Vớ phải chồng thích lên mặt dạy vợ

(Dân trí) - Nhìn bên ngoài ai cũng khen Hân có một tổ ấm "chuẩn không cần chỉnh". Hai con trai ngoan, học giỏi, chồng đẹp trai, học thức và cô công việc ổn định, biết cách kiếm tiền. Nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận, chồng cô chỉ cởi mở với người dưng, còn với vợ con, người thân thì cộc cằn, thô lỗ, ti tiện.

Vớ phải chồng thích lên mặt dạy vợ - 1

Thấy Hân học lên cao học, Nam - chồng cô cũng nộp đơn để thi. Không phải vì tư tưởng cầu tiến và ham học hỏi, mà chỉ vì "không muốn vợ qua mặt mình".Thua ai thì thua chứ nhất quyết không thua vợ, dù Hân chưa bao giờ muốn so sánh hơn thua với chồng.

Từ trong suy nghĩ của Nam, là người đàn ông thì phải "tề gia rồi mới đến trị quốc". Vì thế, anh hơn thua vợ trong mọi chuyện, từ nấu ăn, đến chăm con cái hay cách ứng xử với mẹ chồng. Nhất cử nhất động của Hân đều bị Nam "soi". Chỉ cần cô nói với mẹ chồng bằng ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày là có người sửa lưng ngay. Chỉ cần cô phát âm tiếng Anh với con chưa chuẩn là có ngay một "bài ca đi cùng năm tháng" : Mẹ mày biết gì! Hay chỉ cần ngồi xem ti vi là chồng Hân cũng giành ngay cái điều khiển vì "tao là chủ nhà, tao có quyền".

Lúc mới về, Hân chỉ nghĩ bắt bẻ cho vui, nào ngờ đã là tính cách, ngấm trong máu và cụ thể hóa bằng lời nói và hành động. Hân đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi lỡ ngồi sai vị trí trong bữa ăn, nói những từ phổ thông mà không phải tiếng đặc trưng quê chồng, thậm chí lỡ mang đôi dép trong nhà xuống nhà tắm, lập tức bị "tuýt còi": "Đàn bà con gái, không chút ý tứ, cái gì cũng phải dạy!".

Không biết ai dạy ai, khi Hân phải khéo léo uốn nắn cách nói năng của Nam ở chỗ đông người hay khi trong nhà có giỗ chạp. Thích thì làm, không thích thì thôi, giỗ ông nội vẫn ở lại cơ quan với lý do "ăn được miếng mà chạy 15 cây số. Mệt!", hay đám cưới con chú ruột, thím mời gãy lưỡi vẫn không đi, cũng chỉ "đừng ồn, đây không thích".

Lối sống khép kín, chỉ biết đến bản thân mình mà không để ý tới suy nghĩ, cảm xúc của mọi người xung quanh đã làm cho Nam coi mình là "trung tâm của mọi trung tâm". Ai nghĩ gì mặc kệ, ai buồn vui không biết, chỉ cần, đi làm về cơm dâng tận miệng, áo quần thay có người cất, con cái không phải trông coi.

Đã nhiều lần,Hân tủi thân vô cùng khi vừa làm dâu mẹ chồng, còn làm dâu... cả chồng. Thói đời, mâu thuẫn "mẹ chồng nàng dâu" gia đình nào chả có, ăn thua là ở cách dung hòa của người chồng. Nhưng đằng này, chồng đã không tâm lý, lại chẳng biết gì, không phân biệt đúng sai, cứ nghe mẹ không hài lòng về con dâu là lại "song kiếm hợp bích" với mẹ mình bắt nạt vợ. "Hai đánh một không chột cũng què", Hân đành nuốt "cục tức" vào bụng cho qua chuyện, chờ đến khi nào chỉ có hai vợ chồng, Hân mới góp ý cùng Nam. Nói là "góp ý" chứ cô biết cũng chẳng thay đổi được gì. Thói gia trưởng, chuyên quyền đã làm nên thương hiệu của chồng cô. Anh thích phán xét người khác, chê bai người khác nhưng khi ai đó nói lại, nhất là vợ thì lập tức như "đỉa phải vôi" phùng mang trợn mỏ, trấn áp bằng cách lên giọng, văng tục và đuổi đánh.

Vốn không ưa ồn ào,với lại sợ các con biết, xóm làng hay, Hân cứ nhẫn nhịn để lâu dần trở nên nhẫn nhục và cam chịu. Cô đi đâu phải báo cáo, chi tiêu trong nhà phải ghi chép để giữa tháng, cuối tháng có số liệu chính xác mà công khai. Bận rộn con nhỏ không ủi kịp áo quần cho chồng mặc cả tuần thì bị thở than "vợ đoảng". Nấu ăn hai món thì có người gác đũa "biết ăn cơm bụi cho rồi".

Đồng nghiệp, người thân cứ thắc mắc lúc nào cũng thấy Hân vội. Liên hoan với cơ quan chưa bao giờ cô ở lại cầm đũa hay uống cốc nước. Son phấn cũng ít bôi. Chỉ may là áo quần vẫn chỉnh tề. Vẻ già nua của Hân khiến nhiều người không khỏi xót xa!

Chấp nhận chịu thiệt về mình nhưng đổi lại được gì? Dạy con cái không có tiếng nói chung. Ăn một mâm cơm mà nhìn nhau như chưa hề biết mặt. Sáng ra một đống chén bát, đêm về một đống áo quần. Điệp khúc "nhà, cơ quan, chợ, nhà" đã theo cô từ đứa con đầu tới đứa sau 6 tuổi. Hơn ai hết, Hân cảm nhận được sự ngột ngạt trong chính gia đình mà cô đang làm vợ, làm mẹ. Nhưng lối thoát nào, phụ thuộc vào ai, chồng cô hay chính cô?

Lâm Hoàng