy định tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (ban hành kèm theo các Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/09/2003; Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995; Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996; Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996; Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 3/3/1999; Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

Do bạn không cung cấp các thông tin về ngành nghề, điều kiện lao động, phụ cấp khu vực (nếu có) của bạn nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể và chính xác cho bạn được. Bạn có thể căn cứ vào các quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để biết được Công ty cho bạn nghỉ theo chế độ thai sản 04 tháng là đúng hay sai.
 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV

Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự

Số 6, Trung Yên 3, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 04.3.7868574 - 0913588529   Fax: 04.3.7868575

E-mail: bach@hongbach.com; Website: www.hongbach.vn

 

Diễn đàn - Bạn đọc