Tự đốt nhà mình

Càng có tuổi, chị càng hay nhớ những chuyện tủn mủn, vụn vặt ngày xưa. Xem phim, đọc báo, thấy một chuyện gì đó, chị lại hỏi chồng: “Anh à, anh có nhớ hồi đó…”.

 
Tự đốt nhà mình


Anh từ từ hạ tờ báo xuống, gỡ cặp kính, nhìn vợ một lúc như cố lục lọi trí nhớ, rồi lắc đầu: “Không, nhớ sao nổi mà nhớ”. Tới đoạn này thì mấy đứa nhỏ nhìn nhau, nháy nhó rồi tản ra chỗ khác vì biết thế nào chiến sự cũng bùng nổ.

 

Đầu tiên, chị nhắc lại “cái lần đó” bằng một giọng kể ai oán. Khổ, thường là chị nhớ chuyện không vui, cãi cọ với người này, xích mích với người nọ, mấy chuyện ai nghe cũng mệt. Chồng chị còn mệt hơn vì những chuyện đó đa phần dính dáng đến anh và bà con, bạn bè, chiến hữu của anh. Câu kết của chị bao giờ cũng là: “Phải rồi, anh làm sao nhớ được. Chỉ mình em chịu khổ, chịu đau…”.

 

Thế là anh nổi nóng, cầm tờ báo quăng xuống ghế cái phạch, hầm hầm bỏ đi. Lẽ ra đã có những giờ phút thoải mái bên nhau thì chị lại phá hỏng. Đã xong đâu, sau đó chị lại sụt sùi, cảm thấy cô đơn vì không được chồng con chia sẻ những buồn vui. Cảm giác ấy kéo dài và thường xuyên trở đi trở lại… đến mức có lúc chị gần như bị trầm cảm, ám ảnh bởi suy nghĩ trong nhà không một ai thương chị.

 

Chị tự hỏi, không biết mình sẽ ra sao nếu như không có cái ngày Kiểu - cô bạn thời học phổ thông - trở về thăm quê hương sau mười mấy năm theo chồng ra nước ngoài sinh sống. Chị bất ngờ nhận được điện thoại vào một buổi tối, khi cả nhà đang ăn cơm. Kiểu nói ngày mai đến thăm chị, sẽ đem theo sôcôla là món mà chị rất thích. Chị lúng túng ờ à. Cúp máy. Bọn trẻ ngạc nhiên hỏi, sao vậy mẹ? Chị thú thật, ngày xưa chị từng có lần đối xử không tốt với bạn, đã không cho mượn tiền trong lúc bạn khó khăn mà còn nói với nhiều bạn khác là không được tin bất cứ lời nào Kiểu nói. Hôm sau Kiểu đến, chị xin lỗi bạn, hỏi có thật là bạn không giận chị chút nào không? Bạn nói lúc đó có giận, nhưng rồi quên, giờ chị nhắc lại mới nhớ. Con người ai chẳng có lúc lỗi lầm, trừ cái đoạn đó ra thì chị vẫn là bạn tốt. “Phải quên mới sống vui được”, nói xong, Kiểu cười.

 

Tiễn bạn ra về, chị ngồi thừ cả giờ đồng hồ. Chị nhớ lại, mình cũng có nhiều lỗi lầm với chồng. Vô số lần chị ghen bóng ghen gió khiến anh ê chề mặt mũi với bạn bè, hàng xóm. Lần anh đi nhậu xỉn về, chị nhất định không mở cửa, khiến anh phải nằm ghế đá ngoài hàng hiên, may mà không trúng gió. Nhiều lần anh muốn lấy một khoản tiền tiết kiệm để giúp đỡ bà con họ hàng bên mình đều bị chị từ chối thẳng thừng, buộc anh phải vay mượn rồi kiếm việc làm thêm để trả nợ. Sau đó ít lâu, khi chị khóc ngất, xỉu lên xỉu xuống vì bị giật hụi, anh lại là người nâng đỡ, an ủi chị “mình còn khỏe mạnh, cố gắng làm lụng kiếm lại mấy hồi”. Với bọn trẻ thì không biết bao lần chị đã mắng oan con, xả những trận đòn vô cớ lên con vì bực bội chuyện cơ quan, vì giận chồng hay đi nhậu…

 

Liệt kê một lúc, chị mới thấy mình quá may mắn vì chồng con đã quên hết mọi việc, hình như họ chỉ thấy ở chị sự hy sinh, chịu khó của một người mẹ, người vợ. Nếu họ cũng hay kể lể như chị chắc mái ấm này đã sớm ra tro. Ngẫm nghĩ, chị thấy bạn nói đúng: “Phải quên mới sống vui được”. Vậy mà lâu nay chị cứ nhớ, lại còn bắt người thân của mình phải nhớ theo. Chẳng ai cảm thấy vui khi ngồi nghe người khác kể lể dông dài những chuyện buồn, đã vậy còn cứ phải nghe đi nghe lại nhiều lần lỗi lầm của mình. Nói cách nào đó, lâu nay chính chị chứ không ai khác đã làm ô nhiễm môi trường sống của gia đình mình. Có ai bắt chị nhớ mãi những chuyện buồn đâu, chị có quyền quên để không chỉ bản thân được sống vui, sống khỏe mà cả nhà cũng được hưởng chung bầu không khí an lành. Chị nghĩ vậy, thấy mình chợt sáng ra, thanh thản lạ...

 

Theo Bạch Hạc

PNO