Trẻ con…vượt cạn

Thị trấn Tràm Chim, một khu phố vùng sâu hẻo lánh của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang “nóng lên” với sự kiện: Một cô bé tròn 12 tuổi đã làm mẹ vào trung tuần tháng 9 vừa qua!

 

Chuyện có một không hai

 

Ngày 14-9, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông đã hết sức bất ngờ khi tiếp nhận trường hợp em N.T.T.D (SN 1998) đang trong tình trạng vỡ ối và chuyển dạ. Xác định bào thai chỉ mới 32 tuần tuổi, sức khỏe sản phụ “nhí” đang rất yếu và ca sinh non này có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả hai mẹ con…

 

Một bác sĩ cho biết: “Lúc đó, dù đã làm nghề đỡ đẻ cả chục năm, nhưng tất cả chúng tôi đều trong tâm trạng rất lo lắng... Cả sản phụ và thai nhi đều trong tình trạng rất yếu, chỉ cần một sơ suất nhỏ là hậu quả khó lường”.

 

 

 

Trẻ con…vượt cạn - 1

Mẹ con T.D (đang nằm) và người chồng (trái)

 

Rồi sản phụ “nhí” cũng hạ sinh bé trai 1,9kg, khá to so với dự đoán ban đầu của các bác sĩ nhưng hai mẹ con đều phải đưa vào nằm phòng chăm sóc đặc biệt và khá lâu sau mới hồi phục. Bà H - mẹ T.D, kể lại: “Nhìn con bé yếu ớt, nhợt nhạt và hôn mê sau khi sinh, tôi chỉ biết khóc…”.

 

Để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con, các bác sĩ đã khuyên gia đình chuyển viện lên TPHCM. Vét hết tiền nhà, tiền vốn của cái sạp tạp hóa nhỏ, bà H vẫn chỉ kiếm được vài triệu đồng, không đủ chi phí lên tuyến trên. May mắn, sau 1 tuần nằm lại bệnh viện huyện với sự chăm sóc tích cực của các y, bác sĩ, sức khoẻ hai mẹ con đã khá hơn và đứa bé đã bắt đầu đòi bú mẹ…

 

Ai cũng sốc!

 

Ngoài phòng lưu bệnh, nơi hai mẹ con dưỡng bệnh, lúc nào cũng có hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo đến nghe ngóng và săm soi, bàn tán… Một bà cụ hơn 70 tuổi cho biết, ai nghe tin này cũng bị “sốc” vì đây là trường hợp đầu tiên mà họ chứng kiến. “Chồng” của T.D là em N.V.N, cũng chưa tròn 17 tuổi, cứ cúi gục đầu khi ngồi bên “vợ” và con nhưng không giấu được gương mặt non nớt, ngơ ngác của một cậu bé mới lớn vùng nông thôn khi lần đầu làm cha.

 

Ngập ngừng, N tâm sự: “Em với T.D quen nhau trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn, rồi thương nhau đã hơn 1 năm nay rồi. Tụi em thương nhau thiệt tình, nên mới… có con!”. Tức là, tình cảm ngây ngô của hai đứa bé mới lớn này đã bắt đầu khi một đứa chưa được 16 tuổi và một đứa mới 11 tuổi!. Ngay sau đó, cả hai đã “học làm người lớn” ngay tại nhà của N.

 

Cha mẹ N hàng ngày đi cắt lúa và làm thuê làm mướn suốt từ sáng đến mờ tối mới về, nên chẳng hay biết gì. Vừa cắm cúi chẻ đống củi trước nhà, ông T (bố của N) than thở: “Lo làm đầu tắt mặt tối cũng không đủ ăn… Cứ tưởng con mình còn nhỏ nên không để ý gì… Tới hồi biết được thì nó làm con gái người ta có bầu rồi! Vợ chồng tôi chỉ biết quỳ lạy xin chị H (mẹ của D) cho tụi nó về ở với nhau!”.

 

“Nghèo còn mắc… cái eo!”

 

Một cán bộ Dân số - KHHGĐ huyện Tam Nông, cho biết: Sự việc này đã được báo cáo lên lãnh đạo cơ quan và chờ hướng dẫn xử lý. Tuy nhiên, cả hai em đều còn rất nhỏ, hoàn cảnh hai bên lại nghèo khó. Chị cán bộ dân số bày tỏ: “Nếu làm căng, một đứa vào tù, một đứa ôm con dại trong cảnh nghèo khổ… thì mọi chuyện càng thảm hại hơn!”.

 

Hiện T.D đã “khăn gói” về nhà chồng, căn nhà nằm trong khu tái định cư vượt lũ do ông T mua trả góp mới gần 5 năm và còn góp đến 10 năm nữa mới xong. Gia đình bên chồng suốt ngày đi làm thuê làm mướn, nên ngày ngày bà H vừa chạy qua chạy lại để lo cho con gái và cháu ngoại còn rất yếu, vừa phải trông coi cái sạp tạp hóa nhỏ để duy trì cơm áo. Gạt nước mắt, bà H nói: “Nghèo còn mắc cái eo! Giận nó lắm, nhưng biết phải làm sao? Thôi thì hy vọng vài năm nữa hai đứa nó lớn, hiểu nỗi khổ của cha mẹ mà thương yêu nhau, sống tốt và lo cho con cái!”.

 

Trong căn phòng vách tôn nóng bức, chật chội và đồ đạc treo luộm thuộm, T.D và con nằm trên chiếc giường tre, bên dưới để cái lò than nóng rực. Hai bên hông đứa bé, theo lời dặn dò một chị y tá, gia đình đã dùng hai chiếc bình thủy tinh khá lớn chứa nước ấm để bé ôm cho đảm bảo nhiệt độ vì sinh non. Ngồi bên vợ, N kể: “Vừa đưa vợ về nhà, em liền đi xin việc vài nơi để kiếm tiền mua sữa cho con, thức ăn cho vợ. Nhưng ở đâu cũng bảo… chờ!

 

Người ta ngại cái dáng gầy còm, nước da trắng yếu ớt của em không kham nổi nghề phụ hồ, bốc vác nên em định xin làm công nhân chế biến thủy sản. Em không sợ cực, em nhất định tìm việc làm để kiếm tiền nuôi con…”.

 

Nghe N dự tính cho cái tổ ấm mong manh của mình mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

 

Theo Nông thôn Ngày nay