Vì anh nát rượu

(Dân trí) - Thực sự là tôi đã chán nản, không buồn hi vọng ở anh và không còn tin tưởng vào buổi gặp gỡ bố mẹ anh, bàn chuyện đến “chạm ngõ” nhà tôi.

Vì anh nát rượu - 1
 
Nói chung anh là người tốt, chân thành và nhiệt tình. Anh sẽ là người toàn vẹn nếu không có thói rượu chè tối ngày, ưa khích bác người khác trên bàn nhậu.

 

Nhớ hồi ăn hỏi đứa em họ tôi. Công việc ổn cả cho đến lúc ăn bữa cơm thân mật gồm toàn người trong nhà. Anh hiện nguyên hình một tên nát rượu.

 

Biết trước tính anh nên tôi đã cảnh cáo anh hạn chế uống và cũng không được cà khịa ai. Anh gật đầu. Vậy mà, chỉ loáng một cái anh cùng hai “chiến sĩ” nhà chú tôi gục ngã, nôn tứ tung. Bố mẹ tôi cũng hơi mất mặt song chỉ kín đáo lắc đầu, chán ngán. Nỗi tủi thân, ân hận và xấu hổ pha trộn lớn dần trong tôi thành ức chế.

 

Tôi phải ngồi bên anh thay hết khăn này đến chậu kia. Tôi đã nói rất nhiều, nhu có, cương có, nói đến ngượng cả mồm rồi nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Rượu đã ăn sâu vào máu anh thành bản chất, phải thay tủy may ra mới có thể cai.

 

Khác mọi lần, lần này tôi lạnh lùng, lặng im. Anh tỉnh rượu, đến nắm tay, cười cầu hoà: “Anh biết lỗi rồi!”. Một câu cửa miệng nên tôi chẳng còn nhớ đây là lần thứ bao nhiêu anh hứa, trong tôi đã thấy nhuốm màu mệt mỏi, thờ ơ. “Giờ còn không nói được, sau này lấy thì sao?” - Lời mẹ luôn vang bên tai tôi.

 

Lại có lần đám cưới ở quê, anh cùng trai làng mải uống rượu, say ngất ngây rồi kéo nhau phóng xe luôn đến chỗ làm cho kịp. Trên đường đi họ tông phải chiếc xe máy đi ngược chiều. Anh chỉ bị sướt một vệt ở khuỷu tay, còn người ngồi phía sau bị ngã gẫy giập tám cái xương sườn. Tưởng anh sẽ rút kinh nghiệm nhưng anh vẫn điềm nhiên và đổ lỗi cho khách quan, đổ cả cho do không may mắn, khiến tôi càng thêm điên tiết. Tôi nói luôn chẳng e ngại: “Làm không nên còn trách tổ tiên không phù hộ. Anh mà tỉnh táo thì liệu có bị thế không? Không tu thân mà sửa đi có ngày tính mạng mình cũng không giữ nổi”.  

 

Anh không nói lại một câu. Hồi đầu tôi nói anh im lặng, tôi nghĩ lời khuyên đang thấm dần vào đầu anh. Nhưng không phải. Dường như anh coi thường những gì tôi phát ngôn, anh không mảy may bận tâm. Tôi nản đến cùng cực, chỉ cần chờ một giọt nước nữa thôi để “cốc nước” chịu đựng ngày nào tràn ra, tôi sẽ nói tất cả và tung hê hết thảy.

 

Anh rủ tôi về quê giỗ ông nội anh, đồng thời nghe bố mẹ anh bàn chuyện cưới hỏi, tôi nín thở xem anh thay đổi ra sao sau những gì mọi người hết lòng góp ý.

 

Cỗ bàn xong, khi tôi đang dọn dẹp, rửa bát đĩa ngổn ngang quanh mình thì vẫn nghe tiếng anh hô to nhất, thậm chí còn lớn tiếng kích những người tỏ ý muốn dừng lại. Cuối cùng, vẫn như mọi khi, anh say không còn biết gì nữa. Tôi lên dọn “chiến trường”. Anh nôn cả ra áo anh lẫn quần áo tôi. Báo hại tôi sau khi mỏi nhừ chân rửa mấy mâm bát đĩa lại phải gò lưng ra giặt một chậu quần áo. Ai nấy nhìn tôi gửi theo ánh mắt cảm thông vẻ thương hại.

 

Tự nhiên tôi thấy lòng mình thanh thản lạ lùng. Không như lần trước tôi thấy đau lòng, xót thương anh và cả giận dỗi anh không nghe lời. Nay tôi nở nụ cười nhẹ tênh.

 

Vì anh mê man suốt đêm nên không còn thời gian cho người lớn bàn chuyện theo kế hoạch. Chúng tôi lên đường để kịp về nơi làm việc. Tôi mỉm cười tạm biệt những người thân của anh nơi đây và nhủ thầm, không biết bao giờ mới quay lại thăm những con người thân thiện, hiền lành bên mảnh đất yên bình, êm ả ấy.

 

Lời chia tay tôi nói rành rọt đủ để anh hiểu những gì tôi từng nhẫn nhịn. Anh đi khỏi, trong tôi bao muộn phiền thời gian qua rủ nhau tan biến. Bước chân của tôi cũng nhẹ nhàng hơn.

 

Tôi từng yêu anh, nhưng nếu nói, vì tình yêu mà tôi phải chấp nhận lấy người có những tật xấu cố hữu, gây ảnh hưởng đến chính họ và những người thân, thiếu tôn trọng những lời khuyên, và bất chấp tất cả để làm theo ý mình, thì chắc chắn tình yêu đó là mù quáng, khó mà tồn tại. Và quyết định chia tay sẽ không bao giờ tôi phải hối tiếc.

 

TSL