“Vợ chúa chồng tôi”

Dũng - chồng Thắm đang rất bức xúc vì sống “kiếp phế nhân” mỗi lúc về nhà. Làm việc gì anh cũng bị vợ soi xét kỹ càng, rồi chê bai...

Về nhà như “về hưu non”

 

Thoạt đầu, Dũng quét nhà mà bị vợ “phê bình” là còn bẩn, anh sẵn lòng cầm chổi thao tác lại từ đầu. Sau này, thấy Thắm phàn nàn quá nhiều, Dũng tìm cách trốn việc nhà cho êm chuyện.
 
“Vợ chúa chồng tôi” - 1

 

“Tôi cảm thấy quá sức vì phải đáp ứng đúng yêu cầu của vợ. Từ cái bát xếp trên giá làm sao cho ngay ngắn đến cái cốc phải đặt ở vị trí nào trên bàn khi uống nước” - Dũng chia sẻ. Chán cảnh, ngày nào hết giờ làm, Dũng cũng tìm cách la cà bên ngoài để tránh về nhà cùng giờ với vợ.

 

“Không giúp vợ thì cô ấy khóc, bảo chồng vô tâm. Mà giúp thì kiểu gì tôi cũng bị vợ ca cẩm tội vụng về, đến mệt” - Dũng lý giải cho tình trạng thích rong chơi mỗi buổi chiều của mình.

 

Con cũng coi bố là “kẻ xấu”

 

Anh Nguyên (Cần Thơ) còn khổ cực vì nỗi niềm ở rể, cộng thêm việc bị Hà - vợ mình -quản lý gắt gao khiến anh càng bức xúc. Hàng tháng, anh Nguyên đều đặn nộp tiền lương cho vợ, không thiếu một xu. Bù lại, mỗi sáng, anh được vợ “phát” cho 20.000 đồng tiền xăng, kèm với 20.000 tiền ăn trưa (ngoài ra không có khoản nào khác). Bữa sáng, anh luôn phải ăn cùng với cả nhà vợ.

 

“Cô ấy thiếu tâm lý tới mức, hôm nào, tôi dậy muộn, không kịp ăn sáng ở nhà thì cũng có nghĩa là phải nhịn đói mà đi làm. Cảnh thiếu tiền tiêu vặt khiến tôi không dám giao lưu với bạn bè, cứ đi đi về về như một cái bóng. Có lần, định chia sẻ nỗi lòng với vợ thì cô ấy lại gân cổ lên bảo, tôi lo chơi bời vớ vẩn” - anh Nguyên chán nản.

 

Một lần, anh Nguyên lén rút tiền của vợ, mang biếu một người họ hàng bị ốm. Chẳng ngờ, Hà phát hiện được và bới móc chồng thậm tệ. “Ức quá, tôi cho vợ một cái bạt tai. Lúc đó, đứa con gái (hơn 2 tuổi) của tôi nhìn thấy, khóc thét lên rồi bênh mẹ. Tôi cũng thấy mình có lỗi” - anh Nguyên kể thêm. Sau lần ấy, anh càng bị vợ chèn ép nhiều hơn. Anh bảo, cứ mỗi lần đề cập đến chuyện tiền nong là y như rằng, vợ anh lôi con ra, đứng về phe mình. Khổ nhất là bây giờ, bé nhà anh luôn coi bố là “kẻ xấu”, thích ức hiếp mẹ nên dần xa lánh bố hơn…

 

Thoải mái chi tiền làm đẹp nhưng lại ky bo với chồng

 

“Cô ấy bỏ ra cả triệu bạc để mua một chiếc áo len hàng hiệu nhưng khi tôi muốn đổi bộ comple mới thì cô ấy cằn nhằn, cho rằng tôi bảnh bao để đi tán gái nên nhất định không đồng ý” - anh Long (Thanh Xuân, Hà Nội) kể về vợ mình như thế.

 

Anh Long cho biết, sinh hoạt hàng ngày, vợ anh cực kỳ tiết kiệm nhưng lại phung phí trong việc làm đẹp cho bản thân. “Mỗi lần vợ chồng đi ăn cưới là tôi phải ngồi chờ vợ trang điểm ngoài hàng đến gần 2 giờ đồng hồ. Son phấn, giày dép cô ấy có hàng đống nhưng nếu tôi có lỡ tự mua cái này, cái khác thì cô ấy bảo hoang phí. Thế là vợ chồng lại cãi nhau” - anh Long bức xúc.

 

Tránh biến mình thành người vợ ích kỷ, thiếu tâm lý

 

Không ít người vợ chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, đề cao cái tôi mà quên đi những tổn thương họ mang đến cho chồng. Một số chị em quen thói “được đằng chân lân đằng đầu” nên thích gây áp lực, lái chồng theo ý muốn của mình. Cũng có một số cô vợ do bản tính keo kiệt nên tìm mọi cách quản lý kinh tế của chồng rất gắt gao. Hoặc có thể những người vợ này suy nghĩ đơn giản rằng, mình là “nội tướng” nên mới cần nắm phần chi tiêu chính trong nhà, đưa tiền cho chồng nhiều chỉ khiến anh ta sinh hư.

 

Nhiều anh chồng chia sẻ rằng, họ chịu nhịn vợ là vì muốn giữ cửa nhà yên ấm chứ không hẳn là vì sợ vợ. Trong khi đó, nhiều người vợ quá đáng tới mức gạt phăng những quyền lợi chính đáng của chồng trong khoản chi tiêu riêng. Hoặc người vợ mang tâm lý, mình phải được hơn chồng, nên muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, thích lấn lướt, qua mặt chồng.

 

Điều này về lâu dài có thể gây ức chế lớn, khiến mâu thuẫn gia đình thêm căng thẳng. Bởi vì, nếu một vài lần góp ý mà không thấy vợ sửa sai, người chồng cũng sinh tâm lý chản nản, thích xa lánh vợ.

 

Nếu chồng có đề xuất ý kiến gì, người vợ nên bình tĩnh cân nhắc thật thấu đáo. Người vợ nên tâm lý, cảm thông cho suy nghĩ của chồng và gợi ý những đề xuất hợp lý khiến chồng luôn thoải mái.

 

Ngay cả khi muốn bác bỏ ý kiến nào đó của chồng, người vợ cũng nên giải thích lý do rõ ràng để chồng hiểu và thông cảm. Người vợ tuyệt đối không nên biến mình thành kẻ lãnh đạo trong gia đình. Bởi vì, cho dù anh ấy có thuộc nhóm đàn ông hiền lành thì vẫn muốn mình được vợ, con tôn trọng.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé