Vợ chồng trẻ - Đừng cắn nhau đau...

Lần đầu tiên, các cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, đó là lúc họ gặp khó khăn trong việc điều hòa các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng với nhau.

Người vợ cho rằng thật là vô lý khi anh chồng thích xem chương trình bóng đá thường xuyên mà không nghĩ tới vợ mình cũng có nhu cầu xem các chương trình khác. Còn người chồng thì cho rằng, mình vất vả vì gia đình, thường xuyên giúp đỡ, chiều chuộng vợ trong các vấn đề của cuộc sống thì việc muốn xem bóng đá cũng là chuyện đương nhiên vợ có thể hiểu và chiều mình.

 

Đôi lúc họ có thể cãi nhau vì những chuyện không đâu. Họ có thể cãi nhau vì cơm áo gạo tiền hay vì sự có mặt của một người họ hàng của chồng (vợ) làm ảnh hưởng đến kinh tế, bầu không khí hoặc đảo lộn nền nếp của gia đình. Cũng có thể sự cãi vã liên quan đến mối quan hệ của họ với hình bóng cũ trong quá khứ; quan niệm nuôi dạy con, vân vân và vân vân... Có một nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc cãi nhau giữa các đôi vợ chồng, và nó cũng là một trong số những lý do dẫn tới sự tan vỡ, ly dị.

 

Nhưng nếu một đôi vợ chồng chưa từng có một ngày nào mâu thuẫn cãi nhau thì cũng chưa hẳn là hạnh phúc. Một cuộc sống vợ chồng không có phong ba, đôi khi lại che giấu một sự chia rẽ sâu xa hay ít ra cuộc hôn nhân cũng đang thiếu đi tình âu yếm. Nhiều khi cãi nhau là một sự giải tỏa, nếu biết cách có thể khiến cho sự bất hoà xẹp đi nhanh chóng, vợ chồng gần nhau hơn và họ chợt nhận ra những gì họ chưa đạt được để đi đến sự hòa hợp.

 

“Một điều nhịn, chín điều lành”, là phương châm sống rất hay mà các bậc tiền bối để lại. Để hiểu được phương châm đó và áp dụng nó là cả một nghệ thuật sống. Cái sự “nhịn” đó thể hiện một sự hiểu đời, hiểu người ở trong từng bối cảnh. Còn nếu áp dụng một cách máy móc, ấu trĩ thì một trăm điều nhịn lại chẳng có nhiều điều lành. Thường thì sau những cuộc tranh luận, cãi vã có tính xây dựng, cả hai người đều thấy bầu không khí sáng sủa hơn, mình trở nên khôn hơn và muốn bù đắp để xóa đi những gì đã xảy ra.

 

Có hai yếu tố để luôn gắn bó được vợ chồng khi sự tranh luận, cãi vã không thể không diễn ra, đó là người chồng nên lấy cái đức, cái tình và cái lý để cảm hoá khiến người vợ cảm động và khuất phục. Còn người vợ nên lấy cái tâm, cái hoà, cái nhẫn để xử sự; dù giận đến mấy mà vẫn ăn mặc gọn gàng, việc nhà chu đáo, ngôn ngữ đúng mực, chẳng có người chồng nào lại không thán phục. Dù thế nào đi nữa, dù có phải tranh luận, cãi nhau thì vẫn phải nhớ rằng cần phải giữ hạnh phúc vợ chồng, chứ không phải “thương nhau lắm, cắn nhau đau”.        

 

Theo Nhật Hà

Gia đình & Xã hội