Tìm xuân trong tiếng đàn bầu

(Dân trí) - Giữa một buổi sáng không ồn ào, khi mọi người đang chìm vào giấc ngủ thì ba tôi đưa cây đàn bầu cũ kỹ ra đánh. Tiếng đàn bầu của ba như những giọt mưa xuân cứ lất phất mãi; giữa khói hương trầm...

 
Tìm xuân trong tiếng đàn bầu - 1


Gia đình tôi xa quê hương để định cư ở một đất nước nằm bên kia đại dương. Chúng tôi sống ở một khu phố khá nhiều người Việt. Mỗi độ đất trời đang vào xuân, sau khi đón tết dương lịch xong xuôi thì khu phố người Việt lại chuẩn bị cho một cái tết mà họ mong đợi, đó là tết cổ truyền của dân tộc.

 

Và tôi thường chờ đợi tiếng đàn bầu của ba vang lên trong giá lạnh của đất trời.

 

Mỗi năm tiếng đàn bầu của ba chỉ ngân lên trong vài lần. Đó là những ngày giáp tết, đầu năm và những lúc ba nhớ về quê nhà. Cây đàn này được một người bạn tặng ba sau khi người ấy đã cảm thông cho nỗi niềm của người tha hương.

 

Tiếng đàn của ba réo rắt và sâu lắng mỗi độ xuân về. Từ tiếng đàn đó tôi đã mơ về những cái tết khi gia đình đang còn ở quê. Đó là những cái tết nhiều màu sắc và nồng nàn hương thơm. Những đám hoa cải trắng, vàng nở muộn; lũ bướm của mùa xuân chao lượn. Rải rác trong những luống khoai lang là màu tím của hoa cà đang hứng mưa xuân. Và trong ngọn gió ve vuốt ấy, sắc vàng của hoa bí đang hé nụ kịp báo cho một bầy ong từ phương nao xa xôi đến hút mật. Bên chái hiên, bếp lửa hồng rực đỏ, nồi bánh chưng sôi sùng sục và mùi hương bắt đầu len lỏi. Chú mèo như nhận ra được cái mùi thân quen béo ngậy của nhân bánh nên đến bên bếp lửa nằm lỳ. Lúc đấy tôi thường đến bên chén trầm ba vừa đốt để... ngửi. Mẹ lại mắng yêu: “Thằng con lạ thiệt, thích mùi hương trầm hơn kẹo ngọt”.

 

Những hình ảnh và mùi hương ấy đã đi qua thời thơ trẻ, in lại ở trí óc trong một “túi nhớ”. Và khi tiếng đàn bầu của ba ngân lên, nó chực trào ra như bão tuyết của xứ này.

 

Đôi lúc tôi tự hỏi mình, nếu không có những cái tết và tiếng đàn bầu da diết ấy, liệu tôi, anh chị em tôi có còn một khoảnh khắc nào để nhớ, để thương về quê nhà khi mà đại bộ phận Việt kiều ở nơi này đều không nói tiếng Việt mỗi lần giao tiếp?

 

Ba tôi luôn là người thuần Việt dù ông sống xa quê hương đã lâu, thế mà ngày thường vẫn rất kiệm lời Việt hoặc dùng tiếng Việt lẫn lộn với tiếng Anh. Ba như biết được một ngày kia lũ trẻ như con chúng tôi sẽ không dùng đến nó, nên mỗi lần xuân về tết đến ông thường ra sắc lệnh: “Ngày đầu tiên của năm mới không dùng tiếng bản địa, ai vi phạm tao quyết phạt!”. Cũng không chỉ “kiểm soát” trong những lời nói ở ngày đầu năm, những ngày cận tết như lễ đưa ông Công, ông Táo, tất niên, cúng giao thừa, xông đất đầu năm, lì xì... ba cũng không bỏ sót một tập tục nào.

 

Đêm ba mươi tết, mẹ cố gắng lắm mới mua được nguyên liệu để làm bánh chưng. Bên bếp lửa cả nhà lại vui vầy. Ba kể về những cái tết thời xa lơ xa lắc, hồi còn ông bà nội. Mỗi lần kể là mỗi lần nhớ quê nhà da diết dù vài năm chúng tôi được trở về một lần rồi vội vã ra đi.

 

Mùa xuân lại sắp chạm thềm, thêm một mùa xuân không có được không khí tết quê nhà, bạn bè ở đây cứ gọi nhau tụ họp mở tiệc để “hoài hương”. Những ngày như thế này tôi không muốn đi đâu cả, chỉ muốn trùm chăn thật ấm. Giữa lưng chừng của giấc mơ, tiếng đàn bầu của ba lại đưa tôi về tìm chút nắng ấm.

 

Yên Mã Sơn