“Tự vệ” kiểu đàn ông

Khi hội họp hay trong các nhà hàng, quán nhậu... giới đàn ông thường nổ như bắp rang. Nhưng về nhà, một trong những điều khiến các bà vợ bức xúc là cạy miệng các ông cũng chẳng nói nửa lời.

 
“Tự vệ” kiểu đàn ông   - 1


Bỗng dưng tắt đài!

 

Chồng bà Kim Thanh, tiểu thương chợ Bà Chiểu (TPHCM), thuộc loại “nhiều chuyện”, nhưng đó chỉ là những khi bạn bè đến chơi nhà. Bà vợ ở dưới bếp, nghe toàn giọng của chồng, từ chuyện “ngày xửa, ngày xưa”, ông “đá giò lái” sang chuyện thời sự. Vậy mà lúc chỉ còn hai vợ chồng, ông như một người khác, rất kiệm lời. Vợ nói cả chục câu, ông chỉ đáp lại: “Thế à”, “Ừ, thì vậy đi!”.

 

Bà Thanh than: “Tôi có nói chuyện tào lao đâu, toàn những chuyện quan trọng như thằng con trai chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự, đứa con gái mới 14 tuổi đã có bạn trai...”.

 

Tưởng ông sẽ sốt sắng cùng vợ bàn bạc, không dè, ông vẫn lừng khừng: “Bà cứ làm như động đất, sóng thần tới nơi. Các con tự biết cách điều chỉnh, bảo vệ mình. Khi nào có cơ hội thuận tiện, tôi sẽ nói riêng với con”. Có thế thôi mà bà vợ nổi nóng: “Bây giờ, ông không còn muốn nói với tôi, ông nghĩ tôi không hiểu hết những lời vàng ngọc của ông sao? Ông cứ im im, tránh né như vậy, tôi biết bàn bạc với ai?”.

 

Ông bỏ lên lầu, đóng cửa phòng riêng, bà vợ vẫn còn ca dai dẳng. Theo bà, có lẽ tình cảm của ông dành cho bà đã phai nhạt rồi, bà hết hấp dẫn, không còn là nguồn cảm hứng cho đời ông!

 

Tệ hơn, ngay cả khi gây ra nỗi đau cho vợ, ông cũng không thèm có biểu hiện... sám hối. Như vừa rồi, kỷ niệm Ngày gia đình VN, ông hứa về sớm đưa vợ con đi xem ca nhạc, bà và hai con sửa soạn áo quần chờ đến 9 giờ tối mới thấy ông về, lại buông một câu gọn lỏn: “Tôi bận họp đột xuất, hôm khác đi chơi. Chuyện đâu có gì mà ầm ĩ”.

 

Bà vợ mất ngủ cả đêm vì bực tức chồng. Quan tâm lớn nhất của bà là tại sao ông không nói nhiều với vợ như nói với bạn bè, hàng xóm. Càng khổ tâm, bà càng suy diễn sự việc theo chiều hướng tiêu cực.  

 

Bà Võ Thị Mai, làm tại một đại lý bảo hiểm, nhớ lại thời mới quen nhau, chồng bà đã mất rất nhiều công sức để theo đuổi bà. Nhờ “mồm miệng năng động”, ông mới “bắt” được bà. Vậy mà, mới sống chung với nhau vài năm, ông đã không còn nói với bà được vài câu. Mỗi lần bà “báo cáo” chuyện con ốm, ba má vợ mệt, tiền sữa lên, đi chợ không biết mua gì... ông nghe bằng thái độ chịu đựng, thỉnh thoảng chỉ hỏi: “Còn gì nữa không?”.

 

Với ông, những chuyện bà nói không gây chú ý, mà lại có khả năng gây ra xung đột giữa vợ chồng. Bà chợt nhớ ra, ông chỉ thích lý luận chuyện vĩ mô với các đồng nghiệp, có thể “nấu cháo” điện thoại thao thao bất tuyệt, để chứng tỏ ông là người đầy hiểu biết.

 

Bà còn nhớ, lúc mới quen nhau, bà chỉ gật đầu nhận lời cầu hôn, khi ông thề sẽ nói hết mọi chuyện, không giấu giếm bà bất kỳ thông tin nào. Thế nhưng, sau một thời gian chung sống, những chuyện hệ trọng của ông, bà chỉ biết toàn tin nguội, do người khác kể lại. Bà hỏi lại ông, ông bảo đừng “tra tấn” ông và khẳng định: “Em có biết cũng chẳng giải quyết được gì”. Bà cảm thấy mình như không còn là vợ ông, mà chỉ là một đối tác cùng ông nuôi con. 

 

Hiểu nhau qua công việc

 

Trong giai đoạn mới yêu và tìm hiểu, người đàn ông sẵn sàng dành thời gian và chủ động trong việc bàn luận với người yêu. Anh ta nhận thức rõ, việc nói về các chủ đề liên quan đến gia đình tương lai sẽ khiến mối quan hệ giữa hai người thân thiết, gần gũi hơn. Và, các cô gái luôn ngưỡng mộ những anh “biết nói chuyện”. Nhưng, khi đã kết hôn, người đàn ông lại giảm dần lời nói. Những cuộc đối thoại vợ chồng thường bị biến thành cuộc độc thoại của bà vợ.

 

Đàn ông vốn tự hào về tính độc lập của mình và cảm thấy bị đe dọa bởi những nguy cơ có thể khiến anh ta trở nên lệ thuộc. Phụ nữ lại có khuynh hướng lệ thuộc vào một hệ thống mối quan hệ, nên họ rất sợ bị cắt đứt, bị cô lập. Theo đó, đàn ông không có nhu cầu “chuyện gì cũng nói với vợ”, nhưng người phụ nữ lại sử dụng phương án “nói” để gắn bó tình cảm vợ chồng. Với người phụ nữ, sự thân thiết giữa vợ chồng có nghĩa là bàn luận, chia sẻ mọi thông tin với nhau.

 

Ông chồng, bà vợ, trong những lúc trò chuyện với nhau, lại có mong đợi và mục đích khác nhau. Đàn ông thích nói về các vấn đề “vĩ mô”, nhằm chuyển tải thông tin hoặc đưa ra giải pháp, bộc lộ sự hiểu biết của mình. Còn phụ nữ, nói là để bày tỏ cảm xúc và tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ của chồng.  Đó cũng là lý do khiến các ông chồng hay nói hết sức ngắn gọn và có nội dung, chứ không diễn tả “lung tung” như các bà vợ. Vì thế, các bà vợ luôn có cảm giác chồng mình không chịu trải lòng cùng vợ.

 

Theo thông tin từ Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (Hội LHTN Việt Nam), qua những cuộc gặp gỡ với các chuyên viên tư vấn, các ông chồng thừa nhận rằng:

 

“Chúng tôi rất khó chịu, thậm chí không thể chịu đựng được những cuộc tranh luận giữa vợ chồng mà mình rất dễ thành người bị chỉ đạo, thậm chí bị vợ chê là chẳng biết gì. Việc này rất dễ dẫn đến xung đột”.

 

Trong khi đó, phụ nữ lại cho rằng, trong lúc bàn bạc về chủ đề con cái, quan hệ với bố mẹ vợ, chồng, nếu có xảy ra xung đột thì cũng là chuyện bình thường, không có gì phải lo lắng.

 

Sự tác động từ xung đột thường làm cho đàn ông dễ rối loạn hơn đàn bà. Lúc đó, đàn ông tiết ra một lượng adrenaline khá lớn từ tuyến thượng thận vào máu,  cần phải có thời gian để trở về mức bình thường (adrenaline xuất hiện khi lo lắng, sợ hãi, dẫn đến huyết áp tăng, dịch dạ dày tăng, tạo ra phản ứng tự vệ). Chính vì thế, họ chọn phương án “im lặng là vàng”. Phản ứng này được xem là tự vệ kiểu đàn ông. Nghiên cứu của các bác sĩ tâm lý cho thấy, khi đàn ông tự “khép miệng” lại, nhịp tim của họ giảm bớt 10 nhịp/phút, tạo cho họ cảm giác nhẹ nhõm. Nghịch lý phát sinh khi ông chồng càng “khép” thì nhịp tim của bà vợ càng... vọt lên.

 

Có bí quyết nào để vợ chồng hiểu nhau mà không phải ca bài ca: “Em van anh, anh hãy nói ra đi”? Ông Nguyễn Hoài Vinh, một kiến trúc sư, tiết lộ: “Vợ chồng tôi “nói” với nhau bằng cách cùng làm việc nhà, cùng chăm sóc con, thăm họ hàng... Chúng tôi hiểu ý nhau mà không cần phải nhiều lời. Công việc kết nối trách nhiệm giữa chúng tôi và qua đó, mỗi người hiểu bản thân mình, hiểu nhau hơn khi bộc lộ cảm xúc, hành vi, thái độ. Tuy nhiên, vợ tôi cũng có mong muốn được chồng trò chuyện, chia sẻ thông tin cá nhân và tôi cũng không quá “keo kiệt” thời gian để giải quyết phần nào nhu cầu rất chính đáng của vợ”.

 

Theo Trường Sơn

Phụ Nữ Online