Tình không bén rễ

(Dân trí) - Số tiền ít ỏi bố vừa gửi lên, chỉ mấy trăm ngàn lại rơi mất trên chặng đường từ bưu điện về kí túc xá. Loay hoay một hồi vẫn không tìm thấy, tôi suýt muốn xỉu vì tiếc và vì mệt.

Vật vã gần tiếng đồng hồ, tôi lê từng bước nặng nhọc lên tầng ba. Trông mặt tôi bơ phờ mệt mỏi nên ai cũng hỏi. Mà tôi cũng mệt thật, thở hổn hển, rồi nằm vật ra giường. Khóc. Rồi vứt lung tung mọi thứ ra nhà như một con điên. 

 

Cũng tại tính tôi bất cẩn, đoảng đến thế là cùng. Cầm lá thư mà đánh rơi lúc nào không biết. Giờ thì… Tôi hình dung ra mọi điều bất hạnh. Đang hết tiền nên mới khẩn khoản gọi điện để xin lương bố. Nó không phải là con số quá lớn nhưng lúc này với tôi là cả một gia tài. Cứ nghĩ đến cảnh nhịn bữa sáng lên lớp, ăn mì tôm cả ngày, tôi lại rùng mình. Suốt tuần nay tôi chiến đấu với “mì gói hai chiều”, mà giờ nhìn nó cứ cảm giác gây gây buồn nôn phát sợ. Lũ bạn cuối năm túi cũng rỗng tuếch, tình trạng thê thảm chẳng kém gì tôi. Đúng là sinh viên những ngày đói lả giống như nông dân ở giai đoạn mất mùa. 

 

Quá uất ức, lại tức vì mất của, tôi cứ gào lên. Xin bố lần nữa thì không dám. Mà không làm thế thì lấy gì để ăn. Gia sư còn chưa tới tháng, mà hỏi ứng trước thì ngượng với chủ nhà. Không, tôi không chịu. Tôi quay ra rủa thầm tên nào may mắn vớ được phong thư quý giá của tôi. Đúng là hên như mèo thấy mỡ, mò được chảo cá rán tẩm bột chiên xù. 

 

Đang hết sức bối rối thì nghe có tiếng gõ. Con Hoa nhanh nhẹn ra mở cửa. “Xin lỗi! Phòng này có ai tên Tú Diệp không?”. Nghe hỏi tên mình, tôi ngồi bật dậy nhìn trân trối chàng thanh niên cao to, đôi mắt sâu cuốn hút, chân mày đen sậm như hai con sâu róm bò lổm ngổm trên gương mặt không muốn nở nụ cười. Sự xuất hiện đột ngột của anh ta khiến tôi có phần ngạc nhiên. Quên mất phải chải lại mái tóc và chỉn chu bộ trang phục lôi thôi đang mặc, tôi vặn vẹo:

 

- Có chuyện gì vậy?

 

- Cài này của chị phải không? Vừa nói hắn vừa rút ra một phong bì thư.

 

- Đúng rồi, may quá! Của bố tôi gửi đấy!

 

- Ồ, thế mà tôi tưởng thư tình nên mới đem trả lại vì nghĩ nó lớn lao lắm. Chị cũng biết thời buổi này người ta chỉ thích email điện tử, mấy ai viết thư tay.

 

Tôi nhíu mày vì giọng nói tưng tửng của hắn. Nhưng cũng chính điểm kỳ cục hiếm hoi đó lại thu hút tôi đến lạ. Tôi mong được gặp lại hắn biết chừng nào. Quả thật giữa cái bề bộn cuộc đời này ai ai cũng hối hả, tặc lưỡi nói “không” với chuyện thiên hạ, và ích kỷ chỉ riêng cá nhân mình mà lại xuất hiện một người “rỗi hơi” đem trả thư nhặt được như hắn thì tôi lại chẳng phải đáng mơ, đáng nhớ sao? 

 

Vậy mà anh biến mất không dấu vết.

 

Cứ như thể cổ tích. Hoàng tử tìm ra công chúa nhưng nhìn công chúa ngốc nghếch quá liền thất vọng ra về và chui tận vào rừng xanh.

 

Nửa năm mong đợi biệt âm như thế thì tôi có điện thoại. Đầu dây đằng kia hỏi có nhận ra không rồi kể lại chuyện phong thư. Trống ngực tôi đổ dồn. Bất giác xưng em. “ Sao anh không đến? Em… cứ… cứ… đợi anh đến để cảm ơn ấy mà”. 

 

Nhưng anh vẫn không đến, chỉ thi thoảng gọi qua điện thoại. Mỗi lần là một câu hỏi thăm, một câu chuyện gì đó liên quan đến chúng tôi. Tỷ như: “Hôm qua anh nhìn thấy em tung tăng trên đường phố”, “lúc em lên giảng đường”, “rực rỡ trong đêm văn nghệ”. “Trông em hơi khác hôm ở nhà nhưng vẫn là em và tất nhiên là em rồi vì tên em người ta gọi anh nghe rõ …”. “Thật kì lạ em ạ, đem phong thư đến một phần vì tò mò xem người có cái tên lạ có đẹp lạ lùng như cái tên hay không. Biết là đẹp rồi lại không dám làm quen nữa… Lạ thế em ạ…”. 

 

Đến tận sau này tôi mới biết, anh chính là giảng viên trường tôi và vừa mới cưới vợ.  Chuyện anh không đến vậy là có nguyên nhân. Sự thật là anh không quên tôi, nhưng chỉ dám gọi điện thăm hỏi. Đúng là “chóng vánh”, đẹp lung linh nhưng không cháy bén.

 

Thu Huyền