Xa nhau mới thấy

(Dân trí) - Lúc anh ở nhà cô rất hay bực bội, càu nhàu. Cô thấy anh thường quá, chẳng được cái việc gì hết, chẳng như hàng xóm, chẳng bằng chồng người ta…

Thế rồi công ty mở thêm một công ty ở nước ngoài, ngoài anh ra chẳng ai đáp ứng đủ yêu cầu, vậy là anh mang cái mác chuyên gia, sang đó hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Mấy tay đồng nghiệp nhố nhăng, cứ nhăn nhở làm “thầy dùi”: “Anh sang đó, kiếm lấy một em tre trẻ, nấu nướng cơm nước cho, nửa năm trôi qua cũng nhanh thôi mà”. Cô cười và vẫn nói cứng: “Ôi dào, anh làm gì thì làm, miễn vẫn mang đầy đủ lương về là được”. Anh nhe nhẻn: “Để ta xem, ở nhà ba mẹ con múa thế nào?”, cô bĩu môi: “Vắng anh em thấy thiếu mỗi cái chân dắt xe”.

Thế rồi thời gian anh ở nhà ngắn dần, chỉ còn một tuần nữa là máy bay cất cánh, tất cả bắt đầu thấy bồn chồn, anh cứ ôm con rồi thì thào: “Bố sang đó buồn lắm, buồn lắm con ạ”. “Bố nhớ lắm, bố nhớ thằng chó con lắm”, khiến cô cũng nẫu hết cả ruột, liền trêu “Thế không nhớ vợ à?” thì anh tiếp lời luôn: “Nhớ cả chó mẹ nữa nhé!”, làm cô phì cười, mà mắt bắt đầu ngấn nước. Cô trấn an: “Anh cứ yên tâm mà đi, em đảm đương được, sẽ quen và êm đẹp hết thôi”, mà thực tế trong lòng đã thoáng bận chút lo âu.

 

Xa nhau mới thấy - 1

Quả thật vắng bố, ba mẹ con cứ ngơ ngác, thói quen sinh hoạt bị đảo lộn… Rồi thì tất tần tật việc đều đến tay cô, có những việc không tên chồng vẫn làm, đơn giản như việc chơi với các con thôi, nay cô mới thấy giá trị. Rồi cô lại thương anh sang đó xa xôi cách trở, môi trường, khí hậu, thực phẩm. Anh vốn đã khem ăn và quen với sự chăm sóc của vợ, cô cứ trằn trọc suốt.

Cô cảm thấy được an ủi, khi đều đặn tối nào anh cũng gọi cho vợ con. Song công nghệ thay thế sao được cái thân hình tròn trịa, ấm áp của chồng, thay sao được cái mùi mồ hôi quen thuộc. Thay sao được cái vị thế nghiêm nghị của bố để con cái nể vì…

Giờ đây họ quan tâm nhau như thủa xa xa nào: “Em có rét không? Anh nhớ em lắm!” “Vợ ơi ngủ chưa?”. Cô lại hì hục nhắn một cái tin rõ dài, như sống lại thời còn đang tán tỉnh, yêu thương. “Anh quen thức ăn bên ấy chưa? Sắp tới có người sang, anh có cần em gửi thêm gì không?”. Cô dặn anh phải ăn uống điều độ, chịu khó vận động cho khỏe. Anh khoe tăng hai cân: “Không có vợ chèn ép, xông xênh hẳn”. Cô hấm hứ rồi lại cười.

“Sao mới tám giờ tối mà nom anh như buồn ngủ thế”, “Đau mắt chứ buồn ngủ đâu, cái thằng cùng phòng bị, tớ lây luôn”. Cô vừa buồn cười vừa bực: “Sao ở gần cứ ai bị bệnh gì là anh cũng không kém phần long trọng là thế nào”.

Sau đó đôi uyên ương kể nhau nghe những câu chuyện vu vơ, trong lúc con đã ngủ, như hồi còn ở nhà vẫn hay tâm sự. Rồi anh gửi những tấm ảnh đi đây đó chụp được cho cô xem, cho vui. “Bên này họ có sáng kiến dùng xe ô tô chở hàng để người, để hạn chế phương tiện cá nhân, nhìn khiếp lắm. Họ chở vài chục người, lúc nhúc đứng trên đó để đi ra các công trường, nông trại”. “Bên này họ cứ quàng khăn chùm đầu miết, chẳng biết ai xinh ai đẹp ai xấu, thấy mỗi vợ mình là chuẩn, xịn nhất”.

Cô cũng có chuyện để góp: “Bà ngoại cứ thương anh suốt”. Anh đùa: “Thương anh hay thương con gái bà chẳng có ai phục dịch”. Cô nguýt: “Ghét”, nhưng lại quên ngay...

Cô đã hỏi không biết bao nhiêu lần: “Liệu anh có được về sớm hơn dự định?”. “Tùy khối lượng việc ở đây, hòm hòm tương đối thì anh về chứ ai muốn ở lại. Tiếng thì chẳng biết, chơi bời đâu được”.

Có lần anh nhắc lại lời vợ: “Tiền đầy đủ chẳng thiếu một đồng nhé”, nhìn qua điện thoại anh thấy cô đang lau nước mắt “Ai cần tiền của anh? Bao giờ anh về, đang nhớ muốn chết đây này…”. Lại nghe giọng anh như nắng ấm: “Anh cũng thế”. Dường như cả hai đã thấy nhớ, thấy thấm và trân trọng lắm, những giờ phút bên nhau.

Mới hay, xa nhau như thứ gia vị cho cuộc hôn nhân đã nhuốm màu thời gian. Giờ cô chỉ mong ngóng một điều là anh sớm về, chỉ cần nhìn thấy anh, cô thấy lòng bình yên và gia đình còn có dáng hình đầm ấm của nó. Việc nhà cô có thể đảm đương được cả, nhưng vẫn cần anh, cần người đàn ông, bên cạnh cho đỡ cô quạnh, vậy thôi.

TSL

 

Xa nhau mới thấy - 2