Vợ anh giám đốc văn hóa huyện

(Dân trí) - Chị chùi chân vào chiếc giẻ lau, tất tả bước vào nhà. Nhìn thấy chúng tôi chị đáp một câu chào vội có vẻ như thẹn thùng rồi bước nhanh vào phòng trong. Anh thấy chị, hào hứng giới thiệu: “À, chị nhà anh đấy”.

 

Vợ anh giám đốc văn hóa huyện - 1


Sau lời giới thiệu của anh, nhìn mặt 5 đồng nghiệp đang mặm môi thật chặt tôi biết họ đang cố không phát ra tiếng “Hả?” to tướng vì ngạc nhiên. Chúng tôi không thể nào tin được người phụ nữ vừa rồi lại là cô vợ mà anh lúc nào cũng nói: “Chị ấy nhà anh thế nọ, chị ấy nhà anh thế kia… chứ chẳng như các cô” một cách đầy kiêu hãnh.

 

Anh là giám đốc phòng văn hóa của huyện. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau, đúng là anh sinh ra để làm văn hóa. Anh đẹp trai, từ dáng người đến khuôn mặt, ăn nói thì hào hoa, phong nhã, đĩnh đạc, duyên phải biết. Nói tóm lại dù biết anh có vợ con rồi nhưng khối cô vẫn đứ đừ xin chết. Hôm nay nhìn thấy vợ anh, chúng tôi cứ tiếc hùi hụi, cô bạn đồng nghiệp rỉ tai tôi: “Phí của giời quá mày ạ”.

 

Biết nói thế nào nhỉ? Người chị to như hộ pháp, chân tay, mình mẩy thứ gì cũng lực lưỡng, so với cái vẻ ngoài thư sinh của anh chẳng ăn nhập tẹo nào. Đường nét trên khuôn mặt và hình thể chị chẳng có gì liên quan đến nhau. Qua nói chuyện với anh, tôi còn được biết chị làm cửu vạn, chuyên xếp gạch thuê cho một chủ lò gạch. Cái nghề so với chồng xem chừng cách biệt quá.

 

Hôm nay chúng tôi nhận được lời mời của anh tới nhà dùng cơm. Anh vẫn khoe vợ anh nấu cơm ngon lắm. Sau vài phút xuất hiện chào hỏi, chị lui vào bếp nấu nướng. Mấy anh nam giới cùng anh ra vườn ngắm cây cảnh, cô bạn của tôi chạy đi mua bia, tôi vào bếp giúp chị.

 

Chị  làm việc cứ thoăn thoắt, miệng nói tay làm. Chẳng như tôi, lóng nga lóng ngóng. Tôi vừa gọt củ khoai vừa hỏi chị:

 

- Anh ấy làm giám đốc văn hóa huyện, chị đi xếp gạch thuê làm gì cho mệt, ở nhà hay kiếm việc gì nhẹ nhàng có phải tốt hơn không hả chị?

 

- Nói thật với em, đồng lương của anh ấy chẳng đủ cho những lần liên hoan, gặp gỡ bạn bè trong những dịp giao lưu văn nghệ. Hai con ăn học, đối nội đối ngoại đều cần đến tiền. Chị được trời phú cho cái sức khỏe, cứ khỏe như vâm ấy em ạ, đi xếp gạch nếu chịu khó ngày cũng kiếm được vài trăm. Chị thấy anh yêu công việc đó dù lương thấp nên chị không dám kêu ca phàn nàn. Thú thực nhiều hôm ăn cơm anh ấy cứ hào hứng kể về tiết mục văn nghệ dự thi của huyện mình đạt giải cao, chị nghe cũng chẳng hiểu lắm nhưng thấy anh vui chị cũng vui. Vì thế chị đành lấy phần vất vả về mình thôi em ạ.

 

- Chị nấu ăn giỏi thế, em đoảng lắm chị ạ, chẳng biết nấu nướng gì.

 

- Phụ nữ muốn giữ chồng thì phải nấu ăn ngon. Anh nhà chị chẳng mấy khi bỏ bữa dù có ăn hàng cùng bạn bè rồi đi chăng nữa.

 

Tôi tủm tỉm cười. Ra thế, chị cũng biết nói văn hoa đấy chứ. Chị bộn rộn với đủ món ăn, lúc đó tôi xin phép đi thăm quan nhà chị đôi chút. Điều làm tôi ấn tượng là đâu đâu trong căn nhà này cũng đều sạch sẽ và ngăn nắp. Nhìn những chiếc móc treo quần áo đi làm của anh được xếp ngăn ngắn trong tủ, cái nào cái ấy phẳng lì vì được là chu đáo, tôi bỗng nhận ra bàn tay của chị khắp căn nhà.

 

Tôi bắt  đầu hiểu ra lí do anh trốn chạy cô sinh viên văn hóa đẹp mê hồn về thực tập và đem lòng yêu anh, tấn công anh ra mặt. Mọi người cứ gặng hỏi sao anh không thích cô ấy, anh chỉ giải thích một câu ngắn gọn:

 

- Cô ấy không thể nào bằng vợ anh được, không dại gì đánh đổi.

 

Bữa cơm tối với đủ món thịnh soạn, món nào món đấy thơm phức, màu sắc thì hấp dẫn. Chị mặc bộ áo hoa mà thực tình nhìn cũng không lấy gì làm đẹp lắm. Chị ngồi bên anh. Suốt bữa cơm, chị bận tíu tít gắp cho người này, mời người kia, rồi trả lời mấy anh đồng nghiệp xem cách nấu thế nào mà ngon thế. Anh lặng lẽ gắp vào bát chị miếng thật ngon, nói nhỏ nhẹ

 

- Ăn đi em, chiều nay em vất vả rồi. Cảm ơn em nhé!

 

Mấy anh nghe thấy háy nhau tủm tỉm cười, mặt chỉ đỏ ửng lên vì ngại. Giờ thì tôi mới thực thấm thía câu “đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ” là như  thế nào.

 

Hoài Thu