Xóm chài

(Dân trí) - Hơn một lần tôi hỏi mẹ: “Đã bao lâu rồi nhà mình sống trên sông nước này hả mẹ?”. Mẹ lặng lẽ nhìn những con sóng lăn tăn xô đuổi nhau đập nhẹ vào mạn thuyền. Tôi nghe rõ từng hơi thở sâu không đều của mẹ. Con tim mẹ xốn xang.

Mẹ bảo, ngày xưa mẹ đã từng sống trên bến sông trồng cải. Khi con sông vào mùa nước cạn, thuyền người lữ thứ đáp lại bên bến sông vì trót yêu loài hoa ấy, rồi mẹ theo người đó sống cuộc đời lênh đênh. Bao mùa con nước lớn ròng, những chiếc thuyền xa lạ chẳng hẹn mà gặp nhau. Một chiếc, hai chiếc rồi nhiều chiếc thuyền khác nữa chở những kiếp người lạc lõng dạt về đây như những thân lục bình.

Trẻ con làng chài đứa nào cũng có nước da đen giòn sương gió. Đứa vừa lớn lên đã bơi lặn như rái cá. Đứa nào cũng học được một vài phép tính đổi chác từ cá tép ra lúa gạo. Cuộc sống cứ thế trôi qua, chúng tôi lớn lên theo từng con nước vơi đầy…

 

anh-3-ce249

 

Đêm rằm tháng Bảy. Những chiếc gọng vó trên sông bắt đầu chùng xuống, rồi dần dần nổi lên khỏi mặt nước trông như những cái sàng lớn... Lũ trẻ chúng tôi ngồi tựa mạn thuyền, hướng con mắt nhìn về chiếc thuyền bác Riêu. Ngọn đèn dầu le lói dưới làn nước sóng sánh ánh trăng. Trong không gian yên lặng, tiếng sáo vút lên, lên cao tới tận giải sông Ngân Hà. Dường như khi chùng xuống kéo theo vô số những vì sao đầy ắp thuyền, tràn ra cả ngoài mặt nước.

Tiếng sáo nghe đượm buồn! Tất cả đều im lặng, nhưng có lẽ ai trong mỗi chúng tôi cũng đang nhớ về những con người đã ra đi mãi mãi vào mùa nước lũ năm ấy. Có những đứa bạn của chúng tôi và có cả đứa con của vợ chồng bác Riêu. Chúng tôi thắp nến đặt vào lòng những đóa sen giấy, thả xuống lòng sông. Ánh sáng lung linh xa dần, xa dần như những người bạn đã xa rời chúng tôi... Tiếng sáo bác Riêu réo rắt trong đêm khuya, trầm dần rồi ngừng hẳn, thanh âm thánh thót như vẫn còn vấn vương, dập dìu theo khói sóng.

Một hôm, có mấy anh chị học trò ghé vào xóm chài. Lần đầu tiên trong đời, lũ trẻ con chúng tôi được ăn những que kẹo ngọt và ngon đến thế. Cùng đi với bác Riêu, mấy anh chị lần lượt lên từng chiếc thuyền. Tôi nghe bác Riêu tha thiết: “Chú Năm à! Thế hệ chúng ta không may mắn vì không được biết đến cái chữ. Vậy mà bây giờ lại bắt tụi nhỏ phải khổ như mình sao?”. Cha tôi rít liền mấy hơi thuốc lào, vẻ mặt băn khoăn: “Vợ chồng em biết cái bụng của bác nhưng … bác thấy đấy, các con em cũng như lũ trẻ xóm chài cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì nói gì đến chuyện học hành hả bác. Với lại không học thì có làm sao đâu!”. Trong đám anh chị có người thưa: “Chúng cháu là thanh niên tình nguyện mong góp sức lực nhỏ bé của mình đem ánh sáng đến cho lũ trẻ xóm chài… mong bác giúp đỡ chúng cháu”. Mọi người năn nỉ mãi, rồi đến lúc cha tôi đành ưng thuận. Cái chữ đến được với chúng tôi thật khó khăn, rồi dần già các anh chị cũng không còn xa lạ với chúng tôi như ngày nào. Nhưng niềm vui vừa kịp nhen nhóm đã vụt tắt, họ đến rồi đi giống như một vệt sáng ghé qua vùng u tối.

Xóm chài ngày càng đông đúc, cá tôm không còn dễ kiếm như trước. Nhiều lần, cha và anh tôi rời thuyền đi đến mấy hôm mà đánh bắt chẳng được là bao. “Chia chác mỗi đứa lưng cơm qua ngày vậy!”. Mẹ tôi thở dài, mắt đậm ướt không nuốt nổi và cơm. Rồi cha tôi đi biền biệt mấy ngày liền, tôi nghe phong thanh người ta bảo, cha ghé vào đất liền rồi ở lại đấy. Một hôm cha về vẻ mặt trầm ngâm, sặc mùi men rượu. Cha bước loạng choạng làm chiếc thuyền chao đảo. Lũ trẻ chẳng dám vòi quà như trước, khép nép ngồi yên lặng. Những tia nắng nhảy nhót lao xao trên sóng nước, lòng cha như càng thêm rối bời…

Hằng ngày khi phải chứng kiến cảnh cha mẹ tôi to tiếng, bát đũa, xoong nồi loảng xoảng theo nhau xuống sông, lòng tôi rượi buồn! Những buổi lên chợ, có lẽ mẹ lại gặp những người hàng xóm và biết được một cuộc sống sung túc trên đất liền nên về nhà hết cằn nhằn lại than thân trách phận. Còn cha tôi vẫn thế, thật kiên quyết và cố chấp: “Mẹ con bà muốn đi đâu thì đi. Còn tôi, tôi sinh ra ở đây thì phải chết ở đây!”.

Tôi buồn chẳng biết làm gì hơn, thỉnh thoảng lại khóc thầm. Anh tôi đi biền biệt từ sáng đến tối, có khi đi từ ngày này sang ngày khác để kiếm từng mớ tôm, mớ tép cho gia đình trang trải mà vẫn không được là bao. Ngày cha ngã bệnh anh tôi trở thành trụ cột gia đình, và cũng từ ngày ấy cha tôi trở nên câm lặng.

Trên sông vắng ngắt tiếng đùa giỡn của trẻ con, vắng tiếng sáo bác Riêu, lòng sông trở nên mênh mông tự bao giờ? Khói sóng mịt mù làm mỏi mệt những ánh mắt khắc khoải nhìn về một phương trời xa, nơi ấy có bến bờ và hoa cải.

Bỗng một ngày, chẳng hiểu vì sao cha tôi đứng phắt dậy vắt kiệt sức chèo chiếc thuyền bơi ngược nơi những con sóng lăn tăn đổ về. Thấy lạ quá, mẹ và anh tôi từ trong thuyền chạy ra. Rồi anh tôi đỡ lấy một tay chèo đẩy nước cùng cha. Còn mẹ tôi xoa mái tóc tôi mỉm cười: “Cha con chở cả nhà mình vào đất liền sinh sống đấy con ạ!”.

Tôi không thể nào hiểu nổi lòng cha. Vì đã vô tình đem lòng yêu một loài hoa trên đất liền? Hay những lần tỉnh giấc bởi tiếng ú ớ học bài trong cơn mê của những đứa con khát chữ? Hay vì một lý do nào khác nữa? Tôi không thể biết được. Xóm chài thì mỗi lúc càng xa tầm mắt. Tôi cảm thấy có cái gì nghẹn đắng buột lên thành lời nơi cổ họng: Con sẽ nhớ quê hương lắm đó, xóm chài ơi!

Xuyến Chi

 

Xóm chài - 2