Yêu chạy… Tết

Lại một cái Tết nữa, chị bạn U30 thở dài ngao ngán. Đợt này về quê, lại rát tai với các cụ!

 
Yêu chạy… Tết - 1


Tìm người như thể tìm chim

 

Không quá tệ về mặt hình thức, có việc làm ổn định, cũng chẳng phải thuộc dạng “kén cá chọn canh” nhưng hiện nay, rất nhiều phụ nữ đã ngoài 30 tuổi vẫn trong tình trạng “ế”. Có rất nhiều lý do, lúc đi học thì lo phấn đấu, mới ra trường thì lo hoàn thành công việc, lo thăng tiến, môi trường làm việc ít được tiếp xúc với người khác phái... rồi thời gian trôi qua rất nhanh. Đến khi ngoảnh mặt lại nhìn, tuổi 30 đã cận kề.

 

Thu Hương, 28 tuổi, quê Bắc Ninh, quyết định về quê sau 7 năm bôn ba ở Sài Gòn kể:

 

“Thực ra tôi quay về quê hương bởi đã quá mệt mỏi. Làm việc ở thành phố môi trường có thuận lợi hơn, dễ kiếm tiền hơn nhưng cuộc sống đều đặn hết đến công sở lại về nhà. Tôi không có cơ hội tìm cho mình một người bạn trai. Mỗi năm cứ đến dịp lễ Tết, về nhà lại bị gia đình giục lấy chồng. Nhà chỉ có mẹ, các anh chị em đều lập gia đình hết. Cũng chẳng hay ho gì chuyện đi lập nghiệp rồi lại về quê, nhưng cái chính tôi cũng muốn kiếm một tấm chồng để yên bề gia thất”.

 

Hương chua chát: “Chẳng phải xấu xí gì, có nghề nghiệp, có kinh tế mà khi về quê, mình bị xếp vào loại gái quá lứa lỡ thì. Lại khăn gói lên Hà Nội để tránh điều tiếng. Một năm miệt mài kiếm tìm, giờ thì Tết này cũng đã có người để đưa về ra mắt”.

 

Trường hợp của Hương không phải cá biệt trong các công sở tại các thành phố lớn. Ngọc Hà, một nhân viên kế toán kể: “Khi 24 - 25, mình còn tự tin lắm, làm sao mà ế được khi đã có công việc ổn định. Vậy mà cái tuổi nó đuổi xuân đi, đến lúc giật mình nhìn lại, đã ngấp nghé bước vào “băm”. Gia đình ban đầu chỉ bóng gió hỏi thăm, sau thì mỗi lần thăm nhà, mẹ thẳng thừng đưa anh này, anh kia tới coi mắt, bản thân mình cũng buồn. Lại sắp Tết nữa, đợt này lượn khắp các trang hẹn hò online, nhờ mai mối từ các người thân, bạn bè…

 

Trước mỗi cuộc hẹn thì hào hứng lắm, trang điểm, ăn mặc đẹp nhưng sau buổi hẹn thì thất vọng và buồn hơn. Đâu dễ mà tìm được người hợp với mình. Vậy mà sau bao nhiêu cuộc sửa soạn, làm quen… cuối cùng không vẫn hoàn không. Đành bỏ ngoài tai những lời than thở chì chiết của gia đình để chờ cái duyên đến vậy”.

 

Một nửa của tôi ở đâu?

 

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều phụ nữ chọn cho mình lối sống độc thân bởi sự thoải mái, riêng tư. Họ không bị lệ thuộc vào một người đàn ông nào, tự chủ kinh tế. Tuy vậy, áp lực “phải lập gia đình” vẫn luôn là gánh nặng tâm lý.

 

Một chủ hàng hoa có tiếng ở TPHCM cho biết, chị có một nữ khách hàng đều đặn mỗi năm đều gọi điện đặt hoa tặng cho chính mình vào ngày sinh nhật, ngày lễ. Cô gái đó bộc bạch rằng: “Không dễ để tìm được tình yêu với người đàn ông của đời mình. Nhưng ba mẹ tôi luôn hối thúc, luôn luôn nôn nóng chuyện lấy chồng trong khi tôi vẫn chưa có kế hoạch kết hôn. Tôi không thể yêu đại, cưới đại cho bằng người ta được. Tuy vậy tôi không thể thuyết phục bố mẹ đừng nôn nóng, vậy là phải nghĩ ra cách để làm các cụ thấy yên lòng”.

 

Cuối năm, câu chuyện quanh bàn cà phê của nhiều nam nhi cũng không ít lần đặt lên đặt xuống vấn đề liệu có nên đi “thuê” người yêu để ra mắt bố mẹ dịp cuối năm. Sau những cuộc hẹn hò chớp nhoáng, những cuộc mai mối, nhiều bạn trẻ đã tự “cặp đôi” thành một đôi tạm thời dù chưa thực sự hiểu nhau, chưa rung động và đồng điệu trong suy nghĩ và lối sống.

 

Chính bản thân những người trong cuộc cũng thừa nhận rằng đây chỉ là một biện pháp tình thế để sống qua mấy ngày Tết ở gia đình. Chính họ cũng không tin vào một kết thúc có hậu cho mối quan hệ chóng vánh ấy. Minh Sương, một bạn trẻ tâm sự: “Mẹ tôi ở quê thấy con gái 25 tuổi chưa có người yêu đã lo đi xem bói, cắt duyên âm, giải hạn… Một năm, hai năm, vẫn chẳng có mối tình nào của tôi lâu bền và phát triển thành đám cưới được. Có lẽ mọi yếu tố đã có đủ, chỉ thiếu chữ duyên, đành phải đợi chữ duyên thôi”.

 

Theo Thời Trang Trẻ